Tổng Cục Đường bộ nói gì về trạm thu phí Cai Lậy

14/08/2017 - 13:49

PNO - Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) hoạt động được 14 ngày nhưng liên tục xảy ra tình trạng tài xế dùng tiền bỏ vào chai nhựa, dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng để phản đối…

Liên quan đến những ùn tắc do thời gian qua, sáng nay (14/8) Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã vào tỉnh Tiền Giang có cuộc họp với Sở Giao thông vận tải tỉnh này và báo chí.

Tong Cuc Duong bo noi gi ve tram thu phi Cai Lay
Trạm thu phí BOT Cai Lậy kẹt xe nhiều giờ vì tài xế dùng tiền lẻ bỏ vào chai nhựa để phản đối.

Tại buổi họp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang ông Trần Văn Bon cho biết trạm thu phí Cai Lậy hoạt động đã được 14 ngày do Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư.

Theo ông Bon từ khi trạm thu phí Cai Lậy hoạt động đến nay, tuyến tránh đã phát huy tác dụng khi góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, mấy ngày qua xảy ra tình trạng một số tài xế phản đối trạm thu phí bằng cách dùng tiền bỏ vào chai nhựa, dùng tiền lẻ để phản đối hai nội dung là giá cao và vị trí đặt trạm. Việc này đã gây mất trật tự an toàn giao thông, gây ùn tắc khiến chủ đầu tư phải nhiều lần xả trạm.

Qua đó, ông Bon đề nghị Tổng Cục đường bộ kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải giảm giá tại trạm này trong thời gian tới.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tiền Giang Huỳnh Văn Huyên cho rằng chủ đầu tư thông báo thu phí quá gấp, chỉ có 1 ngày dù trước đó có tổ chức thu thử nghiệm. Do đó, tài xế và doanh nghiệp rất mơ hồ về việc nhà đầu tư BOT đầu tư và xây dựng tuyến đường này.

Ngoài ra, trạm thu phí Cai Lậy được đưa vào hoạt động từ 1/8 với mức phí dao động từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng tùy từng loại xe được cánh tài xế so sánh với đường đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương là quá cao nên bức xúc nên phản đối.

Tổng Cục đường bộ nói gì?

Sau khi nghe ý kiến các bên, ông Nguyễn Mạnh Thắng – phó Tổng Cục đường bộ Việt Nam, cho biết sẽ tiếp thu và có thông tin báo chí đầy đủ hơn liên quan đến dự án.

Tong Cuc Duong bo noi gi ve tram thu phi Cai Lay
Nhiều tài xế bức xúc xuống xe phản đối tại trạm thu phí Cai Lậy

Ông Thắng cho biết, hiện nay Việt Nam có 24.000km quốc lộ nhưng kinh phí bảo trì chỉ đáp ứng được 50%. Chỗ nào hư hỏng mới sửa chữa.

“Chúng ta biết công tác bảo trì là chỗ nào hư hỏng cục bộ thì chúng ta phá, sửa để làm lại. Với những chỗ hư hỏng nhiều, với kinh phí từ 5 tỉ, 10 tỉ đến 20 tỉ đồng. Còn đối với tuyến đường dài 26,5km này cần kinh phí hơn 300 tỉ thì không có nguồn bảo trì nào đáp ứng nổi” - ông Thắng nói.

Phó Tổng Cục đường bộ cho biết thêm, do kinh phí đầu tư quá lớn nên trước đó Chính phủ và Bộ Giao thông đã huy động nhiều nguồn để đầu tư, nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ. Trong đó có nguồn xã hội hóa BOT hoặc ODA.

“Nhà đầu tư đã đầu tư tuyến tránh Cai Lậy được phép thu phí, nhưng phải đảm bảo theo 3 nguyên tắc, xử lý hài hoà giữa việc đảm bảo thu hồi vốn theo hợp đồng đã ký giữa cơ quan Nhà nước với chủ đầu tư, đảm bảo lợi ích của người dân và đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông cho toàn tuyến” - ông Thắng khẳng định.

Các kiến nghị của tỉnh về giảm giá vé, ông Thắng cho biết sẽ tập hợp để báo cáo Bộ Giao thông có xử lý phù hợp với quy định chung.

Theo Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1, dự án có 2 thành phần: phần tuyến tránh và phần bảo trì, tăng cường quốc lộ 1.

Phần tuyến tránh được đầu tư mới có chiều dài 12km, xây dựng mới 7 cây cầu với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 1.000 tỉ đồng.

Phần bảo trì, tăng cường quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy có chiều dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng, ngoài ra còn nâng cấp 14 cây cầu trên đoạn đường này.

Theo đó, việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 là nhằm để thu phí cả xe đi trên quốc lộ 1 và xe đi trên tuyến đường tránh.

Phương Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI