Tôn ti trật tự trong nhà

17/04/2024 - 18:25

PNO - Cái tôn ti trật tự từ gia đình mang ý nghĩa rộng ra xã hội. Phải có trên có dưới mới làm nên xã hội không nhiễu nhương. Mà, trên bảo dưới không nghe là điều thường thấy hiện nay.

Trong thành phố có một hàng mì quảng, bún riêu nổi tiếng đông khách vì ngon, giá vừa phải, phù hợp mức thu nhập của nhiều người, lại tiện đường đi làm (công chức, công nhân, người đi chợ, trẻ đi học…).

Ngồi chính là bà vợ, chạy vòng ngoài có ông chồng và cô con gái, thêm 1 người phụ việc rửa chén. Việc ai người nấy làm. Tỉ như bà vợ là người múc chính ra tô cho khách ăn tại chỗ, cô con gái ngoài việc giúp mẹ như nhúng bánh, cho bún vào tô… còn làm bịch cho khách mang về. Ông chồng đi các bàn, hỏi khách ăn gì, xong truyền đạt lại cho vợ rồi mang dĩa rau ra cho khách.

Thỉnh thoảng khách gọi thêm rau, không thấy dĩa chanh, ớt, hũ mắm… là có ông chồng phục vụ. Ông còn dọn dẹp, lau bàn khách vừa ăn xong, mang tô ra đặt đúng nơi rửa, hướng dẫn khách dựng xe đúng chỗ...

Công việc nhịp nhàng, chạy đều vậy mà thỉnh thoảng thấy ông chồng bị bà vợ la, thậm chí còn bị con gái cằn nhằn. Về vóc dáng, bà vợ mập mạp, còn ông gầy ốm. Bà vợ vẫn hay than ăn ít vẫn mập, giá được gầy như ông ấy cho nhanh nhẹn. Mỗi khi nghe vậy, ông chồng lại bảo, tui không chê bà thôi chứ, than hoài!

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Hàng bán đến 2 món - mì Quảng và bún riêu. Khách ăn đa dạng. Người riêu cua, có thịt, người chỉ riêu, chả cá, hay chỉ riêu mà không cua... Mấy đứa bé lại thích tô mì hay bún chỉ có trứng cút. Mì Quảng cũng thế, người mì riêu chả cá, người thích xương, người thích thịt nạc, người không bỏ đậu phộng, người không ăn hành, người kêu thêm ít rau kinh giới…

Khách đông, nhiều khi ông chồng nhớ không hết các chi tiết khách yêu cầu, kêu vợ làm lẫn lộn, mang ra khách không chịu, phải đổi. Những lần như vậy, thể nào bà cũng la ông, không chịu nhớ gì hết, người ta kêu này mà bảo làm kia...

Hôm nào vui ông bỏ qua, lẳng lặng dọn dẹp, phục vụ. Hôm nào buồn ông đổ quạu, có hôm bực quá ông bỏ đi uống ly cà phê rồi ngồi mãi không thèm về. Khách đang đông, không có ông, bà vợ và cô con gái bận rộn luôn tay, nhiều lúc rối lên. Lại phải bảo cô rửa chén ra hàng cà phê kêu ông về. Bởi ông có trách nhiệm nên những lần như thế không nhiều. Tánh ông dễ bỏ qua, mang tiếng nhịn vợ cũng không sao. Thành thử nhiều lúc khách hàng thấy ông “yếu thế” lắm, có người còn bảo bà ăn hiếp ông.

Đang làm ăn ngon lành, chủ nhà đòi mặt bằng lại. Bạn hàng quen mách với bà có một chỗ cho thuê mặt bằng rộng, tại địa chỉ đó, giá mềm… tới coi kẻo người khác thuê mất. Lúc này mới nghe bà bảo: “Để chiều ông chồng em đi coi. Mấy chuyện này phải ổng quyết. Ổng còn tính toán phải sửa chữa mặt bằng ra sao, sắp xếp thế nào. Em chỉ biết bán”. Mới thấy, dù bà có ngồi vị trí “chỉ huy” và “quyền uy” buôn bán tiền bạc đến đâu, những chuyện lớn đều phải hỏi ý ông, thậm chí phải chờ ông quyết định.

Khi ông đến hỏi thuê nhà, tiếp ông là bà “chủ hộ”. Giá cả đồng ý xong xuôi, nhưng bà này lại bảo: “Chờ 2 ngày nữa, chồng đi công tác về tui hỏi ý kiến ổng. Phải ổng quyết chứ mình tui không dám quyết”. Mới thấy, dù có đứng tên chủ hộ, bà này cũng phải chờ ông chồng về thống nhất ý kiến.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cái khéo của bà vợ là đây. Các bà dư biết, mình bà quyết cũng được (vì bà đã tính toán, cân đối rồi), nhưng vẫn phải hỏi chồng mà bà biết chắc là ông cũng đồng ý. Ngoài ý nghĩa tôn trọng chồng còn là tôn ti trật tự trong gia đình. Thêm nữa, con cái thấy vậy cũng phải biết tôn kính cha. Có thể cha không làm ra tiền nhiều, không có vị trí xã hội bằng mẹ, nhưng cha là cha. Nhà phải có nóc, cái cột chính vẫn là cột trụ.

Cái tôn ti trật tự từ gia đình mang ý nghĩa rộng ra xã hội. Phải có trên có dưới mới làm nên xã hội không nhiễu nhương. Mà, trên bảo dưới không nghe là điều thường thấy hiện nay.

Đâu cần những khẩu hiệu đao to búa lớn làm gì. Mỗi người phải biết vị trí của mình. Kính trên nhường dưới là đã tạo nên môi trường văn minh rồi. Cách nghĩ đẹp sẽ tạo ra nếp sống đẹp, mỗi người một chút làm nên sự ngăn nắp, trật tự trong gia đình lẫn ra xã hội.

Kim Duy

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI