“Tổng đài” tư vấn chuyện thầm kín giữa học sinh và thầy hiệu trưởng

20/11/2021 - 10:17

PNO - Để gần gũi và hiểu học sinh hơn, một hiệu trưởng ở Nghệ An đã đặt tấm pano tuyên truyền ngay trước cổng trường “Khi các em bị bắt nạt, xâm hại hãy gọi 111”, hoặc trực tiếp gọi tới số của mình.

Tấm pano được đặt trước cổng Trường THCS Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai, Nghệ An) từ hai năm nay. Đây cũng là thời gian vị hiệu trưởng này trở nên bận rộn hơn bởi phải giải quyết bao câu chuyện buồn vui, khúc mắc, thậm chí ngây ngô của học trò.

“Đó là cái vui của nghề giáo. Không vui sao được khi mình cảm thấy khoảng cách giữa thầy và trò ngày một gần, các em cũng phải rất tin tưởng mới kể hết mọi chuyện thầm kín với mình”, thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương - nói.

Các vấn nạn trong trường học cơ bản được chấm dứt sau hai năm thầy hiệu trưởng  Hồ Tuấn Anhlàm 'tổng đài tư vấn 
Các vấn nạn trong trường học cơ bản được giải quyết sau hai năm thầy hiệu trưởng Hồ Tuấn Anh làm "tổng đài" tư vấn 

Trường THCS Quỳnh Phương có hơn 1.300 học sinh. Là trường học ở vùng biển, ngôi trường này từng có tiếng không tốt về tình trạng học sinh bỏ học, bắt nạt nhau xảy ra thường xuyên. Bởi vậy, từ khi chuyển công tác về trường này, thầy Anh xác định ưu tiên số một cho việc giáo dục đạo đức học sinh, coi đó là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng toàn diện. 

Ngày "công khai" số điện thoại, thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng - dồn dập nhận được tin nhắn cầu cứu của học trò, đôi khi chỉ là tin nhắn cần sự động viên của thầy, cũng không ít chuyện ngây ngô khiến thầy Anh phải bật cười.

“Em có chuyện quan trọng muốn gặp thầy trao đổi được không ạ?” là tin nhắn của một cậu học sinh lớp 6. Không lâu sau đó, cuộc trò chuyện diễn ra ngay ghế đá dưới tán cây phượng sau giờ học. 

Cậu nói: “Lớp em có một cô chơi điện thoại trong lớp thì chúng em có được chơi không… Chúng em đến trường để học. Cô dùng điện thoại thế không đúng…”. Tâm sự của cậu học trò này được thầy biên tập thành một câu chuyện rồi gửi vào nhóm riêng của giáo viên nhà trường để nhắc nhở.

“Để đảm bảo bí mật nên mỗi lần nhận được tin nhắn của học sinh, giải quyết xong tôi đều xóa hết. Tùy vào trường hợp, thông thường mình sẽ lấy nội dung học trò phản ánh biên thành câu chuyện để nhắc nhở trước toàn trường, hoặc giáo viên. Một số trường hợp cần thiết thì phải gọi học sinh lên phòng để trò chuyện”, thầy Anh nói.

Rồi từ những tin nhắn gửi về như: “Bạn nọ chửi bố em”, “Bạn ấy thách em lên mạng”, “Hai bạn… thích nhau muốn bỏ học thầy à”, “Hai nhóm hẹn nhau, sắp đánh nhau thầy à”… đều được thầy Anh tiếp cận rồi xử lý, tháo gỡ vướng mắc triệt để. Thậm chí nhiều tâm sự học sinh không thể nói với bố mẹ, vị hiệu trưởng này cũng từ từ tâm sự để các em hiểu.

thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương  cho rằng, để học trò tôn trọng thầy, trước hết thầy phải tôn trọng học trò
Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương cho rằng, để học trò tôn trọng thầy, trước hết thầy phải tôn trọng học trò

Theo thầy Hồ Tuấn Anh, là trường vùng biển nên tình trạng bỏ học, tảo hôn vẫn thường xuyên xảy ra. Đầu năm học 2021-2022, tin nhắn của một nữ sinh lớp 8: “Em trót yêu rồi, giờ muốn nghỉ học lấy chồng thầy ạ” khiến thầy Anh giật mình. Khi tìm hiểu sâu, thầy Anh biết do bố mẹ thường xuyên đi vắng, ít tâm sự với con, nữ sinh này yêu qua mạng, được bạn trai hứa hẹn đủ điều nên không thiết học nữa.

Thầy Anh tìm nữ sinh này nói chuyện, giải thích về những khó khăn, áp lực khi kết hôn quá sớm. Sau vài cuộc trò chuyện, nữ sinh này cũng đã bỏ ý định lấy chồng, chú tâm vào việc học. 

Cũng theo thầy Hồ Tuấn Anh, trước đây, giáo viên hay nổi cáu với học sinh, ít thân thiện, áp đặt nhưng bây giờ quan điểm này không còn phù hợp nữa, phải có sự tôn trọng qua lại giữa giáo viên và học sinh. Thầy cô không được đổ lỗi và chê học trò, bởi vì nếu giáo dục học trò không tiến bộ thì đó là lỗi tại giáo viên.

Thầy Hồ Tuấn Anh đi kiểm tra đột xuất việc học online của học sinh
Thầy Hồ Tuấn Anh đi kiểm tra đột xuất việc học online của học sinh

“Các em học sinh không chỉ đến trường để học văn hóa mà còn học cách kiểm soát cảm xúc cá nhân, học cách giải quyết vấn đề, học cách xây dựng và giải quyết mối quan hệ. Để học trò tôn trọng thầy, trước hết thầy phải tôn trọng học trò”, thầy Hồ Tuấn Anh chia sẻ.

Vị hiệu trưởng này nói rằng công sức mình bỏ ra hai năm nay xem như đã có chút thành quả khi tình trạng học sinh văng tục, đánh nhau trong trường... không còn. Năm học 2019-2020 cũng không có học sinh bỏ học, tảo hôn. Không những học sinh, chính giáo viên trong trường cũng dần thay đổi, quan tâm đến học sinh của mình nhiều hơn.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI