Tôn trọng tự nhiên để chống ngập hiệu quả

23/08/2023 - 06:47

PNO - Hàng chục năm nay, người dân sống ở các “rốn ngập” của TPHCM đã quá quen với chuyện hễ mưa là ngập, cứ triều cường là ngập.

Đặc biệt, thời gian gần đây, hầu như trận mưa nào cũng khiến đường sá mênh mông nước. Nhiều người nói vui rằng, TPHCM có 2 mùa, là mùa nắng và mùa ngập. Theo thống kê sơ bộ của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cách đây khoảng 4 năm, thiệt hại do ngập nước ở TPHCM vào khoảng 1.500 tỉ đồng/năm.

Cách đây khoảng 14-15 năm, đường phố TPHCM dày đặc công trình thi công các dự án thoát nước lớn. Trong nhiều năm trời, người dân TPHCM chấp nhận sống chung với sự bất tiện về đi lại, sinh hoạt, buôn bán trong quá trình thi công để hy vọng đường không còn bị ngập khi các dự án này hoàn thành. Thế nhưng, dù đã chi hàng tỉ USD, tình trạng ngập vẫn chưa được giải quyết. 

Tình ngạng ngập tại TPHCM đến nay vẫn chưa được giải quyết
Tình ngạng ngập tại TPHCM đến nay vẫn chưa được giải quyết

Bên cạnh biến đổi khí hậu, việc đô thị hóa một cách tự phát là nguyên nhân chính khiến tình trạng ngập vẫn triền miên. Nhà cao tầng, khu đô thị lấn át diện tích thoát nước tự nhiên, hệ thống cống thoát nước vừa ít, vừa nhỏ thì việc nước mưa, nước triều “tạm trú” trên đường là đương nhiên.

Tình trạng ngập cục bộ ở những khu vực cao ráo là minh chứng rõ nét cho sự phát triển tự phát, thiếu tôn trọng nguyên tắc thoát nước tự nhiên, thiếu không gian dành cho nước. Nước ngập đến đâu thì tìm cách chống đến đó, thậm chí nâng đường, chẳng khác gì kiểu Sơn Tinh chống lại Thủy Tinh, nhưng lại chống với tốc độ chậm chạp.

Nhiều kênh, rạch thoát nước tự nhiên đã bị lấp. Chính quyền thành phố sau đó phải bỏ ra hàng tỉ USD để xây dựng các cống thoát nước phi tự nhiên. Điều này vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Trong khi đó, nguyên lý của thoát nước là cho nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp. Chưa kể, tình trạng xả rác vô tội vạ của một bộ phận người dân thiếu ý thức làm tắc nghẽn cống thoát nước. 

Muốn chống ngập thì tổng lượng nước mưa và nước thải không được vượt quá lượng nước có thể thoát qua hệ thống cống, sông, kênh, rạch, mặt đất. Thế nhưng, các yếu tố này đã bị mất cân bằng nghiêm trọng. Các giải pháp chống ngập thời gian qua thiên về hướng cưỡng bách tự nhiên thay vì điều tiết nước bằng sông hồ, kênh rạch, cây xanh.

Trước đây, trung bình 50-60 năm, mới có những trận mưa có lượng nước trên 140mm nhưng hiện nay, không hiếm trận mưa 150 - 200mm. Trước đây, đỉnh triều khoảng 1,4m thì nay đã hơn 1,7m. Theo dự báo, TPHCM là 1 trong 10 đô thị trên thế giới có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cho nên, muốn chống ngập hiệu quả, bền vững, nhất thiết phải tuân theo tự nhiên, tôn trọng tự nhiên, tận dụng tự nhiên. Chính quyền TPHCM nên tận dụng lợi thế sông rạch sẵn có để xây dựng các công trình lưu trữ nước và tạo dòng thoát nước tự nhiên, gắn với chiến lược phát triển kinh tế theo hướng phát huy lợi thế sông nước của thành phố.

UBND TPHCM đã chỉ đạo nghiên cứu lập quy hoạch thoát nước đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060. Quy hoạch này cần cập nhật và dự báo các thông số kỹ thuật liên quan đến biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan để tránh tình trạng các dự án thoát nước chưa đưa vào hoạt động đã lạc hậu, đồng thời phải được đặt trong tổng thể quy hoạch đô thị, giao thông, xây dựng, môi trường. 

Khi đề xuất một dự án xây công trình cao tầng, trung tâm thương mại, cơ quan quản lý không chỉ xem xét ở góc độ kinh tế mà còn phải đánh giá ảnh hưởng về môi trường và những áp lực lên hạ tầng kỹ thuật hiện hữu.
Chỉ riêng ngành thoát nước không thể giải được bài toán chống ngập, cũng như chỉ riêng ngành giao thông không thể giải được bài toán kẹt xe. Cần một lời giải toàn diện thông qua quy hoạch bài bản để tránh các hệ lụy như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI