Tổng thống Donald Trump đến Ấn Độ, bắt đầu chuyến công du 2 ngày

24/02/2020 - 17:39

PNO - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến buổi lễ đón tiếp ở bang Gujarat trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ấn Độ.

Tổng thống Trump tham gia cùng Thủ tướng Narendra Modi tại buổi lễ chào mừng ở sân vận động Motera, địa điểm chơi cricket lớn nhất thế giới. Hơn 100.000 người đã vỗ tay chào mừng khi hai nhà lãnh đạo bước vào.

Sự kiện tại sân vận động Motera được so sánh với "Howdy, Modi!" – buổi chào mừng với 50.000 người tham dự - tổ chức tại thành phố Houston năm 2019 nhân dịp Thủ tướng Modi đến thăm Mỹ.

Khoảng 100.000 người đã tập trung tại sân vận động Motera, thành phố Ahmedabad để chào đón Tổng thống Mỹ.
Khoảng 100.000 người đã tập trung tại sân vận động Motera, thành phố Ahmedabad để chào đón Tổng thống Mỹ.


Ông Trump trước đó đã dừng chân tại Sabarmati Ashram, nơi nhà lãnh đạo độc lập Ấn Độ Mahatma Gandhi, từng sinh sống suốt 13 năm.

Ông Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump thử sử dụng bánh xe dệt vải. Ông Gandhi từng phổ biến hoạt động này như một hình thức phản đối vải sản xuất từ nước ngoài trong phong trào độc lập của Ấn Độ.

Phu nhân Melania và Tổng thống Trump thử sử dụng bánh xe dệt vải tại nhà cũ của Độ Mahatma Gandhi.
Phu nhân Melania và Tổng thống Trump thử sử dụng bánh xe dệt vải tại nhà cũ của Độ Mahatma Gandhi.

Hiện tại, Mỹ là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Ấn Độ, với thương mại song phương đạt tổng cộng 142,6 tỷ USD trong năm 2018. Dù vậy, Mỹ hiện đang thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ khoảng 25,2 tỷ USD với Ấn Độ, đối tác thương mại lớn thứ 9 của nước này.

Mặc dù mối quan hệ chính trị và chiến lược Mỹ - Ấn ngày càng tăng, đã có một số căng thẳng về các vấn đề thương mại. Ông Trump nhận định rằng thuế quan của Ấn Độ - đối với hàng nhập khẩu  là "không thể chấp nhận được", và mô tả Ấn Độ là "vua" của thuế quan.

Một khẩu hiệu ven đường bày tỏ hy vọng về tương lai mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo.
Một khẩu hiệu ven đường bày tỏ hy vọng về tương lai mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo.

Vào tháng 6/2019, Mỹ đã chấm dứt tình trạng ưu đãi thương mại cho Ấn Độ, quốc gia thụ hưởng lớn nhất của Hệ thống Ưu đãi Tổng quát (GSP) - chương trình cho phép một số hàng hóa được miễn thuế khi nhập vào Mỹ.

Động thái này đã gây ra sự rạn nứt ngoại giao giữa hai nước, sau đó Ấn Độ áp thuế trả đũa đối với 28 sản phẩm của Mỹ. Một báo cáo chính thức của Mỹ năm 2019 cho biết thuế suất của Ấn Độ đối với các thành viên khác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn là "cao nhất trong số các nền kinh tế lớn".

Hai bên cũng bất đồng về kiểm soát giá đối với thiết bị y tế và các quy tắc mới về lưu trữ dữ liệu của Ấn Độ.

Thỏa thuận thương mại song phương có khả năng giải quyết một số vấn đề tồn tại giữa hai nước; và chỉ vài ngày trước chuyến thăm, ông Trump tuyên bố rằng ông sẽ "dành những thỏa thuận lớn cho giai đoạn cuối nhiệm kỳ”.

Trước chuyến thăm, Ấn Độ đã chi hàng triệu USD để chỉnh trang cơ sở hạ tầng đón tiếp Tổng thống.
Trước chuyến thăm, Ấn Độ đã chi hàng triệu USD để chỉnh trang cơ sở hạ tầng đón tiếp Tổng thống.

Trong một dấu hiệu rõ ràng về mối quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ hơn, Ấn Độ dự kiến ​​sẽ ký hai thỏa thuận lớn với Mỹ để mua 30 máy bay trực thăng quốc phòng của Mỹ - MH-60R Seahawk và AH-64E Apache - trị giá hơn 2,6 tỷ USD.

Ngoài ra, công ty năng lượng Westinghouse của Mỹ dự kiến ​​sẽ ký một thỏa thuận mới với Tập đoàn điện hạt nhân Ấn Độ của nhà nước để cung cấp sáu lò phản ứng hạt nhân. Mỹ đã thảo luận về việc bán lò phản ứng hạt nhân cho Ấn Độ kể từ khi ký kết thỏa thuận năng lượng hạt nhân dân sự mang tính bước ngoặt năm 2008.

Tấn Vĩ (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI