Tham dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá đây là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Tổng Bí thư hoan nghênh và đánh giá cao Báo cáo của Hội LHPN Việt Nam trình bày tại Đại hội.
“Năm năm qua, rõ ràng phong trào phụ nữ nước ta tiếp tục có bước phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Tổng Bí thư nói.
Theo đó, Hội LHPN VN tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới, thực hiện ngày càng tốt hơn chứng năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện đồng bộ, toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân phụ nữ, gia đình và cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội |
Nội dung, phương thức hoạt động của Hội, theo đánh giá của Tổng Bí thư đã có nhiều giải pháp mở rộng, thu hút, vận động các tầng lớp phụ nữ, phối hợp với các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần giải quyết nhiều vấn đề của phụ nữ, gia đình, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
“Tỉ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng. Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây luôn có cán bộ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng. Tỉ lệ nữ trong quốc hội chiếm 25%”, Tổng Bí thư đánh giá. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, đào tạo, y tế cũng đạt nhiều dấu ấn.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư thừa nhận trong 5 năm qua, phong trào phụ nữ và hoạt động của hội phụ nữ các cấp vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Đó là phong trào phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ.
Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa mạnh, vẫn còn một bộ phận cán bộ làm việc theo kiểu hành chính, chưa sâu sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên. Các hình thức tập hợp phụ nữ chưa đa dạng, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình.
Các giải pháp hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững còn thiếu đồng bộ. Công tác giám sát phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách có lúc, có nơi còn bị xem nhẹ nên chưa phát huy được tác dụng và hiệu quả thực chất. Công tác phát hiện, xây dựng và biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời, chưa tạo được lan tỏa trong các tầng lớp phụ nữ…
Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu dự Đại hội cần trao đổi, thảo luận, phân tích rõ nguyên nhân, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của phong trào phụ nữ và Hội LHPN trong thời gian tới.
Tại Đại hội, Tổng bí thư đã gợi mở thêm 6 vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét và quyết định:
Một là, Hội LHPN Việt Nam cần nắm vững và quán triệt sâu sắc những quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết có liên quan cũng như thực tiễn hoạt động của phong trào phụ nữ và hội phụ nữ để có những biện pháp cụ thể, đưa những tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh, thế mạnh của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời chăm lo bảo vệ phẩm giá, quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.
Hai là, Hội cần tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động để thu hút đông đảo chị em tham gia, đóng góp công sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như chủ động giải quyết những vấn đề của chính phụ nữ ngay từ cơ sở. Cần nghiên cứu phát động nhiều phong trào thiết thực hơn nữa nhằm thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, động viên phụ nữ thực hiện các phong trào thi đua do Hội phát động.
Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các phong trào Vì người nghèo, mái ấm tình thương, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh… Tăng cường nêu gương người tốt việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến.
Ba là, nâng cao vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội trong xây dựng gia đình, đặc biệt quan tâm, xây dựng gia đình văn hóa, no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bên cạnh trách nhiệm người công dân, phụ nữ còn có trách nhiệm lớn lao trong gia đình với thiên chức là người mẹ sinh thành và nuôi dạy thế hệ trẻ trở thành những chủ nhân của đất nước.
Phụ nữ phải là “người thắp lửa cho mỗi nhà”, không chỉ chăm lo gia đình mà còn cần biết thắp lên niềm tin, ước mơ và hy vọng cho mỗi thành viên trong gia đình. Các cấp hội tiếp tục tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ thực hiện các chính sách về hôn nhân – gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ - trẻ em, bảo vệ môi trường…
Phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể, bồi dưỡng cho phụ nữ kiến thức về nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ thuần phong, mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Nêu cao lòng nhân ái, khoan dung, đức tính dịu hiền, tình đoàn kết, quý trọng, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là khi gặp khó khăn, hoạn nạn, lên án những hành vi vô đạo đức, vô trách nhiệm trong quan hệ gia đình.
Bốn là, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân; đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đáp ứng yêu cầu công tác Hội trong giai đoạn mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp vận động phụ nữ.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua hoạt động thực tiễn. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn, giới thiệu những chị em có đủ tiêu chuẩn tham gia các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, của các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để củng cố tổ chức Hội thực sự vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ. Đa dạng hóa nội dung hoạt động nhằm đáp ứng một cách thiết thực, hiệu quả nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ.
Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, khu dân cư, cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm từng thời kỳ, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt, tránh hình thức, phô trương, hành chính hóa trong hoạt động của Hội. Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu; lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội.
Sáu là, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XII vừa ban hành Nghị quyết tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là một nghị quyết rất quan trọng, đề cập đến một vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm và hoan nghênh.
Hội LHPN Việt Nam cần tổ chức thật nghiêm túc việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị tới toàn thể cán bộ, hội viên của Hội. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đi sâu giáo dục, bồi dưỡng, động viên phát huy quyền làm chủ, tích cực thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội với đầy đủ trách nhiệm của người làm chủ.
Kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống, chủ động phát hiện và tham gia đấu tranh ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong xã hội, ngăn ngừa những tiêu cực ngay chính trong gia đình mình,trong những người thân của mình. Tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Huyền Anh (ghi)