Tổng Thanh tra Chính phủ: Cơ quan phòng chống tham nhũng có tham nhũng

25/12/2015 - 07:55

PNO - Mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam rất bài bản nhưng vẫn có hiện tượng "tham nhũng ngay trong chính cơ quan chống tham nhũng".

Sáng 24/10, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do UBND TP Hồ Chí Minh, Tổng Thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã có những câu trả lời liên quan đến thực trạng phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.

Tong Thanh tra Chinh phu: Co quan phong chong tham nhung co tham nhung
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (Ảnh: Thảo Hương/MTG)

Phòng chống tham nhũng của Việt Nam rất bài bản

Trước báo cáo về việc 9 tháng đầu năm 2015 TP.HCM không có tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh đã có những lý giải. Theo đó, ông Phong nhấn mạnh việc báo cáo chỉ là bước ban đầu, kết luận có tham nhũng hay không còn phải tùy thuộc vào kết quả điều tra.

Giải thích về việc tại sao báo cáo tham nhũng giảm nhưng theo đánh giá quốc tế thì tham nhũng tại Việt Nam lại tăng, người đứng đầu Thanh Tra Chính phủ cho biết đánh giá quốc tế dựa trên 3 yếu tố: tình trạng độc quyền nhà nước, tình trạng bưng bít thông tin và tình trạng thiếu trách nhiệm giải trình.

Việt Nam trong vòng 15 năm qua, điểm tăng dần, từ năm 2001 được 25/100, đến năm 2010 được 27/100, năm 2014 được 31/100 điểm. Như vậy, Liên Hợp Quốc đánh giá theo cấp là nước ta đang hoàn thiện thể chế, chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam rất bài bản.

Việt Nam được đánh giá là dân chủ, minh bạch. Dân chủ có nghĩa là qua các hình thức xây dựng hiến pháp, nghị định, thông tư đều lấy ý kiến từ dân…

Theo ông Tranh, quốc tế đánh giá Việt Nam có trách nhiệm giải trình tốt. Các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều thực hiện giải trình khi theo yêu cầu của dân; Chính phủ và địa phương thường xuyên giải trình những yêu cầu mà người dân đặt ra; các cuộc họp quốc hội cũng từ ý kiến người dân, tạo ra trách nhiệm giải trình, bên cạnh đó còn có các chương trình như Dân hỏi bộ trưởng trả lời.

“Các nước khác chỉ họp trong một tuần chứ không kéo dài cả tháng như Việt Nam. Quốc tế đánh giá Việt Nam điểm số ngày càng cao là vì những lý do đó. Việc thực hiện phòng, chống tham nhũng nước ta rất bài bản, lâu dài”, ông Tranh dẫn chứng.

Tất nhiên là có tham nhũng xảy ra, đơn cử là trong 5 năm qua, thanh tra cả nước phát hiện có 313 vụ tham nhũng. TP.HCM phát hiện 5 vụ, ông Tranh cho biết thêm.

"Cơ quan phòng chống thanh nhũng có tham nhũng"

Mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam rất bài bản nhưng vẫn có hiện tượng "tham nhũng ngay trong chính cơ quan chống tham nhũng" theo báo cáo của TP HCM vừa nêu.

Ông Huỳnh Phong Tranh xác nhận: "Hàng năm, theo tổng hợp báo cáo có phát hiện trong cơ quan thanh tra, kiểm sát, tòa án, công an đều có tội phạm này. Tuy nhiên số lượng còn chưa nhiều".

Trong đó lĩnh vực được cho là tham nhũng phức tạp, nhạy cảm nhất là quản lý xây dựng đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư công về sử dụng ngân sách nhà nước, công tác cán bộ.

"Đây là những lĩnh vực mà không riêng gì địa phương mà trong kế hoạch thanh tra năm 2016, chúng tôi cũng tập trung những lĩnh vực nhạy cảm này, tiến hành thanh tra để vừa phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh", Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Theo đó, ông phân tích những biểu hiện của nhóm liên quan đến chống tham nhũng được thể hiện qua 3 điểm:

"Thứ nhất là trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Biểu hiện lợi ích nhóm được thể hiện khi xảy ra một số vụ án thì có sự liên kết chặt chẽ một nhóm đông người, có thể cùng một cơ quan tổ chức hay nhiều cơ quan tổ chức khác nhau. Những người này kết lại thành một khối để tạo ra lợi ích nhóm.

Thứ hai là trong hoạt động của ngân hàng. Ở lĩnh vực này, lợi ích nhóm biểu hiện rõ ràng nhất. Điển hình như các vụ án đang xử đây là biểu hiện của lợi ích nhóm rất rõ như vụ án của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh 2, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong báo cáo của Ngàn hàng Nhà nước năm 2015 cũng nói rõ điều này.

Thứ ba là biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng cơ chế chính sách, muốn làm sao thực hiện có lợi cho ngành mình, địa phương mình hay cho lợi ích nhóm của mình".


 

news_is_not_ads=
TIN MỚI