Tổng thống Biden sẽ trừng phạt Nga theo cách của mình

23/02/2021 - 17:19

PNO - Chính quyền Trump trước kia đã chuẩn bị một gói trừng phạt Moscow để đáp trả vụ đầu độc nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny, nhưng nhóm an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden muốn vạch ra một lộ trình của riêng mình.

Tổng thống Joe Biden đang gây sức ép với Nga về vấn đề nhân quyền - Ảnh: Politico/Getty Images
Tổng thống Joe Biden đang gây sức ép với Nga về vấn đề nhân quyền - Ảnh: Politico/Getty Images

Mỹ chuẩn bị đáp trả việc Nga “đầu độc và bỏ tù thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny” và dự kiến ​​sẽ phối hợp triển khai các biện pháp trừng phạt với các nước đồng minh châu Âu trong vài tuần tới.

Các nguồn tin cho biết, phản ứng của chính quyền Biden sẽ đánh dấu sự đoạn tuyệt với chính quyền tiền nhiệm - vốn đã chuẩn bị một gói trừng phạt Moscow sau vụ đầu độc Navalny, nhưng chưa thực hiện. Động thái của Mỹ lần này được đánh giá là bước đi quan trọng đầu tiên của tân chính quyền trong việc buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền, mà Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đã liệt kê như “một trụ cột chính” trong chính sách đối ngoại của Washington.

Các nguồn tin giấu tên cho biết, vụ lực lượng an ninh Nga đầu độc Navalny tháng 8 năm ngoái và việc gần đây ông ta bị bắt giam ở Moscow được cho là “đủ cấp thiết” để đưa ra phản ứng, ngay cả khi chính quyền mới ở Washington đang trong quá trình xem xét rộng hơn chính sách Mỹ-Nga.

Trong khi Hội đồng An ninh Quốc gia tiếp tục đánh giá rộng hơn về nước Nga, chính quyền Biden không kích hoạt lại từ đầu vấn đề Navalny, mà thừa hưởng một gói trừng phạt toàn diện từ chính quyền tiền nhiệm, được bàn giao lại trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, gói trừng phạt này đề xuất ba hình thức: Trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky đối với những cá nhân bắt giữ Navalny; trừng phạt theo Đạo luật Kiểm soát Vũ khí Sinh học và Vũ khí Hóa học và Loại bỏ Chiến tranh năm 1991 (Đạo luật CBW); và trừng phạt theo sắc lệnh hành pháp 13382 - "nhằm mục đích đóng băng tài sản của những kẻ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và những người ủng hộ chúng”. Gói trừng phạt của ông Trump cũng đề xuất thu hồi thị thực của một số quan chức Nga và hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng lưỡng dụng sang Nga, những mặt hàng này có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Không rõ tại sao đề xuất trừng phạt mà các cựu quan chức cho biết là “sẵn sàng thực hiện vào đầu tháng Giêng”, đã bị đình trệ vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump.

Chính quyền mới của ông Biden lựa chọn một phản ứng, có nhiều khả năng không sử dụng chính xác gói trừng phạt do nhóm an ninh quốc gia của ông Trump để lại. Hội đồng An ninh Quốc gia hiện tại coi gói trừng phạt đó là “quá đơn phương và không phù hợp với cam kết của ông Biden trong việc hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác của Hoa Kỳ về các động thái chính sách đối ngoại lớn”.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn tụt hậu so với các đồng minh về vấn đề này. Tháng 10/2020, sau khi nổ ra vụ đầu độc Navalny vào năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã trừng phạt 6 người Nga và một viện khoa học do nhà nước điều hành và tuần này EU đã thông báo ý định xử phạt thêm bốn quan chức cấp cao của Nga liên quan đến vụ Navalny.

Việt Hưng (theo Politico)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI