Tổng kết, trao giải trại sáng tác nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - TPHCM năm 2024

15/01/2025 - 19:32

PNO - Ngày 15/1, tại Bảo tàng TPHCM (chi nhánh TPHCM, quận 4), Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức tổng kết và trao giải Trại sáng tác nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - TPHCM năm 2024.

Trại sáng tác nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - TPHCM năm 2024 diễn ra tại huyện đảo Cần Giờ trong 3 ngày 16, 17 và 18/10/2024 với sự tham gia của 25 thành viên là các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên ở lĩnh vực đờn ca tài tử - cải lương.

Tổng kết trại sáng tác, ban tổ chức đã trao 25 giải thưởng, gồm 8 giải ở thể loại vọng cổ nhịp 16 và nhịp 32, 10 giải thể loại bài bản Tổ, 6 giải thể loại bài bản truyền thống và 1 giải cho tiết mục ca ra bộ hay.

Ban tổ chức trao các giải thưởng
Ban tổ chức trao 4 giải A, 8 giải B, 12 giải C và 1 giải ca ra bộ hay

Tác giả Võ Tử Uyên đạt giải A với bài vọng cổ nhịp 32 Đâu phải điều đơn giản và giải C với bài Góc nhỏ ân tình theo điệu Khốc hoàng thiên (bài bản truyền thống).

Theo tác giả Võ Tử Uyên, TPHCM sau 50 năm đất nước thống nhất là nguồn cảm hứng lớn lao, nhưng không dễ khai thác khi có quá nhiều thay đổi, quá nhiều thành tựu, quá nhiều điều muốn nói.

“Nhưng nói cái gì, nói từ đâu để thể hiện được diện mạo của TPHCM sau 50 năm? Cuối cùng, tôi chọn hình thức thể hiện là cuộc trò chuyện của 2 thế hệ.

Người cha kể về những năm tháng tham gia lực lượng thanh niên xung phong trồng rừng tái tạo mảng xanh cho Cần Giờ, vốn đã bị mưa bom, bão đạn, chất độc hóa học của kẻ thù hủy hoại trong những năm tháng chiến tranh. Người con nói về những đổi thay của Cần Giờ và thành phố hôm nay” - Võ Tử Uyên chia sẻ về bài vọng cổ Đâu phải điều đơn giản.

qua phần trình diễn của NNƯT Ngọc Đặng và NS Tô Tấn Loan.
Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đặng và nghệ sĩ Tô Tấn Loan thể hiện bài vọng cổ nhịp 32 Đâu phải điều đơn giản của tác giả Võ Tử Uyên

Tác giả trẻ Lâm Hữu Tặng đạt giải A ở thể loại bài bản Tổ với bài Thành phố thắm niềm tin (thể điệu Tây Thi) và đạt giải C ở thể loại bài bản truyền thống với bài Nơi chắp cánh ước mơ (điệu Khốc hoàng thiên và Phong ba đình).

Lâm Hữu Tặng cho biết, cảm hứng của anh đến từ lịch sử hình thành và phát triển Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, qua bao thăng trầm, đây vẫn là vùng đất của sự hội tụ và khát vọng vươn mình.

Bà Nguyễn Thị Hoài Phượng - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa TPHCM, trưởng ban tổ chức - khẳng định, trại sáng tác lần này không chỉ nhằm tôn vinh và phát huy giá trị quý báu của nghệ thuật đờn ca tài tử, mà còn mong muốn gầy dựng phong trào sáng tác lời mới các làn điệu tài tử ở TPHCM ngày càng căn cơ, hiệu quả và chất lượng.

Đây là lần đầu tiên, TPHCM tổ chức trại sáng tác cho nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.
Đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức trại sáng tác cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, quy tụ những cây bút có tiếng ở lĩnh vực sáng tác đờn ca tài tử - cải lương

Đại diện ban cố vấn và hội đồng chuyên môn, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên đánh giá cao việc trại sáng tác không chỉ thu hút được các cây viết giỏi của TPHCM, mà những cây viết có thành tích tốt trong sáng tác bài bản đờn ca tài tử - cải lương ở một số tỉnh, thành cũng tham gia.

Cũng có sự chuyển biến về tư duy của những tác giả hiện nay so với trước đây khi có nhiều tác phẩm bắt nhịp thời đại, đi sâu đi sát đời sống xã hội, kể cả các vấn đề thời sự như xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, cổ vũ người dân lao động và học tập.

Tiết mục Sắc xuân trên thành phố Bác (điệu Duyên kỳ ngộ và Ngựa ô Bắc) của tác giả Trần Quốc Thịnh đạt giải B thể loại bài bản truyền thống

Phó giám đốc sở Văn hóa - Thể thao TPHCM Võ Trọng Nam cho biết, trại sáng tác đờn ca tài tử sẽ tiếp tục được tổ chức trong năm 2025. Ông kỳ vọng, với rất nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước và TPHCM, các tác giả sẽ có thật nhiều cảm hứng để sáng tác về sự chuyển mình của TPHCM trong vận hội mới.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI