Quá rẻ so với giá thị trường
Ở TPHCM, hiện có nhiều cửa hàng bán đồ nội thất quảng cáo các sản phẩm làm từ gỗ gõ đỏ, gỗ cẩm lai, gỗ hương, gỗ gụ, gỗ xoan đào… với giá cực rẻ.
Một cửa hàng nội thất ở huyện Hóc Môn đang rao bán đủ loại sản phẩm làm bằng gỗ tự nhiên với giá chỉ bằng nửa giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Chẳng hạn, 1 bộ bàn ghế có giá 5,3 triệu đồng, được làm bằng gỗ sồi đỏ Nga có hình tròn, đường kính mặt bàn rộng 1,2m đi kèm 6 chiếc ghế; bộ bàn ghế hình chữ nhật có giá 6,5 triệu đồng, được làm bằng gỗ xoan đào, dài 1,6m, rộng 80cm, cao 73cm kèm 6 chiếc ghế; giường gấp bằng gỗ xoan rộng 1,6m có giá 2,3 triệu đồng/bộ; bộ trường kỷ (sofa) bằng gỗ hình chữ L kèm bàn có giá 8,5 triệu đồng/bộ; bộ ghế hoàng gia bằng gỗ xà cừ có giá 10 triệu đồng/bộ.
|
Trên mạng xã hội, có rất nhiều quảng cáo rao bán sản phẩm nội thất làm bằng gỗ rừng tự nhiên, giá rẻ bất ngờ - Ảnh: T.H |
Theo nhân viên bán hàng, công ty có nhà máy sản xuất ở tỉnh Hà Nam. Do đơn hàng xuất khẩu giảm đột ngột, công ty phải đóng cửa nên xả hàng (bán rẻ) để thu hồi vốn.
Thông qua mạng xã hội, nhiều cửa hàng bán đồ nội thất bằng gỗ quảng cáo xả hàng, thanh lý với giá rất rẻ. Fanpage (trang trên mạng xã hội Facebook) “Giường.tủ.giá.rẻ.Br…” rao bán giường bằng gỗ tràm dài 2m, rộng 1,6m, giá 1,9 triệu đồng/chiếc, nếu làm bằng gỗ xoan thì giá 2,6 triệu đồng/chiếc, bằng gỗ sồi Nga thì giá 3,2 triệu đồng/chiếc; kệ ti vi rộng 1,6m có giá 1,5 triệu đồng.
Khi chúng tôi thắc mắc về chất lượng, quản lý một fanpage có cửa hàng ở quận 12 giải thích, do đối tác ở Mỹ hủy đơn hàng nên công ty buộc phải thanh lý với giá chỉ bằng 50% so với giá gốc. Công ty nhận giao hàng tận nhà trên toàn quốc, cho kiểm tra hàng trước khi thanh toán, mua càng nhiều thì giá càng rẻ.
Mức giá được rao trên các fanpage đang rẻ, bằng khoảng một nửa giá sản phẩm cùng loại ở các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ nội thất ở đường Ngô Gia Tự (quận 10), Hậu Giang (quận 6).
Giá rẻ có thể do làm dối
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH gỗ VAM Furniture (chuyên xuất khẩu gỗ) - phân tích, giá đồ gỗ nội thất ở một số nơi rẻ hơn giá thị trường có thể do nhà sản xuất đó bán thẳng đến người tiêu dùng, không thông qua đại lý phân phối hoặc có thể sản phẩm bị lỗi, không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Những sản phẩm này vẫn đẹp, chất lượng vẫn tương đối tốt.
Theo ông, đúng là đang có tình trạng đồ gỗ nội thất bị tồn kho do trục trặc về đơn hàng xuất khẩu nên một số công ty bán giá rẻ hơn mức bình thường để xả kho. Dù vậy, giá vẫn không thể quá rẻ như mức đang được quảng cáo. Không loại trừ khả năng người bán lợi dụng thông tin xuất khẩu khó khăn để gây sự chú ý nhưng khi khách hàng liên hệ thì mức giá thực tế lại khác đi.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn lưu ý, có tình trạng dán gỗ xịn, gỗ quý tự nhiên bên ngoài còn bên trong chỉ toàn gỗ rẻ tiền như gỗ thông, ván ép, tấm xơ ép (MDF, HDF) và chỉ có người trong ngành mới nhận ra. “Nhiều cơ sở chọn loại gỗ quý nhất lạng mỏng ra như tờ giấy (còn gọi là gỗ veneer) để dán lên ván ép hoặc gỗ xấu. Nếu người mua thích hàng giá rẻ thì nên quan tâm vào giá, còn nếu muốn có hàng chất lượng, đẳng cấp thì nên mua hàng có xuất xứ rõ ràng, thương hiệu uy tín. Nếu không tìm được địa chỉ tin cậy thì nên nhờ người hiểu biết về gỗ chọn giúp” - ông Tuấn nói.
Một chủ doanh nghiệp (DN) chuyên kinh doanh đồ gỗ nội thất trên đường Hậu Giang, quận 6 kể, từng có khách hàng mua 1 bộ phản gỗ nguyên khối trên mạng, được quảng cáo làm từ gỗ cẩm vàng dài 2,4m, rộng 2m, cao 2m với giá 7,5 triệu đồng, trong khi giá thị trường trên 30 triệu đồng. Vị khách này tin rằng mình đã mua được bộ chiếu làm từ gỗ xịn có giá hời bởi nó rất nặng, phải nhờ 4-5 người khiêng. Nhưng trong một lần chuyển nhà, tấm phản bị rớt bể, mới lòi ra toàn đá bên trong.
Chủ DN này cũng thử đặt mua khánh thờ treo tường trên mạng với giá 300.000 đồng (giá thị trường là 800.000 đồng) thì nhận được sản phẩm có kích thước chỉ bằng 1/3 so với yêu cầu. Theo ông, nhận được sản phẩm có kích thước nhỏ hơn hoặc không đúng loại gỗ được rao là tình trạng phổ biến. Một số cửa hàng cam kết bán hàng đúng như hình, được kiểm tra hàng trước khi thanh toán lại yêu cầu chuyển tiền đặt cọc nên khi muốn trả hàng, người mua sẽ bị mất tiền cọc. Một số người lên mạng quảng cáo chỉ nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách hàng.
Ông Huỳnh Quang Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) - cho biết thêm, tình hình xuất khẩu gỗ của các DN vẫn còn ảm đạm cho đến hết quý I/2023. Hiện 50% DN trong hiệp hội phải giảm một nửa công suất, có rất ít DN duy trì được việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, không có DN nào trong hiệp hội rao bán sản phẩm với giá quá rẻ như trên mà họ cố gắng tìm các thị trường mới để có đơn hàng mới.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, ngoài sử dụng gỗ veneer từ gỗ xịn để dán lên các loại gỗ xấu, một số cơ sở mộc còn vẽ các loại vân gỗ đắt tiền như gõ đỏ, hương, cẩm lai lên các sản phẩm gỗ xấu rồi sơn bóng. Người Việt Nam chưa có ý thức cao về bảo vệ rừng nên vẫn còn ham các loại gỗ rừng tự nhiên và loại gỗ này vẫn có giá quá cao.
Ông phân tích, hiện nay, ngoài Trung Quốc, người tiêu dùng ở các nước châu Á không còn chuộng gỗ rừng tự nhiên nữa. Người tiêu dùng ở Mỹ và các nước châu Âu thì hoàn toàn không dùng sản phẩm làm từ gỗ rừng tự nhiên mà chỉ dùng gỗ rừng trồng, có thể tái tạo được. Do đó, việc viện cớ cần thanh lý các sản phẩm gỗ gõ đỏ, gỗ hương, cẩm lai xuất khẩu bị tồn kho với giá rẻ là hết sức phi lý.
Thanh Hoa