Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - vị đại biểu trong lòng dân

24/07/2024 - 05:58

PNO - Trong suốt hơn 20 năm làm đại biểu Quốc hội từ khóa XI đến XV, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sự kính trọng, tin yêu của cử tri và nhân dân cả nước nói chung, TP Hà Nội nói riêng.

Trong các hội nghị tiếp xúc cử tri có sự tham dự của đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, hội trường lúc nào cũng không còn chỗ trống. Ở đó, dường như không có khoảng cách giữa cử tri với đại biểu. Ông trở thành “địa chỉ” tin cậy để người dân gửi gắm tâm tư của mình.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự tại lễ bế mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV - Nguồn ảnh: Quốc hội
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự tại lễ bế mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV - Nguồn ảnh: Quốc hội

Trong buổi tiếp xúc cử tri 3 quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình (TP Hà Nội) hồi tháng 10/2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tâm sự: “Ý kiến của nhân dân là quan trọng lắm, bởi dân là người trực tiếp thụ hưởng các chính sách và hiểu tất cả”. Cách thức trao đổi của ông về các vấn đề mà cử tri quan tâm rất đời thường, ngắn gọn nhưng thẳng thắn, uyên bác và thể hiện trách nhiệm của một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng. Sau mỗi hội nghị, cử tri thường nán lại để gặp gỡ, chúc sức khỏe ông, hoặc đơn giản chỉ để chào tạm biệt.

Bàn về sức hấp dẫn của đại biểu dân cử này, bà Nguyễn Thị Oanh - Phó chánh văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Đồng Nai - tóm gọn trong 2 chữ dân tin: “Dù ở cương vị nào, ông đều nói đi đôi với làm. Ông từng nhiều lần nhắc rằng “cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự bởi đời người chỉ sống có 1 lần”. Bà nhận xét, ở cương vị cao nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn giữ lối sống giản dị, khiêm tốn: “Ông thực sự là tấm gương sáng để toàn thể cán bộ, đảng viên học tập, noi theo”.

Từ tháng 6/2006 đến tháng 7/2011, ông Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII. Ông Bùi Ngọc Thanh - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho hay, trong nhiệm kỳ XII, Quốc hội thông qua 67 luật, 13 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 14 pháp lệnh. Khối lượng công việc lớn như vậy nhưng với mỗi phần việc dù lớn hay nhỏ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đều chỉ đạo chuẩn bị chu đáo.

Tổng kết hoạt động của Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý 2 nội dung quan trọng là kết quả tổ chức hoạt động của Quốc hội và bài học kinh nghiệm. Cho đến nay, theo ông Bùi Ngọc Thanh, kết quả hoạt động của mỗi khóa có thể khác nhau nhưng các bài học kinh nghiệm mà Tổng bí thư đã rút ra của khóa XI vẫn đúng hoàn toàn cho tất cả khóa Quốc hội tiếp theo. Đó là: hoạt động của Quốc hội phải bám sát đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, gần gũi và gắn bó với dân; các kỳ họp Quốc hội phải dân chủ, thẳng thắn, giàu tính xây dựng; chất lượng và hiệu quả thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội phụ thuộc phần lớn vào hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách; phải hết sức coi trọng chất lượng và tính khả thi cao của luật, pháp lệnh trong công tác lập pháp...

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi các cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ (TP Hà Nội) vào ngày 14/10/2020 - ẢNH: TRÍ DŨNG/TTXVN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi các cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ (TP Hà Nội) vào ngày 14/10/2020 - Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Phục vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong 5 nhiệm kỳ liên tiếp (từ khóa IX đến khóa XIII), ông Lê Việt Trường - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - tâm đắc nhất lời nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu Quốc hội: đại biểu phải “đúng vai” và “thuộc bài”.

Theo ông Lê Việt Trường, thực tế, trong số các đại biểu Quốc hội, có người hoạt động chuyên trách, có người kiêm nhiệm, có người còn đảm nhiệm thêm “vai” thành viên cơ quan của Quốc hội; hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có lúc, có nơi còn “hành chính hóa”, e dè, cả nể, né tránh... Chính những điều này làm giảm chất lượng phản biện, tính khách quan, công bằng trong hoạt động thẩm tra, giám sát, xem xét, quyết định.

Ông kể: “Với sự nhạy cảm của một nhà báo dày dạn kinh nghiệm, Chủ tịch Quốc hội khóa XII đã sớm nhìn thấy những biểu hiện tưởng như bình thường ấy và kịp thời uốn nắn. Khi trực tiếp làm việc với Ủy ban Quốc phòng và An ninh khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhắc chúng tôi cần đúng vai, thuộc bài, nhắc rằng ủy ban này không phải là cánh tay nối dài của 2 bộ (Quốc phòng và Công an).

Tôi có niềm tin để cất tiếng nói thẳng thắn

Tôi chỉ là một đại biểu Quốc hội bình thường, không có chức vụ cao. Thế nhưng, trong giờ nghỉ giải lao của kỳ họp Quốc hội, tôi bất ngờ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi chụp ảnh cùng. Ở ông không chỉ có khí chất của một vị lãnh tụ mà còn toát lên sự giản dị, mộc mạc, gần gũi. Sự ra đi của Tổng bí thư để lại niềm tiếc thương vô hạn không chỉ của riêng tôi, mà tôi tin là của cả trăm triệu người dân Việt Nam.

Tổng bí thư đã có những đóng góp rất to lớn ở các cương vị mà ông đã trải qua. Dấu ấn trong công tác phòng, chống tham nhũng của Tổng bí thư khiến những đại biểu Quốc hội như tôi thấy được sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đó cũng là động lực để tôi mạnh dạn cất tiếng nói trên nghị trường Quốc hội, phản ánh những vấn đề được cử tri quan tâm, trăn trở. Nhiều người từng nói với tôi “phát biểu chi mà mạnh vậy”. Đó là bởi tôi “nương” theo những hành động quyết liệt của Tổng bí thư, tin rằng những ý kiến thẳng thắn của mình sẽ được lắng nghe, tiếp thu.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp)

Biểu hiện của trí tuệ và sự hiểu biết sâu rộng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân cách lớn, đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tổng bí thư mang phẩm chất tiêu biểu của người làm cách mạng là tận tâm và trách nhiệm. Ông có tinh thần kiên định, quyết đoán trong việc thực hiện các chính sách và trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chính sự kiên định này đã giúp ông dẫn dắt đất nước qua nhiều thử thách, nhận được sự tin yêu của toàn Đảng, toàn dân.

Tôi vô cùng ấn tượng khi nói chuyện với Tổng bí thư về văn hóa đất nước trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là biểu hiện của trí tuệ và sự hiểu biết sâu rộng về lý luận chính trị, văn hóa và lịch sử đất nước. Tổng bí thư đã nói rất nhiều đến việc phải chấn hưng văn hóa nước nhà, để những giá trị văn hóa của đất nước được bảo tồn, phát huy hơn nữa trong bối cảnh mới. Tổng bí thư rất trăn trở về việc thiếu vắng những tác phẩm văn học, nghệ thuật thể hiện được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới đất nước. Chúng ta cần quyết tâm, hành động để thực hiện thành công những căn dặn của Tổng bí thư đối với công cuộc chấn hưng văn hóa.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (TP Hà Nội)

Minh Quang

 
TIN MỚI