Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với ngành than

07/04/2013 - 07:51

PNO - Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh, sáng 6/4, tại thành phố Hạ Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và thăm một số đơn vị...

 Báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tình hình hoạt động và sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Vinacomin, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Xuân Hòa cho biết, từ ngày thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (tiền thân của Vinacomin) năm 1994 đến nay, sản lượng than khai thác luôn tăng trưởng cao. Năm 1994, sản lượng khai thác chỉ đạt gần 6 triệu tấn thì năm 2012, trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Tập đoàn vẫn đạt sản lượng 44,5 triệu tấn. Bên cạnh đó, Vinacomin đã phát triển một số sản phẩm mới như: Sản xuất điện, vật liệu nổ công nghiệp, kim loại màu, chế tạo thiết bị mỏ…

Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Xuân Hòa cũng đã báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những thách thức của ngành than hiện nay: Tỷ trọng than lộ thiên giảm, điều kiện khai thác ngày càng xuống hầm lò sâu, nguy cơ tai nạn cao hơn trong khi giá thành sản xuất tiếp tục tăng. Sức thu hút lao động của ngành mỏ thấp hơn so với ngành khác nên việc tuyển dụng lao động trực tiếp, nhất là thợ lò, ngày càng khó khăn. Giá bán than xuất khẩu sau khi trừ thuế xuất khẩu và thuế giá trị gia tăng chỉ bù đắp chi phí, không có lãi. Giá than cho ngành điện chỉ bằng 73% giá thành, dẫn đến Tập đoàn khó khăn về cân đối tài chính…

Tong Bi thu Nguyen Phu Trong tham va lam viec voi nganh than

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng công nhân, chuyên gia nước ngoài thi công giếng đứng thuộc dự án khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo (từ mức +35 đến -350m) - Ảnh: QĐND/Hồng Hải

Sau khi nghe đại diện các ban, ngành phân tích về ngành than, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu biểu dương cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành than nói chung và Tập đoàn Vinacomin nói riêng đã nỗ lực vượt bậc trong sản xuất-kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn, thị trường xuất khẩu của ngành bị ảnh hưởng như hiện nay.

Chia sẻ với khó khăn của ngành, Tổng Bí thư yêu cầu Đảng ủy, Hội đồng thành viên và từng doanh nghiệp ngành than đoàn kết, nhất trí, bám chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để bảo đảm phát triển ngành than theo đúng quy hoạch, đáp ứng lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: Trong thời gian sắp tới, nền kinh tế đất nước sẽ chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý theo chiều sâu, bền vững. Vì vậy, ngành than phải đặc biệt chú trọng sử dụng công nghệ mới, tính toán kỹ vấn đề vệ sinh, môi trường, không để ảnh hưởng đến phát triển du lịch, bảo đảm an toàn, chăm lo toàn diện cho người lao động.

“Trong giai đoạn hiện nay, phát triển phải theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tập trung phát triển từ “nâu” sang “xanh”…”, Tổng Bí thư yêu cầu.

Tổng Bí thư chúc đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân của Vinacomin tiếp tục có những thành công mới, phát huy hơn nữa bản chất tiền phong của giai cấp công nhân vùng mỏ tiêu biểu cho giai cấp công nhân Việt Nam, góp phần đưa Quảng Ninh ngày càng đi lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi kiểm tra công tác hoàn nguyên môi trường tại Công ty Cổ phần Than Núi Béo; khảo sát khu vực tháp giếng Dự án khai thác hầm lò mỏ than Núi Béo; thăm và tặng quà một gia đình công nhân tiêu biểu ngành than tại phường Hà Trung, Thành phố Hạ Long.

Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã đi thăm, làm việc với cán bộ chủ chốt của huyện Vân Đồn, thị sát tình hình và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương và của Đảng bộ tỉnh trên địa bàn.

Tổng doanh thu tăng 44,7 lần. Nộp ngân sách Nhà nước tăng từ 102 tỷ lên 16.605 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng từ 751 tỷ đồng năm 1995 lên 31.040 tỷ đồng. Vinacomin đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, đảm bảo cung cấp đủ than cho nền kinh tế đất nước, bảo đảm thu nhập và việc làm cho gần 14 vạn cán bộ, công nhân, người lao động. Tiền lương bình quân của người lao động trong ngành than đạt 7,7 triệu đồng/tháng.

Huyện Vân Đồn nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh, có diện tích tự nhiên hơn 2000 km2, trong đó 3/4 là biển, với hơn 600 hòn đảo lớn, nhỏ; dân số hơn 44.000 người, gồm 10 dân tộc anh em chung sống. Tuy vậy, Vân Đồn vẫn là huyện nghèo, thu ngân sách chưa nhiều, cần có cơ chế đặc thù để khơi dậy những tiềm năng to lớn đó, đưa Vân Đồn, Quảng Ninh phát triển giàu mạnh. Chính vì vậy, Bộ Chính trị sẽ xem xét việc xây dựng đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn và giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện đề án này. Năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế-xã hội khu kinh tế Vân Đồn, nhằm phát huy tiềm năng du lịch, giao thương quốc tế, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản...

Sau khi thị sát tình hình thực tế tại huyện đảo, Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy, huyện Vân Đồn đã đạt được những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội. Từ một huyện nghèo nhất tỉnh, đến nay tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 16,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,53%; sản lượng lương thực ổn định 3000 tấn/năm; sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 18.700 tấn; năm qua thu hút hơn nửa triệu khách du lịch trong nước và quốc tế... Tổng Bí thư mong muốn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo Vân Đồn tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa cùng những thành tựu, kinh nghiệm đã có, đoàn kết, quyết tâm cao, không ngừng phát triển vươn lên, xây dựng huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Cùng với phát triển mạnh kinh tế biển, cần chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia...

Theo Chinhphu.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI