Tổng kết diễn đàn Hạnh phúc gia đình xây bằng gì?: Cùng nhau giữ tiếng cười hạnh phúc

29/06/2021 - 18:41

PNO - Một diễn đàn về hạnh phúc gia đình tổ chức trong thời gian TPHCM thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Chưa bao giờ chúng tôi nhận lượng bài tham gia nhiều đến thế...

Lời mời bạn đọc tham gia diễn đàn Hạnh phúc gia đình xây bằng gì? của chúng tôi rơi vào thời điểm đặc biệt: TPHCM vừa bước vào kỳ giãn cách xã hội lần thứ nhất. Diễn đàn của chúng ta tiếp tục đi hết chiều dài lần giãn cách thứ hai và tới nay vừa tròn bốn tuần buồn vui. 

Toà soạn đã bất ngờ khi nhận lượng bài tham gia diễn đàn nhiều nhất so với các diễn đàn trước đây của Phụ Nữ Online như: Bạn có hạnh phúc không?/Có nên ly hôn tuổi xế chiều?/Rich kid- con là ai?/Phụ nữ đẹp mới có quà?/Chồng nhậu có về nguyên vẹn?/Ai đưa con bạn đi học?... 

Sau gần một tháng bàn luận cùng nhau với hàng chục bài viết được đăng tải, diễn đàn xin phép khép lại, dù mạch chuyện vẫn sôi nổi và hào hứng, vẫn còn nhiều tâm tư dồn đọng, nhiều lý lẽ cần được sẻ chia.

Nhìn vào lượng bài và tâm huyết của người tham gia mới thấy, hạnh phúc là sự quan tâm, là nỗi mong cầu của mọi nhà, mọi người. Quan trọng hơn, để kiếm đủ nguyên liệu “chưng cất” nên món ăn mang tên “hạnh phúc” cần sự kiên trì, nhẫn nại và công phu đến thế nào. 

Chính bạn đọc - những người chồng người vợ, những người nắm trong tay chiếc chìa khóa mở cửa “thiên đường” nhưng vẫn còn nhiều bối rối trong cách xoay trở - đã kể ra những câu chuyện quý báu.

Nhiều bạn khẳng định, hầu như ai cũng lập gia đình từ tình yêu đôi lứa, nhưng phải nhờ trải nghiệm hôn nhân, họ mới sáng suốt hơn trong việc nhận diện và phát triển hạnh phúc gia đình.

Vậy nên, chúng ta cùng hi vọng những thước đo, và giá trị phổ biến được đúc kết từ những chia sẻ đầy nghiêm túc và trách nhiệm này sẽ giúp ích cho dự thảo Bộ Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM.

Với viên gạch nền móng là tình yêu, mái ấm của tôi và bạn mỗi ngày sẽ cao hơn, vững chãi hơnẢnh minh họa)
Với viên gạch nền móng là tình yêu, mái ấm của tôi và bạn mỗi ngày sẽ cao hơn, vững chãi hơn (Ảnh minh họa)

Trong bài viết Thế kiềng ba chân của hạnh phúc, bạn đọc Phúc Hậu đúc kết: Để nuôi dưỡng và phát triển hạnh phúc thì các thành viên cần lưu tâm và hành xử đúng theo nguyên tắc: tình yêu - tôn trọng - chia sẻ”. Tác giả viết: “Nếu ví von tôn trọng và chia sẻ là cát và đá, thì tình yêu chính là xi măng, kết dính tất cả lại với nhau thành một khối bê tông vững chãi, tạo nên nền móng cho hạnh phúc gia đình”.

Các bài tham gia diễn đàn nhắc đi nhắc lại những chữ như “chia sẻ”, “thấu hiểu”, “bao dung”, trong đó nhiều nhất phải kể đến chữ “tôn trọng”. Nhiều người xem đâylà điều kiện cần để các cá nhân trong mỗi gia đình có thể đi đường dài với nhau.

Tác giả Hoài Anh khẳng định Không tôn trọng nhau, mong gì hạnh phúc: “Sự tôn trọng sẽ quyết định cách họ bày tỏ tình yêu thương, cách dạy dỗ con cái và cả cách họ thể hiện sự tự trọng và thái độ trách nhiệm trước những thử thách, khó khăn. Tình yêu có thể phai nhạt, tiền bạc có lúc thiếu hụt, công danh lúc lao đao... nhưng nếu vợ chồng vẫn tôn trọng nhau, đôi bên sẽ biết cách vá lành, vun đắp mái ấm gia đình”.

Một gia đình nào đó nếu chiếu theo các thang đo hạnh phúc đều đảm bảo, nhưng nếu một cá nhân trong gia đình ấy không nhận được sự tôn trọng thì hạnh phúc đó chưa tròn đầy.

Chính sự tôn trọng sẽ tạo nên tinh thần lạc quan, mang đến nguồn sức mạnh để mỗi người từ cái nôi gia đình tự tin bước vào xã hội, hình thành những suy nghĩ chuẩn mực và ứng xử tốt đẹp.

Gia đình không chỉ là nơi tình yêu không bao giờ kết thúc, mà còn là nơi mọi thứ bắt đầu. Gia đình là môi trường sống đầu tiên, là nơi gắn liền với quá trình dưỡng dục và phát triển của mỗi cá nhân. Bản dự thảo của Bộ Tiêu chí gia đình hạnh phúc không trực tiếp đề cập đến vấn đề chăm sóc và nuôi dưỡng, nên có vài ý kiến cho rằng các tiêu chí về điều kiện vật chất, về quan hệ ứng xử cũng chưa thực sự được đề cập đầy đủ và rõ ràng.

Thế nhưng, khi đưa ra 5 tiêu chí cơ bản với các nội dung cụ thể, dự thảo đã “khẳng định” vai trò nuôi dưỡng, nương tựa, bảo bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong một gia đình. Và, dù xã hội hiện đại có tạo thêm bao nhiêu mẫu gia đình: gia đình truyền thống, gia đình mẹ đơn thân, gia đình “khuyết nhưng vẫn đầy”... thì thế hệ đi trước vẫn luôn là tấm gương cho con cái noi theo, đại gia đình vẫn là nơi tạo nên môi trường “trong lành” hay “ô nhiễm”, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối sống và cách ứng xử của thế hệ chồi non.

Bạn đọc Diệu Thông trong bài viết Con cái nhìn cha mẹ mà sống bày tỏ: “Ba mẹ chưa một lần nào dạy dỗ, lên giọng bảo chúng tôi phải sống thế này, ứng xử thế kia. Họ dùng chính cuộc đời của mình làm tấm gương để những đứa con soi chiếu”.

thế hệ đi trước vẫn luôn là tấm gương cho con cái noi theo
Cha mẹ vẫn luôn là tấm gương cho con cái noi theo (Ảnh minh họa)

Gia đình không phải lúc nào cũng là thiên đường, không phải là nơi "giông bão luôn luôn dừng ngoài cánh cửa", bởi gồm nhiều con người khác thế hệ, khác lứa tuổi, khác nghề nghiệp, khác suy nghĩ, khác gu cảm thụ và tận hưởng cuộc sống… Tuy nhiên, nếu đủ yêu thương thì chúng ta sẽ biết cách tôn trọng sự khác biệt, biết cách nhún nhường, tin tưởng, và gắn kết cùng nhau.

Diễn đàn khép lại, nhưng thông điệp và niềm tin mà chúng ta dành cho nhau còn mãi. Những ai chưa, đang, và đã bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, hướng đến cuộc sống gia đình vẫn luôn muốn nghe thêm những câu chuyện về hạnh phúc.

Đó chính là tinh thần lắng nghe, tinh thần “gạn đục khơi trong”, tinh thần soi chiếu để ngày càng hoàn thiện và thông thái hơn trên hành trình đi tìm, và xây hạnh phúc cho chính mình.

Từ diễn đàn, chúng tôi được bạn đọc tiếp thêm tinh thần để mở ra những tuyến bài mới, những diễn đàn gần gũi với cuộc sống, để cùng nhau bàn luận, sẻ chia tâm tư, lan truyền những giá trị tốt đẹp. Chúng tôi mong tiếp tục nhận bài viết cộng tác, góp ý từ bạn đọc để cùng nhau xây dựng những chuyên mục gần gũi, hấp dẫn và thấu hiểu.

Lần nữa xin cảm ơn bạn đọc đã đồng hành cùng diễn đàn của chúng tôi. Chúc gia đình các bạn luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc!

Phụ Nữ Online

 

Dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM

1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình

- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.

- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:

+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;

+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;

+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;

+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.

2. Tiêu chí về điều kiện vật chất

- Các thành viên trong gia đình có việc làm.

- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.

- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.

3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần

- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.

- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;

- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;

- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;

- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;

- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt. 

4. Tiêu chí về giáo dục

- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.

- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.

5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe

- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.

- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.

- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.

- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.

- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI