Tổng giám đốc IMF không bị điều tra chính thức

26/05/2013 - 17:08

PNO - Sau hai ngày điều tra, các thẩm phán Pháp ngày 25/5 đã quyết định sẽ không buộc tội chính thức đối với bà Christine Lagarde, người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.

Thay vào đó, bà Lagarde sẽ làm “nhân chứng hỗ trợ” cho cuộc điều tra. Về mặt pháp lý, điều này ít nghiêm trọng hơn so với việc bị đặt dưới một cuộc điều tra chính thức. Nó cũng đồng nghĩa với việc trong bất kỳ buổi điều trần nào trong tương lai, bà Lagarde sẽ phải trả lời các câu hỏi như một nhân chứng với luật sư của bà.

Tuy nhiên, bà sẽ vẫn tiếp tục bị triệu tập để thẩm vấn và có thể sẽ bị buộc tội sau đó.

Tong giam doc IMF khong bi dieu tra chinh thuc

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde - Ảnh: AFP

Tại Paris, bà Lagarde cho biết hoàn toàn “không bất ngờ” với việc không bị buộc tội “bởi tôi luôn hành động vì lợi ích của nhà nước và theo luật pháp”. Được biết, bà Lagarde sẽ trở về Washington để tiếp tục nhiệm vụ của mình tại IMF.

Bà Lagarde bị điều tra về vai trò và phương thức giải quyết của bà trong vụ tranh chấp giữa tỷ phú Tapie và ngân hàng Crédit Lyonnais trong thương vụ mua bán tập đoàn Adidas mà ông Tapie làm chủ sở hữu.

Ông Tapie từng là một người ủng hộ Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Năm 2007, ông Tapie đã cáo buộc Ngân hàng Crédit Lyonnais cố ý hạ thấp giá trị tài sản của tập đoàn Adidas, đồng thời đòi bồi thường.

Khi đó, bà Lagarde đang là Bộ trưởng Tài chính dưới thời ông Sarkozy và đã chỉ định một nhóm trọng tài giải quyết vụ tranh chấp. Các trọng tài đã đồng ý với cáo buộc của ông Tapie, nhờ đó ông này đã nhận được một khoảng bồi thường trị giá 400 triệu euro.

Các chính trị gia đối lập lúc đó đã lên tiếng phản đối việc bồi thường này và tuyên bố bà Lagarde đã cố tình hướng quá trình điều tra sang phía có lợi cho ông Tapie để thưởng cho việc ông này đã hỗ trợ cho ông Sarkozy trong chiến dịch tranh cử năm 2007.

Bà Lagarde đã liên tục phủ nhận và cho rằng phán quyết của các trọng tài lúc đó là “giải pháp tốt nhất” và cần thiết để chấm dứt một cuộc tranh chấp pháp lý tốn kém. Bà cũng phủ nhận đã hành động theo lệnh của Tổng thống Sarkozy.

Bà Lagarde được bổ nhiệm làm người đứng đầu IMF vào năm 2011 sau khi cựu giám đốc tổ chức này là ông Dominique Strauss-Kahn (cũng là người Pháp) phải từ chức do dính dáng tới một vụ bê bối tình dục.

Nếu bà Lagarde bị đặt dưới một cuộc điều tra chính thức nó có thể làm suy yếu vị trí của bà và khiến cả IMF lẫn chính phủ Pháp phải xấu hổ do hàng loạt các nhân vật cao cấp bị dính vào các cuộc bê bối.

Theo DUY TRÂN - Theo Tuổi Trẻ Online 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI