Tổng thanh tra Chính phủ: Tiền ra trước mặt, lòng tham dễ phát sinh

09/11/2017 - 16:47

PNO - Tổng Thanh tra Chính phủ chia sẻ như vậy khi nói về về Dự án Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi vừa được trình Quốc hội chiều nay.

Thảo luận về Dự án Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, nhiều đại biểu  đồng tình với phương án thứ nhất được đưa ra lấy ý kiến là mở rộng đối tượng để kiểm soát tham nhũng. Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho biết, hiện nay có nhiều Hội, tổ chức đang huy động sự ủng hộ của nhân dân. Trong các quỹ đi vận động, có thực trạng tồn tại “luật ngầm” là phải “feedback” lại cho người ủng hộ tới 40%. Do đó, phải đưa cả những đối tượng này vào kiểm soát.

Tong thanh tra Chinh phu: Tien ra truoc mat, long tham de phat sinh
 

Đại biểu này đề xuất, không thu hẹp các đối tượng phải kê khai tài sản mà yêu cầu tất cả cán bộ công chức nhà nước phải thực hiện. Không phải có chức có quyền mới thực hiện hành vi tham nhũng mà các đối tượng tham nhũng vặt rất nhiều, họ mới chính là người gần dân và gây nhũng nhiễu cho dân đầu tiên.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề xuất cán bộ khi được bổ nhiệm phải có cam kết không tham nhũng trước tổ chức, đơn vị. Đồng thời có chế độ “dưỡng liêm” với các vị trí quan trọng, không chỉ bồi dưỡng mà còn nhắc nhở họ đang nhận những đồng lương để phòng chống tham nhũng.

Đồng tình về việc mở rộng đối tượng kiểm soát tham nhũng, đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) kiến nghị đối tượng kê khai tài sản, thu nhập không chỉ căn cứ vào chức vụ mà còn xem xét vào lĩnh vực phát sinh tham nhũng. “Trong dự thảo có điều 32 khoanh vùng các lĩnh vực dễ phát sinh, dự kiến điều chuyển công tác bất kỳ. Do đó, không phụ thuộc vào quy định áp dụng với đối có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương”, bà Vân nói.

Tong thanh tra Chinh phu: Tien ra truoc mat, long tham de phat sinh
Tổng Thanh tra chính phủ Lê Minh Khái, để chống tham nhũng thì cần "phòng là chính"

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong vấn đề sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, mục tiêu đặt ra là “phòng là chính”. Theo đó, phải thiết kế làm sao để người có ý đồ có tham nhũng không thể tham nhũng, thiết lập khuôn khổ pháp lý thật chặt để tránh tình trạng lạm dụng kẽ hở.

“Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được các công cụ để phòng ngừa tham nhũng. Nếu chúng ta làm tốt điều này thì tổ chức thực hiện hiệu quả mới cao, sẽ bịt được các kẽ hở để hạn chế tham nhũng, từ đó sẽ ít phải xét xử, xử lý các vụ án tham nhũng hơn. Còn để xảy ra tham nhũng rồi, xử lý các vụ việc thì đều rất đau lòng, xử tù tội, tử hình một con người sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình, dòng tộc… rất đau xót” – ông Lê Minh Khái nói.

Vậy phải làm sao không để xảy ra tham nhũng? Tân Tổng Thanh tra Chính phủ nói: “Con người mà khi thấy để tiền ra trước mặt lại không có ai thì lòng tham người ta dễ phát sinh. Mình không để xảy ra chuyện này thì sẽ không có tham nhũng. Còn khi đã xảy ra tham nhũng rồi thì phải tập trung phát hiện, không để lọt. Phát hiện được rồi thì phải xử lý cương quyết để không dám tham nhũng nữa”.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI