Tôn trọng sự khác biệt trên cơ sở giới để tránh xung đột

13/09/2024 - 06:12

PNO - Nhiều vấn đề về giới, bình đẳng giới liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã được các chuyên gia gợi ý hướng giải quyết tại hội thảo về giới và bình đẳng giới được tổ chức ngày 12/9 ở TPHCM.

Bạo lực gia đình: có thể tăng, giảm, nhưng khó chấm dứt

Ngày 12/9, Hội LHPN TPHCM phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI) tổ chức hội thảo “Giới và vấn đề bình đẳng giới có liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình với đối tượng bị tác động trực tiếp là trẻ em, thanh thiếu niên”.

Ông Phạm Đình Nghinh - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM - nhận định: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động tập huấn, truyền thông. Nhiều vụ bạo lực gia đình đã được đưa ra xử lý công khai để giáo dục, răn đe. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn là một thực trạng của xã hội, có thể tăng, giảm nhưng khó có thể chấm dứt”.

Bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch  Hội LHPN TPHCM - phát biểu tại hội thảo
Bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - phát biểu tại hội thảo

Theo ông Nghinh, bạo lực có thể là bạo lực thể chất, tinh thần, bạo lực gia đình… Bạo lực dễ dẫn đến sự đổ vỡ, ly hôn; ảnh hưởng đến sự phát triển, khả năng hòa nhập của trẻ em. Nguyên nhân có thể là do áp lực cuộc sống, tài chính, thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu sự cảm thông của các thành viên trong gia đình, có thể xuất phát từ người chồng hoặc vợ nhưng đối tượng tác động nặng nề nhất vẫn là phụ nữ, trẻ em.

Tiến sĩ Nguyễn Hiệp Trí - Phó trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - nhận định: “Sự khác biệt về lợi thế và áp lực của nam và nữ là do bất bình đẳng giới. Chính vì vậy chỉ có bình đẳng giới mới giúp cho tất cả các giới có vị thế cân bằng với nhau”.

Ông Nguyễn Lữ Gia - đại diện SCI - gợi ý: “Bạo lực gia đình đối với phụ nữ vẫn còn đó. Người trong cuộc, điển hình là phụ nữ, thường không chia sẻ với ai khi bị bạo hành. Điều này cho thấy các chị khó tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài, từ các cơ quan chức năng và tự chịu đựng hay tự giải quyết vấn đề”.

Ông Lữ Gia cho biết thêm, theo nhiều kết quả thống kê, trên toàn cầu có 30% phụ nữ từng có mối quan hệ vợ chồng/bạn tình bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác hoặc tình dục. Có 62,9% phụ nữ từ 15 tuổi trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực trong đời. Có 11,4% phụ nữ trên toàn quốc từng bị một hoặc nhiều hình thức quấy rối tình dục trong đời.

Cần thay đổi cách tiếp cận về giới

Theo ông Nguyễn Lữ Gia, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận về giới. Trước nhất phải xem xét phụ nữ là nhóm dễ bị tổn thương, để từ đó xem họ là nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách, dự án, xem đây là nhóm tác nhân tạo động lực để thay đổi giúp người phụ nữ mạnh mẽ cũng như nâng cao cơ hội được tiếp cận với cộng đồng xã hội.

Các đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo
Các đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo

Ở cấp thành phố, Hội LHPN TPHCM đã xây dựng, triển khai kế hoạch công tác hội, công tác chính sách - luật pháp, hoạt động công tác gia đình; triển khai đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân, lao động khu lưu trú - nhà trọ”, tổ chức chương trình đào tạo trực tuyến phổ cập kiến thức kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, “gia đình 5 không, 3 sạch”, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình.

Các cấp Hội Phụ nữ đã có nhiều cách làm, tuyên truyền các vấn đề về giới, đa dạng giới. Hội đã xây dựng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại các quận, huyện, phường, xã, thị trấn với 53 báo cáo viên, 1.590 tuyên truyền viên. Đây là những người có uy tín, am hiểu pháp luật, có trải nghiệm cuộc sống, kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực nhất định, có khả năng tư vấn, tuyên truyền.

Các nội dung tư vấn tập trung vào các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, hôn nhân, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc… Thành lập được 22 Câu lạc bộ “Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới” với 419 thành viên tại các quận 4, 12, Bình Tân; xây dựng mô hình tổ tư vấn cộng đồng tại chi hội phụ nữ khu phố/ấp ở 312 phường, xã, thị trấn toàn thành phố với 2.025 tổ tư vấn cộng đồng, 8.982 thành viên.

Tại cơ sở hội, bà Vũ Thị Châu - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 11 - cho biết, hội đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật thông qua nhiều cách làm như: phiên tòa giả định, ngày phụ nữ và pháp luật, các hoạt động của tổ tư vấn cộng đồng, đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội… nhằm phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả, nhất là với phụ nữ và trẻ em.

Bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - khẳng định: “Chính sự đa dạng về giới (có nam, có nữ) sẽ làm cho gia đình, xã hội cân bằng. Chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt trên cơ sở giới để tránh sự xung đột hoặc nguy cơ dẫn đến bị bạo hành”.

Theo bà Thanh, hiện nay vấn đề về giới, đa dạng giới đã có những vấn đề mới phát sinh mà các cấp hội và mọi người cần tiếp cận và tìm hiểu. Công tác tuyên truyền chưa bao giờ là đủ, chính vì vậy, các cấp hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyên truyền theo nhóm nhỏ, nhóm đối tượng có nguy cơ và dễ bị tổn thương; phát huy chức năng, nhiệm vụ của hội trong công tác chăm lo, bảo vệ phụ nữ, trẻ em cũng như hỗ trợ thực hiện chức năng của gia đình. Đây sẽ là điều kiện để hạn chế bạo lực. Các cấp hội cũng cần tiếp tục nắm bắt tình hình nhân dân, tìm thêm những giải pháp phù hợp với nhiều đối tượng, tăng cường công tác giám sát…

Bà Trịnh Thị Thanh đề nghị, trong các hoạt động, các cấp hội cần chủ động mời thêm nam giới cùng đồng hành để có thêm lực lượng nòng cốt cùng thực hiện các nội dung về bình đẳng giới, đa dạng giới, phòng chống bạo lực gia đình.

Trang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI