Sáng 19/12, tại Hà Nội, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” đã chính thức khai mạc.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: Nguyễn Hồng |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ của ngành ngoại giao mà còn là của toàn thể cán bộ làm công tác đối ngoại của cả nước.
Hội nghị là dịp để toàn ngành nhìn lại quá trình gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng, trên cơ sở đó đề xuất các phương hướng, biện pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới, đồng thời góp phần vào việc chuẩn bị tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12/2021 đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của Trường phái đối ngoại, ngoại giao“cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam” và ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Nhấn mạnh thời gian tới, tình hình thế giới khu vực dự báo còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngành ngoại giao thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình, đánh giá kỹ các tác động đến Việt Nam, tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ, luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư đề nghị ngành ngoại giao tiếp tục bám sát vào đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể.
Ngoại giao phải kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Trong triển khai phải luôn kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược, tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm.
Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại như “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”…
Về vấn đề xây dựng, phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, Tổng Bí thư yêu cầu phải quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận như lời căn dặn của Bác Hồ “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”; hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, đổi mới cơ chế phối hợp giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại Nhân dân với các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt làm tốt hơn nữa công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện về bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, hiện đại về phương pháp, lề lối làm việc, chuyên nghiệp về tác phong, ứng xử, tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Hội nghị nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa, quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa nhằm phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
M.Tâm