Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn mãi trong lòng nhân dân

26/07/2024 - 06:13

PNO - Sáng 25/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức trọng thể tang lễ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo hình thức quốc tang. Lễ viếng Tổng bí thư bắt đầu từ 7 - 22g ngày 25/7 và từ 7 - 13g ngày 26/7; lễ truy điệu và an táng được tổ chức chiều 26/7.

Người tận hiến cho nhân dân, cho đất nước

Ngay từ sáng sớm, các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, các bộ, ban, ngành, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng các tầng lớp nhân dân đã xếp hàng chờ vào viếng Tổng bí thư ở Nhà tang lễ Quốc gia (5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Bắt đầu lễ viếng, gia quyến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng do bà Ngô Thị Mận - phu nhân ông - dẫn đầu vào viếng. Vòng hoa của gia quyến mang dòng chữ “Vợ cùng các con cháu vô cùng thương tiếc”. Sau khi thắp hương, người thân đi vòng qua linh cữu tưởng nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phu nhân Ngô Thị Mận bật khóc, tay bám vào linh cữu Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Bắt đầu lễ viếng, gia quyến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng do bà Ngô Thị Mận - phu nhân ông - dẫn đầu vào viếng. Vòng hoa của gia quyến mang dòng chữ “Vợ cùng các con cháu vô cùng thương tiếc”. Sau khi thắp hương, người thân đi vòng qua linh cữu tưởng nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phu nhân Ngô Thị Mận bật khóc, tay bám vào linh cữu - Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Thắp nén hương tiễn biệt, bà Ngô Thị Mận - phu nhân Tổng bí thư - khóc nghẹn. Bà cùng các con, cháu, chắt được sắp xếp vào viếng Tổng bí thư đầu tiên, trước khi lễ viếng chính thức bắt đầu vào 7g sáng cùng ngày.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, ông Lương Cường - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban tổ chức lễ tang - đọc thông cáo đặc biệt, nhấn mạnh: trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều công lao, cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Tổng bí thư mất đi là tổn thất vô cùng to lớn, không thể bù đắp được đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến.

Viết trong sổ tang, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Tổng bí thư là một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng ngời không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là người có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người bạn lớn của nhân dân thế giới. Tổng bí thư đã dành trọn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho nhân dân, cho đất nước cũng như duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi vào sổ tang: “Chúng tôi nguyện noi gương, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hết mình để bảo vệ và xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc, ấm no”.

Lãnh đạo và đại diện nhiều nước viếng Tổng bí thư

Với tình cảm thắm thiết, lãnh đạo của nhiều quốc gia đã tới Việt Nam viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Có thể kể, đoàn đại biểu nước Cộng hòa Cuba do Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo Hernandez dẫn đầu; đoàn đại biểu Vương quốc Campuchia do Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu Đại Hàn dân quốc do ông Han Duck Soo - Thủ tướng, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc - làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu Nhật Bản do đặc phái viên của Thủ tướng, cựu Thủ tướng Suga Yoshihide dẫn đầu; đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith làm trưởng đoàn; đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh - đại diện đặc biệt của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - dẫn đầu… Các đại sứ, đại diện đại sứ quán các nước tại Hà Nội, đoàn ngoại giao tại Hà Nội cũng có mặt tại lễ viếng.

Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng đoàn vào viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh do ban tổ chức lễ tang cung cấp
Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng đoàn vào viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh do ban tổ chức lễ tang cung cấp

Lễ viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn được tổ chức trang trọng tại các cơ quan đại diện Việt Nam trên khắp thế giới. Cùng ngày 25/7, lễ quốc tang tưởng niệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được tổ chức trang trọng tại trụ sở Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Lào, trụ sở Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

Tại hội trường Thống Nhất (TPHCM), nhiều đoàn ngoại giao đã đến viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Quyền Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Furudate Seiki đã viết bằng tiếng Việt vào sổ tang: “Chúng tôi xin bày tỏ lòng chia buồn đến nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi luôn ghi nhớ sự đóng góp tích cực của ngài trong việc đẩy mạnh mối quan hệ giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực”.

Còn ông Ngụy Hoa Tường - Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TPHCM - chia sẻ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo vĩ đại, đã cống hiến cuộc đời mình cho nhân dân và đất nước Việt Nam. Luôn đồng hành cùng nhân dân, chắc chắn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là người đồng chí, là bạn bè chân thành của nhân dân Trung Quốc.

Bà Susan Burns - Tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM - cho biết, từng có dịp gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tháp tùng Tổng thống Joe Biden trong chuyến thăm Hà Nội để nâng cấp mối quan hệ Việt Nam - Mỹ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (tháng 9/2023). Theo bà, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có tầm nhìn rộng, đặc biệt là trong mối quan hệ Việt - Mỹ cùng hướng tới hòa bình bền vững.

Người dân xúc động tiễn biệt Tổng bí thư

Theo thông báo của ban tổ chức lễ tang, 18g chiều 25/7, cán bộ, người dân được vào viếng Tổng bí thư sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký. Người dân có thể dùng thẻ căn cước công dân có gắn chip quét qua máy QR code hoặc đăng ký qua ứng dụng VNeID.

Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân đã có mặt ở lối vào Nhà tang lễ Quốc gia để xếp hàng. Trong đoàn người, có nhiều người cao tuổi và cũng có rất nhiều bạn trẻ. Có mặt từ sáng sớm, sinh viên Phạm Thu Giang (tỉnh Hải Dương) cho hay, mình và các bạn rất ngưỡng mộ Tổng bí thư và muốn trực tiếp viếng để thể hiện phần nào tình cảm. Bà Nguyễn Thị Chung (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) nói: “Nhà tôi ở gần đây nhưng 5g sáng là tôi đã đến đây xếp hàng vì cả đêm cứ trằn trọc không ngủ được. Tổng bí thư đã dành cả cuộc đời hy sinh cho nhân dân, đất nước, không nghĩ cho riêng mình”.

Năm nay đã 93 tuổi, bước đi run rẩy, ông Đỗ Mộng Hùng (quận Hai Bà Trưng) vẫn dậy từ 4g, có mặt ở nhà tang lễ với mong muốn được thắp nén hương lòng cho Tổng bí thư.

Trong dòng người đứng xếp hàng từ sáng sớm, ông Nguyễn Ngọc Sơn bận bộ vest trang trọng, lịch sự để tiễn đưa người học trò cũ. Dù cao tuổi, ông vẫn đi từ tỉnh Thái Nguyên về Hà Nội. Ông từng là giảng viên lớp văn khóa VIII - khóa học có sinh viên Nguyễn Phú Trọng, lên sơ tán ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Ông bồi hồi: “Tôi thường xuyên hỏi các bạn trong lớp về tình hình sức khỏe anh Trọng. Mấy đêm nay, tôi không ngủ được. Khi nghe tin anh Trọng mất, tôi lặng đi hồi lâu, sau đó gọi cho các bạn cùng lớp với anh Trọng để cùng vĩnh biệt người bạn thân yêu nhất”.

Bảo Khang

Nhóm phóng viên

 
TIN MỚI