Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người cộng sản mẫu mực, công bộc giản dị của nhân dân

22/07/2024 - 05:50

PNO - Những người từng làm việc, từng tiếp xúc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều cảm phục lối sống giản dị, mộc mạc, chân thành, tình nghĩa của ông.

Nghĩa tình trước sau như một

Ông giáo già Ngô Bá Dục - Hiệu trưởng Trường THPT Cổ Loa giai đoạn 1991-2003 - hiện sống một mình trong ngôi nhà rộng giữa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ông từng là hàng xóm, bạn học thời nhỏ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhắc đến người bạn từ thuở thiếu thời, ông kể: “Tôi với ông Trọng đồng hành từ cấp I đến hết cấp III, trải qua rất nhiều khó khăn cùng nhau nên chúng tôi thân thiết lắm. Khi đã là cán bộ cấp cao, ông ấy chưa bao giờ có sự quan cách khi gặp mặt bạn bè, thầy cô giáo cũ. Dù là Bí thư Thành ủy TP Hà Nội hay Tổng bí thư, Chủ tịch nước, hễ về đến thôn là ông lại tay bắt mặt mừng với tất cả bà con trong thôn, trong xóm. Ngày mẹ tôi mất, dù bận việc, ông Trọng vẫn chạy xe Honda Cub về, lúc ấy nhập nhoạng tối rồi. Ông bạn tôi sống tình cảm lắm. Lớp chúng tôi có ban liên lạc, mỗi năm đều tổ chức gặp mặt nhau. Ông Trọng đi họp lớp vẫn chan hòa, nhỏ nhẹ, khiêm nhường dù đang là Tổng bí thư”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với các em nhỏ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng - ẢNH: THỤY TRANG
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với các em nhỏ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: Thụy Trang

Ông Ngô Bá Dục kể, khi ông Nguyễn Phú Trọng đang làm Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, lớp tổ chức họp mặt, mọi người đang trò chuyện rôm rả thì thấy chiếc xe ôm dừng ngoài cửa, ông xuống xe bước vào khiến cả lớp ngỡ ngàng: “Lần nào họp mặt, ông ấy cũng đúng là bạn Trọng của chúng tôi. Lúc nghe tin Tổng bí thư đã về với các nhà cách mạng tiền bối, tôi lặng người. Biết là quy luật, nhưng sao xót quá…”. Theo ông, không chỉ là bạn Trọng của lớp, Tổng bí thư còn là “trò Trọng” của các thầy cô giáo cũ, luôn cung kính, lễ phép với các thầy cô.

Các thế hệ thầy và trò Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, TP Hà Nội) cũng nhắc những câu chuyện cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng. Ông Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều - không bao giờ quên lần xin gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để trực tiếp đưa thư mời dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường (năm 2020). Qua nhiều thủ tục, ông được gặp Tổng bí thư, nhưng khi gặp thì ông rất ngỡ ngàng.

Ông kể, Tổng bí thư đã tiếp ông trong 45 phút, gọi ông là “thầy” và xưng “em”. Suốt 45 phút trò chuyện, cách gọi ấy của Tổng bí thư không hề thay đổi. Khi ngỏ lời mời Tổng bí thư về trường cũ dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập, Tổng bí thư nói: “Thưa thầy, đối với em, đây là việc rất quan trọng. Giấy mời thì em đã nhận và đã xem. Nếu điều kiện sức khỏe cho phép và nếu Bộ Chính trị không có việc đột xuất, em sẽ về dự”.

Nhà giáo Ngô Bá Dục khóc khi nghe tin Tổng bí thư, bạn học Nguyễn Phú Trọng từ trần - ẢNH: ANH NGỌC
Nhà giáo Ngô Bá Dục khóc khi nghe tin Tổng bí thư, bạn học Nguyễn Phú Trọng từ trần - Ảnh: Anh Ngọc

Ông Lê Trung Kiên kể tiếp: “Bác còn hỏi trường có mời các thầy cô giáo cũ không, có mời các học sinh cũ không. Chỉ với 2 câu hỏi đó, tôi đã nhận thấy ở bác sự tế nhị, khiêm nhường hiếm có. Khi bác biết trường có mời tất cả thầy cô giáo và học sinh cũ về dự, bác rất vui. Trước buổi lễ, bác nói với chúng tôi: “Bây giờ (năm 2020) em là Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhưng khi về trường, em xin phép được các thầy, các cô vẫn gọi là Nguyễn Phú Trọng - cựu học sinh của nhà trường. Trong buổi lễ, các thầy cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng. Em cũng xin phép chỉ phát biểu cảm tưởng về những kỷ niệm của thời học sinh, về những kỷ niệm đẹp với các thầy, các cô và bạn học”.

Một đời bình dị, khiêm cung

Ông giáo Ngô Bá Dục rưng rưng khi nhắc đến tấm lòng của “bạn Trọng” với thầy cô giáo cũ. Gia đình các thầy cô giáo cũ của Tổng bí thư cũng luôn xúc động mỗi khi nhớ đến hình ảnh “học trò Nguyễn Phú Trọng” bất ngờ đến thăm. Ông Ngô Bá Dục kể: “Hồi cấp III, thầy giáo Lê Đức Giảng (mất năm 2023) làm chủ nhiệm lớp chúng tôi, cậu Trọng vừa là lớp trưởng, vừa là bí thư chi đoàn. Cậu ấy và thầy Giảng có rất nhiều gắn bó trong cả học tập cũng như trong cuộc sống. Năm 2012, khi đi công tác ở tỉnh Bình Định, biết gia đình thầy Giảng sống ở TP Quy Nhơn, Tổng bí thư đã tranh thủ đến thăm”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm thương binh Đinh Phi, thuộc diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai - Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm thương binh Đinh Phi, thuộc diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai - Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Bà Phan Thị Cấu - vợ thầy Lê Đức Giảng - nhớ lại: “Đồng chí đề nghị đoàn cán bộ tháp tùng đứng ở xa. Đồng chí nói rõ là muốn vào riêng thăm thầy để có không gian tâm sự, gần gũi với thầy. Thầy trò họ nói chuyện với nhau thân tình, giản dị lắm. Tổng bí thư tặng ông nhà tôi 1 tập sách, dưới lời đề tặng, đồng chí ghi “Người học trò nhỏ của thầy”. Láng giềng thấy nhà tôi có khách lạ, bên ngoài lại có nhiều xe nên tập trung trước cổng khá đông. Đồng chí Trọng ra hỏi thăm, bắt tay từng người rồi bồng mấy cháu nhỏ. Mọi người đều cảm nhận được sự chân thành của Tổng bí thư. Ông nhà tôi nói: “Trọng vẫn giữ được đức tính bình dị, khiêm cung, chân thành như xưa”.

Trong công việc, dù ở cương vị nào, Tổng bí thư cũng luôn giản dị. Với các cử tri phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, 22/5/2011 là ngày đáng nhớ. Hôm đó, toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Nhóm phóng viên đang chuẩn bị với kịch bản trong đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội sẽ bước xuống từ xe hơi với đoàn cán bộ tháp tùng và vẫy chào cử tri, sau đó sẽ là người đầu tiên bỏ phiếu. Thế nhưng, ông đã đi bộ từ nhà đến điểm bỏ phiếu như đa số cử tri khác. Ông mời cử tri cao tuổi nhất bỏ lá phiếu đầu tiên.

Ông Bùi Ngọc Thanh - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - nhớ lại thời gian đầu khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội (cuối khóa XI), ông Nguyễn Phú Trọng thường trao đổi công việc với ông: “Một buổi trưa tháng 8/2006, tôi sang báo cáo thêm về việc chuẩn bị nội dung phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra vào buổi chiều. Đang buổi trưa nên tôi vào phòng nghỉ không thấy thì sang phòng khách, không thấy đồng chí ấy, tôi sang phòng làm việc thì thấy ông nằm nghiêng trên chiếc giường bạt cá nhân, đọc tài liệu. Tôi hỏi: “Sao anh lại nằm đây”. Chủ tịch nhanh chóng ngồi vào chỗ làm việc rồi mới thủng thẳng: “Cơ quan mình đang thiếu nhiều chỗ làm việc, buổi trưa có 1 giờ đồng hồ, ăn uống lích kích mất 30 phút, còn mấy chục phút ngả lưng chút, mình nằm thế này là được rồi, giường nằm xong gập lại để vào sau tủ kia là gọn”.

Việc đi công tác cũng được đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề nghị “giản lược”: tất cả các thành viên trong đoàn công tác đi chung trên chiếc xe ca, lãnh đạo các cấp không đi mỗi người 1 xe con như trước. Đoàn công tác chỉ có xe dẫn đường, xe Chủ tịch, xe báo chí và xe ca (bớt đi được 5-6 xe và lái xe). Nhưng “đến giờ xe chuyển bánh, Chủ tịch nhảy sang xe ca đi chung với anh em. Không khí trong xe rộn ràng hẳn lên, không còn có sự ngăn cách “sếp, lính”. Trên đường, các xe chỉ được dùng còi bình thường, không dùng còi hơi rú inh ỏi, không được vượt đèn đỏ, lãnh đạo địa phương không được ra đón đoàn nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh, thành phố. “Nếu biết tỉnh nào tổ chức đi đón thì Chủ tịch sẽ rẽ đi đường khác” - ông Bùi Ngọc Thanh khẳng định.

Sinh thời, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng nhận xét: “Anh Trọng là nhà lý luận sắc bén của Đảng ta. Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn. Anh xứng đáng là công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân, như Hồ Chủ tịch từng căn dặn”.

Anh Ngọc - Minh Tuệ

 
TIN MỚI