Tổng kết diễn đàn "Người lạ trong nhà"

06/11/2015 - 10:53

PNO - Sẽ không thể có người lạ từ chồng, đến vợ, đến con, nếu mỗi ngày ta đều tưới tắm bằng quan tâm, bằng chăm sóc, bằng yêu thương.

Sau hơn một tháng rôm rả với đủ hỷ, nộ, ái, ố, từ chia sẻ đến kể lể, giận hờn, phân tích, và đau đáu tìm giải pháp… cuối cùng diễn đàn Người lạ trong nhà cũng đến lúc phải khép lại.

Diễn đàn khởi nguồn từ cảnh ngộ chung mà phần đông những người đàn bà trong gia đình đều nhận ra, cảm thấy, lo lắng, bất bình. Đó là một ngày bỗng thấy người ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, đi cùng xe với mình không có một điểm chung nào.

Không có câu chuyện chung, không có mối quan tâm chung, không có cả những nụ cười, ánh mắt, nói gì đến chuyện sẻ chia. Phiền một nỗi, họ dường như chẳng giận hờn nhau, cũng chẳng phải hết yêu thương.

Chỉ là bỗng thấy ủa sao đi chung với nhau cả một quãng dài mà chẳng ai nói với ai điều gì; bỗng thấy thì ra khi đi chung với người cùng công ty, thậm chí là người chung một chuyến đi du lịch, anh ấy rất khác: hoạt bát, sôi nổi, sâu sắc, chăm chú lắng nghe, sẵn sàng giúp đỡ… Một hình ảnh mà thậm chí mình đã quên lần cuối cùng mình thấy anh ấy như vậy là khi nào.

Tong ket dien dan
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mà không riêng gì chồng, cũng có những người vợ lạ - đột nhiên hung dữ, cau có, ghen tuông, bóng gió, chì chiết, nhất là từ lúc có con. Để các đức ông chồng cứ hoang mang tự nhủ: đâu rồi cô gái dịu dàng nhất Việt Nam mà ngày xưa mình yêu, mình chiều, mình cưới.

Vậy đó, các câu chuyện, tâm sự trong diễn đàn dường như không của riêng ai. Dường như ta gặp bản thân mình trong đó. Tự bao giờ ta trở nên cau có gắt gỏng, tự bao giờ ta không còn muốn nói chuyện, tự bao giờ ta thôi đặt câu hỏi mình có thể làm gì được cho anh ấy (cô ấy), mình làm điều này điều nọ điều kia anh ấy (cô ấy) sẽ nghĩ gì, tự bao giờ ta không hỏi hôm nay em (anh) có gì vui, có gì buồn…

Tự bao giờ anh ấy/cô ấy/ người ấy đã trở thành người lạ?

Có nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Ai khiến họ “nhớt thây”? (Kim Duy), Phải chăng là thường tình? (Triệu Vẽ), Người lạ trong nhà ở đâu ra? (Nguyễn Ngọc Nga)…

Những câu hỏi để ta phải suy ngẫm. Theo chị Nguyễn Ngọc Nga, người lạ không tự nhiên xuất hiện sau khi kết hôn mà họ đến từ những ngày “ban sơ” hẹn hò. Chẳng qua khi yêu, người phụ nữ như bị bịt mắt, bịt tai nên không chịu thừa nhận người chồng tương lai của mình là con ngựa hoang không dễ gì thuần hóa.

Người lạ cũng không tự nhiên mà có. Không ai bỗng dưng sau một đêm chợt trở thành người lạ. Có thể có một hay nhiều điều gì đó đã xảy ra trong đời sống vợ chồng. Có thể có những bất toàn, thất vọng, chán chường, đổi thay theo thời gian và đời sống.

Nhưng cũng có thể không ai muốn trở thành người lạ. Người lạ mà ta đang bất mãn, than phiền - tự thân họ thay đổi - có, nhưng thành thật mà nói, việc họ trở thành người lạ hôm nay chắc chắn có bàn tay thúc đẩy của ta. Vì sao ư?

Tác giả Lãm Nguyên trong bài Để người trên trời quay về mặt đất chia sẻ: “Bí quyết của việc ấy là ý thức được nghĩa vụ, có sự phân chia cụ thể công việc gia đình, tập từng bước và không bỏ… giáo án.

Khi mặt vật chất được gắn kết, cùng gánh vác, tinh thần cũng được thông hiểu, gắn kết theo. Thêm cầu nối tình cảm quan trọng là hai đứa con, không thể nhìn vào chúng mà… duỗi ra được”. Hoặc câu nói đầy tự vấn của tác giả Triệu Vẽ: “Yêu thương liệu có mong manh hay vì người ta không hiểu cái gì cũng cần tưới tắm thì mới xanh tươi”.

Rõ ràng, không có cái gì bất biến theo thời gian. Chuyện người lạ thành quen rồi từ quen thành lạ không phải là chuyện khó lường. Chẳng riêng gì yêu thương mong manh mà cả cuộc sống này cũng vốn dĩ mong manh.

Vì thế mà hơn bao giờ hết ta cần nâng niu gìn giữ gấp đôi, gấp ba. Vợ chồng như đôi đũa, phải ghép thành đôi mới hữu dụng. Chồng vợ như đôi tay, phải có hai bàn tay mớ i tạo thành tiếng vỗ. Hạnh phúc không thể đến từ một phía. Yêu thương cũng vậy, phải được cả hai người nâng niu.

Sẽ không thể có người lạ từ chồng, đến vợ, đến con, nếu mỗi ngày ta đều tưới tắm bằng quan tâm, bằng chăm sóc, bằng yêu thương. Sẽ không thể có người lạ nếu ta bắt đầu quẫy cựa, bắt đầu quan sát, bắt đầu suy nghĩ, và bắt đầu ra giải pháp.

Hãy tái hòa nhập với gia đình bắt đầu bằng những câu chuyện. Một câu chuyện có người nói, người nghe, không phải những ậm ừ cho qua mà lắng nghe bằng cả tấm lòng, bằng cả tâm ý, dù chỉ là chuyện cỏn con vụn vặt như… anh xem cái áo em mua có đẹp không này, hay em ơi, sao lâu ghê không thấy em cười...

Sơn Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI