|
Panda Bell sống ở Paradise cho đến khi xảy ra đám cháy Camp năm 2018. Trận hỏa hoạn quá đau thương và đến nay cô vẫn không thể trở về - Ảnh: The Guardian |
Theo tờ The Guardian, hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa vì ngọn lửa kinh hoàng của đám cháy Camp, họ không thể trở lại các cộng đồng đã bị đám cháy thiêu rụi. Người ta lo ngại kịch bản này sẽ lặp lại khi dải đất duyên hải miền tây nước Mỹ đang chìm trong khói lửa của nhiều đám cháy rừng.
Cuộc sống sau trận hỏa hoạn chết chóc nhất California năm 2018 cho thấy tương lai u ám của khủng hoảng khí hậu, và những gì đang diễn ra hôm nay dường như đang “đếm ngược” đến thảm họa khí hậu.
Suốt hai năm qua, Erin Finafrock sống trong một nhà di động rơ-mooc và ở nhờ nhà bạn bè tại 3 thành phố tiểu bang California. Cô đã cắm trại ngoài trời trên một bãi hội chợ cũ và giữa những khu rừng cháy đen.
Khi đám cháy Camp xé toạc thị trấn Paradise và các khu vực xung quanh ở hạt Butte (California) tháng 11/2018, nó cũng “hủy hoại” cuộc sống của cô. Finafrock, khi ấy 34 tuổi, đang sống ở khu Magalia gần đó với bạn trai và một con mèo. Vài tháng nay, cô mới tìm lại được sự ổn định sau nhiều năm nghiện ngập, vô gia cư và xa con. Cô yêu những cộng đồng yên tĩnh ở chân đồi Sierra Nevada.
Nhưng đám cháy Camp – vụ hỏa hoạn giết chết nhiều người và tàn phá nhất trong lịch sử California đã xảy ra. Ngọn lửa giết chết 85 người và xóa sổ gần 14.000 ngôi nhà trong một khu vực lâu nay có giá cả phải chăng hơn phần lớn các khu vực của tiểu bang, khiến người ta phải di dời trốn tránh bà Hỏa, lúc cao điểm lên đến hơn 50.000 người. Quy mô tàn phá của trận hỏa hoạn gần như chưa có trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại.
|
Paradise đang được tái thiết sau khi trận cháy Camp năm 2018 phá hủy toàn bộ thị trấn - Ảnh: The Guardian |
LeRoy Westerling, một nhà khoa học về hỏa hoạn tại Đại học California ở Merced, cho biết: “Chúng ta luôn có những rủi ro về hỏa hoạn, mất cả một thành phố nhỏ thực sự là một cú sốc đối với tất cả mọi người”.
Paradise đang được xây dựng lại - ước tính ngày nay có khoảng 3.000 người sống ở đó - cũng như các khu vực khác bị ảnh hưởng bởi đám cháy, bao gồm Magalia, Concow và Butte Creek Canyon. Nhưng hàng chục ngàn cư dân cũ của Paradise đã không trở lại. Một số người đã ổn định ở những nơi khác, những người khác vẫn đang loay hoay tìm một nơi để gọi là nhà. Sau hỏa hoạn, những người có ít nguồn lực nhất đã phải đối mặt với những thách thức lớn nhất.
Cháy rừng không chỉ thay đổi đáng kể cuộc sống của những người bị ảnh hưởng trực tiếp, mà còn để lại dấu ấn ở các thị trấn nhiều người đã chọn để tái định cư. Hơn 16.000 người phải di dời vì đám cháy đã chuyển đến các cộng đồng khác trong hạt Butte. Chico, một thành phố đại học 110.000 dân gần Paradise tiếp nhận hơn 10.000 người.
|
Chico, thành phố đại học 110 ngàn dân cách Paradise 15 dặm về phía tây, tiếp nhận hơn 10.000 người mới sau đám cháy Camp năm 2018 - Ảnh: The Guardian |
Y tá Matt Rosendin và gia đình ông là một trong số những người quyết định định cư ở Chico sau khi họ mất ngôi nhà được xây từ những năm 1950 ở Paradise. Sau bao nhiêu vất vả chạy thoát khỏi đám cháy và tá túc một thời gian ngắn tại gia đình vợ, họ thuê nhà ở Willows, cách Paradise 50 phút lái xe, và đến tháng 4/2020, gia đình Rosendin đã mua được một căn nhà ở Chico.
Gia đình người y tá, cùng với nhiều gia đình di cư khác, dần dần ổn định cuộc sống ở Chico, nhưng thành phố đã phải vật lộn để đối phó với sự bùng nổ dân số đột ngột. Ông Mark Orme, một người quản lý thành phố, ví von “dân số thành phố tăng 15-20 năm chỉ trong một đêm”. Chính quyền địa phương phải đối phó vất vả với tình trạng thiếu nhà ở, giao thông tắc nghẽn, xử lý chất thải,…
Kịch bản Chico có khả năng lặp lại trong thế kỷ tới khi nước Mỹ chứng kiến nhiều thảm họa thiên nhiên và hỏa hoạn ngày càng nghiêm trọng. Tiểu bang California đã chứng kiến một đợt nắng nóng oi bức vào cuối tuần, thổi bùng các đám cháy rừng dữ dội. Hơn 2 triệu mẫu Anh bị thiêu rụi trong năm nay, vượt qua kỷ lục được thiết lập vào năm 2018.
Jesse Keenan, chuyên gia về thích ứng khí hậu tại Đại học Tulane, đặt câu hỏi: “Tương lai sẽ như thế nào?”, ông lưu ý các thành phố vốn có nguy cơ thấp về mực nước biển dâng hoặc cháy rừng nên chuẩn bị cho khả năng có các nhóm đông người tràn đến tìm nơi ẩn náu.
Ông Keenan chỉ ra hiệu ứng gợn sóng của sự dịch chuyển đó. Chico có thể sẽ chứng kiến tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, phần lớn trong số đó không có kế hoạch. Sự tràn ngập của những người mới vào một thị trường nhỏ đã đẩy giá bất động sản lên cao, làm phức tạp thêm cuộc sống vốn được coi là có giá cả phải chăng trong khu vực.
|
Bên ngoài Chico, vài trăm người vẫn sống trong nhà ở do Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang cung cấp - Ảnh: The Guardian |
Bên ngoài Chico, vài trăm người vẫn ở trong nhà ở do Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (Fema) cung cấp trong các cộng đồng nhỏ hơn ở các hạt Butte và Glenn.
Skye Sedwick, người có cha 82 tuổi thiệt mạng sau nhiều giờ chiến đấu với ngọn lửa và cứu nhà hàng xóm, đã chuyển đến một chiếc nhà di động nhỏ ở Orlando vào đầu năm 2019 trước khi định cơ tạm thời trong một căn hộ hai phòng ngủ tại một cộng đồng Fema ở Gridley. Fema đã lên kế hoạch bắt đầu thu tiền thuê nhà từ người dân, nhưng thông báo sẽ trì hoãn việc đó đến tháng 10 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Sedwick dự định sẽ rời đi trong những tháng tới. Cô muốn quay trở lại trang trại ở Magalia nơi gia đình đã ở hơn 70 năm và xây dựng một tổ ấm để chia sẻ với con trai và cháu trai của mình.
|
Panda và Dan Bell đã có một cuộc sống mới cho mình tại cơ ngơi mới của họ ở Orlando, phía tây Paradise - Ảnh: The Guardian |
Vợ chồng Panda và Dan Bell mất hai tháng để tìm được một căn nhà cho thuê, và sau đó, họ mua được một căn nhà ở Orlando, một thị trấn chỉ dưới 8.000 người, cách Paradise 45 phút về phía Tây. Tuy nhiên, đó là một giai đoạn đầy thử thách đối với gia đình. Mẹ của Bell, người đã phải vật lộn với hậu quả của trận hỏa hoạn, đã qua đời vào đầu năm nay. Gia đình giữ lại tài sản Paradise, không biết tương lai sẽ làm gì với nó, nhưng họ sẽ không quay lại thành phố.
Thanh Vân