Từ ngày 25/3, Báo Phụ Nữ Online mở diễn đàn Rich kid con là ai? để mời bạn đọc chia sẻ về trào lưu tiêu dùng sanh chảnh của trẻ. Hàng trăm ý kiến, câu chuyện của phụ huynh đã được gửi về hộp thư của chúng tôi.
Những tranh luận cũng xoay quanh hình ảnh hai cậu bé khoe “thẻ đen” hạn mức tiền tỷ trên mạng xã hội khiến dư luận xôn xao những ngày qua, hay chuyện cậu bé chi gần 100 triệu đồng để mua vé ngồi cạnh Ngọc Trinh được nhắc trong nhiều lá thư.
Không phải bạn đọc quan tâm vấn đề tiêu xài của rich kid vì gia đình nào cũng có thẻ đen cho con cầm tới trường, nhiều phụ huynh là công nhân, viên chức, tiểu thương nhỏ cũng đối diện với mối nguy lớn: Nhà còn khó khăn nhưng con cái vẫn nuôi "khát vọng thẻ đen và hàng hiệu".
Mỗi bài viết là một góc nhìn trăn trở, chia sẻ những vất vả trong dạy con khi mà mở báo chí hay mạng xã hội, bất cứ lúc nào cũng thấy hình ảnh người mẫu, ca sĩ, diễn viên, hotgirl khoe xe sang và hàng hiệu. Nhiều người lớn cũng lệch lạc nhận thức, cho rằng vật chất là biểu hiện của thành công.
Không một ý kiến nào gửi về diễn đàn đồng tình với việc dạy con sống xa hoa, sang chảnh, bạn đọc đồng tình phản đối việc cho trẻ hưởng thụ vất chất quá sớm. Nhưng biện pháp nào để ngăn trẻ thèm muốn một chiếc thẻ tín dụng hạng sang hay mơ ước giàu nhanh thì cha mẹ... bó tay.
Chúng tôi xin đóng diễn đàn bằng cuộc trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, mong các bậc cha mẹ đang "đau đầu vì rich kid" có thể rút ra điều gì đó cho việc dạy con của mình.
|
Rich kid Gia Kỳ từng chi gần 100 triệu đồng mua vé hạng sang để được ngồi cạnh Ngọc Trinh trong chuyến bay sang Dubai |
*Thưa bà, những gì trẻ nhà giàu đang phô trương trên mạng xã hội có khác với những trường hợp bà gặp bên ngoài hay không?
- Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm: Tại những buổi mua bán hàng hiệu tại các khách sạn 5 sao, tôi không khó để thấy một đứa trẻ mạnh tay chi hàng ngàn USD để sở hữu món đồ chúng yêu thích, hệt như việc người lớn mua bó rau ngoài chợ.
Trong khi với tuổi đời của các em, việc tạo ra 1.000 USD bằng sức lao động là điều chưa thể. Việc mất cân bằng giữa cán cân lao động và hưởng thụ chắc chắn sẽ tạo ra sự bất ổn trong sự phát triển nhận thức của trẻ.
Chẳng hạn, có trường hợp khi đi du lịch nước ngoài, trẻ thoải mái quẹt thẻ mua hàng hiệu tặng bạn bè. Khi cha mẹ hỏi vì sao lại sử dụng nhiều tiền như thế, chúng lại giận dỗi bỏ nhà đi. Cha mẹ phải tập hợp lực lượng vệ sĩ theo dõi liên tục trong một thời gian.
*Việc tiêu tiền thoải mái ảnh hưởng thế nào đến trẻ, thưa bà?
- Việc cho con sở hữu số tiền hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng khi chúng chưa phát triển toàn diện về nhận thức, tôi cho rằng đây là một mối nguy. Ở tuổi này, các cháu vẫn chưa có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong hành động, mà thấy thích thì sẽ làm cho được. Vì thế, khi suy nghĩ ra bất kỳ điều gì, chúng sẵn sàng thực hiện, thậm chí kỳ quặc.
Có trường hợp, đứa trẻ dùng tiền để sai khiến bạn bè, buộc người xung quanh làm đều trẻ mong muốn. Trẻ ảo tưởng sức mạnh đồng tiền chính là quyền lực của bản thân. Điều này khiến bản ngã của đứa trẻ bị đẩy đi xa, có khả năng trượt dài trong sự hư hỏng.
Các em như vậy thường có tâm lý không ổn định. Nếu phụ huynh làm điều gì đó không vừa lòng, trẻ có xu hướng phản kháng để thoả mãn bản thân, chẳng hạn như trường hợp bỏ nhà đi chỉ vì bị cha mẹ hỏi chuyện tiêu xài.
Những đứa trẻ này cũng hiếm khi biết cảm thông. Chúng sẽ có xu hướng lợi dụng những điểm yếu của cha mẹ để đạt được điều bản thân mong muốn, thậm chí là... "xẻ thịt” cha mẹ.
Việc nuông chiều, dung dưỡng con bằng tiền sẽ tạo ra những đứa trẻ cực kỳ ích kỷ, tàn nhẫn. Chúng chỉ biết thoả mãn nhu cầu cho bản thân, không nghĩ đến ai. Khi những nhu cầu ngày càng leo thang và cha mẹ không đáp ứng, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
*Hình ảnh những đứa trẻ “ngậm thìa vàng” tràn ngập trên mạng tác động thế nào đến giới trẻ nói chung, thưa bà?
- Hình ảnh những đứa trẻ giàu có có thể góp phần tạo nên những cuộc chạy đua đòi hỏi với những đứa trẻ có điều kiện kinh tế kém hơn, dẫn đến những hành vi lệch lạc như trộm cướp tiền bạc để có được điều chúng muốn.
Thực tế cho thấy, phần lớn trẻ bị phân hoá trong môi trường giáo dục. Nghĩa là những đứa trẻ được nuông chiều bằng tiền bạc có xu hướng tìm những đối tượng có cùng mặt bằng chung để chơi, hiếm khi có trường hợp con nhà giàu lại chịu chơi cùng một nhóm con nhà bình dân.
Hiện nay, mạng xã hội chi phối đời sống con người mạnh mẽ. Vì thế, câu chuyện của một cá nhân rất dễ biến thành chuyện của cả xã hội. Chẳng hạn như trường hợp vừa qua, đứa trẻ đi siêu xe, xài thẻ tín dụng có mức chi tiêu bạc tỷ trở thành tâm điểm của dư luận. Việc này cũng sẽ khiến tâm lý, sự phát triển của chính đứa trẻ bị ảnh hưởng ít nhiều.
|
Một trào lưu chụp hình của rich kid những năm gần đây |
*Nhưng phụ huynh giàu thường có lý lẽ riêng. Họ có thể nói: "Điều kiện tôi tốt, tôi có quyền nuôi con theo kiểu tốt nhất..."
- Tôi thấy, do nhiều cha mẹ không có thời gian chơi, chăm sóc, dạy dỗ con nên nghĩ cứ dùng tiền và vật chất bù đắp được. Tiếp xúc với nhiều trường hợp, tôi thấy rich kid rất cô đơn, lạc lõng vì không có sự chia sẻ, chỗ dựa tinh thần từ gia đình. Rất tội. Số lượng trẻ như vậy ngày một tăng.
Ngoài ra, khá đông trường hợp phụ huynh không có điều kiện kinh tế mạnh nhưng vẫn muốn nuôi, dạy con theo cách của con nhà giàu. Họ thuộc nhóm chỉ mới khá lên, dư ăn một chút, có của để dành nhưng chạy đua theo những tiêu chuẩn của nhà giàu.
Con nhà người ta đi du học, sử dụng điện thoại thông minh đời mới nhất, đi học bằng xe hơi thì họ cũng cố gắng cho con như thế. Thậm chí họ có thể đi mượn nợ để thoả mãn những điều kiện vật chất của con.
Có những phụ huynh giàu lên rất nhanh nhờ một cơ may nào đó, do "trúng đất", do lãi nhanh vì đầu tư tiền ảo... bản thân họ cũng tiêu dùng xa xỉ, không làm gương trong việc sử dụng tiền, vậy thì làm sao làm gương cho con trẻ?
Lỗi của các phụ huynh rich kid ở chỗ họ có xu hướng chu cấp tiền cho con mà quên đi việc quan trọng hơn là dạy chúng hiểu giá trị của đồng tiền, của lao động.
Cha mẹ thương yêu, dành những gì tốt đẹp nhất cho con không sai, nhưng nuông chiều con bằng mọi giá thì chắc chắn sai. Đó là sai lầm khó trong dạy con.
*Vậy, chính sự nuông chiều thái quá của cha mẹ đã tạo ra những rich kid tiêu tiền bạt mạng. Nhưng thực tế vẫn có những công tử, tiểu thư con nhà giàu học giỏi và thành công. Bà có thể chia sẻ vài kinh nghiệm dạy con ngoan của cha mẹ giàu không?
- Có những gia đình rất giàu, con cái vẫn phát triển tích cực, ngoan ngoãn. Tôi cho rằng cách cha mẹ sống, làm gương cho con là điều vô cùng quan trọng. Cha mẹ xài tiền hoang phí, "ném tiền qua cửa sổ" mà hy vọng dạy con sử dụng tiền nghiêm túc, tiết kiệm là điều không thể.
Dạy con phải dạy từ nhỏ, bởi để khi trưởng thành mới uốn nắn thì đã muộn. Có những gia đình cực giàu vẫn đưa ra định mức chi tiêu "nhà nghèo" cho con, hướng dẫn chúng nên sử dụng tiền trong trường hợp nào, chi tiêu như thế nào.
Tôi biết những đứa trẻ con nhà giàu học đến lớp Chín vẫn không được sử dụng điện thoại. Đừng tạo điều kiện cho trẻ được quyền đòi hỏi là mấu chốt thành công trong dạy dỗ con.
Dạy con vốn đã khó. Dạy con trong điều kiện đủ đầy, thuận lợi còn khó hơn rất nhiều. Thời nay, con trẻ tiếp xúc rất sớm với thế giới bên ngoài. Vì thế, không thể dạy chúng bằng bản năng làm cha mẹ hay lề lối xưa cũ.
Tôi cho rằng dạy con cần có chiến lược từ khi trẻ còn rất nhỏ. Cũng cần hiểu rõ tâm lý con trẻ theo từng giai đoạn phát triển để có cách dạy hiệu quả. Nói những điều không hợp lý, trẻ sẽ không nghe. Và không còn cách nào khác, phụ huynh cũng phải học cách dạy con.
*Xin cảm ơn bà!
Trung Sơn (thực hiện)