Tổng thống Biden cấm du lịch Nam Phi vì biến thể COVID-19, Pháp áp đặt kiểm soát biên giới

25/01/2021 - 07:11

PNO - Kể từ khi nhậm chức, ông Joe Biden đã thực hiện một cách tích cực các biện pháp nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Tổng thống Biden cấm du lịch Nam Phi vì biến thể COVID-19

Tổng thống Joe Biden sẽ áp đặt lệnh cấm hầu hết các công dân không phải là người dân Hoa Kỳ nhập cảnh vào nước này khi đã ở Nam Phi gần đây, bắt đầu từ ngày 30/1. Đây là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của dịch COVID-19.

Trước đó, Tổng thống Biden cũng đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với những du khách không phải là người Mỹ đã từng ở Brazil, Vương quốc Anh, Ireland và 26 quốc gia châu Âu khác.

Tổng thống Joe Biden cấm người dân Mỹ du lịch đến Nam Phi vì biến thể COVID-19
Tổng thống Joe Biden cấm người dân Mỹ du lịch đến Nam Phi vì biến thể COVID-19

Tiến sĩ Anne Schuchat, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Chúng tôi đang thêm Nam Phi vào danh sách hạn chế vì biến thể liên quan hiện đã lan rộng ra ngoài Nam Phi. Cơ quan đang thực hiện các biện pháp để bảo vệ người Mỹ, giảm nguy cơ các biến thể này làm trầm trọng thêm đại dịch hiện nay".

Bên cạnh đó, một số quan chức y tế lo ngại rằng vắc-xin hiện tại có thể không hiệu quả đối với biến thể Nam Phi, điều này cũng làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Biến thể Nam Phi vẫn chưa được tìm thấy ở Hoa Kỳ nhưng ít nhất 20 bang của nước này đã phát hiện một biến thể ở Anh.

Kể từ khi nhậm chức, ông Joe Biden đã thực hiện một cách tích cực các biện pháp nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Hà Lan bắt giữ hơn 100 người sau cuộc biểu tình phản đối hạn chế COVID-19

Cảnh sát Hà Lan đã sử dụng vòi rồng và chó để giải tán một cuộc biểu tình ở trung tâm Amsterdam trong ngày 24/1, nhằm chống lại các hạn chế của dịch COVID-19. Hiện, cảnh sát đã bắt giữ hơn 100 người vì ném đá và pháo hoa.

Cuộc biểu tình tại Quảng trường Bảo tàng của thành phố Amsterdam, đã vi phạm lệnh cấm tụ tập nơi công cộng, diễn ra một ngày sau khi chính phủ Hà Lan ban hành lệnh giới nghiêm hàng đêm lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.

Cảnh sát sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông.
Cảnh sát sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông

Những người biểu tình chán ngán với các biện pháp giãn cách kéo dài đã mang theo biểu ngữ có nội dung “Stop The Lockdown” (dừng việc phong tỏa). Lo sợ về một cuộc bạo động có thể xảy ra và lây lan virus trên diện rộng, Thị trưởng Femke Halsema đã chỉ định quảng trường là "khu vực có nguy cơ cao" và giao cho cảnh sát một số quyền hạn để giải tán đám đông.

Văn phòng thị trưởng cho biết cảnh sát đã thành công khi giải tán biểu tình, bắt giữ những kẻ đã tấn công họ bằng đá và pháo hoa trên các đường phố gần đó.

Trước đó, trong ngày 23/1, cảnh sát Hà Lan cũng đã bắt giữ 25 người và xử phạt 3.600 trường hợp vi phạm lệnh giới nghiêm.

Để kiểm soát dịch bệnh, chính phủ Hà Lan đã gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 9/2. Trong khi đó, các trường học và cửa hàng không thiết yếu đã đóng cửa từ giữa tháng 12, sau khi các quán bar và nhà hàng đóng cửa 2 tháng trước đó.

Pháp áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới

Các biện pháp kiểm soát biên giới mới do chính phủ Pháp ban hành đã bắt đầu có hiệu lực trong ngày 24/1 như một phần của nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và tránh một cuộc phong tỏa trên toàn quốc khác.

Kể từ ngày 24/1, những người đến Pháp từ các nước thuộc Liên minh châu Âu bằng đường hàng không hoặc đường biển phải có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng 72 giờ. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Jean-Baptiste Djebbari, khoảng 62.000 người đến các sân bay và cảng biển của Pháp từ các nước EU khác mỗi tuần.

Pháp tăng cường kiểm soát biên giới và xét nghiệm COVID-19.
Pháp tăng cường kiểm soát biên giới và xét nghiệm COVID-19

Sau khi khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin khá chậm chạp, hiện các cơ quan y tế Pháp đã báo cáo hơn một 1 triệu người đã được chủng ngừa. Dẫu vậy, tỷ lệ nhiễm mới virus, nhập viện và tử vong vẫn tiếp tục tăng cao làm dấy lên lo ngại Pháp có thể đối mặt với đợt phong tỏa toàn quốc lần 3, cảnh báo sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn cho các doanh nghiệp và cuộc sống hàng ngày của người dân.

Chủ tịch hội đồng khoa học được thành lập để tư vấn cho chính phủ về đại dịch, Jean-Francois Delfraissy cho biết: “Có lẽ cần phải tiến hành phong tỏa. Bạn đưa ra quyết định càng nhanh, thì quyết định đó càng hiệu quả”.

Chung Thu Hương (theo Reuters và AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI