Tổn thương quá khứ

05/04/2024 - 11:49

PNO - Có đứa con nào lại đi nói xấu cha mẹ? Phút cuối, Hà chọn cách giải thoát cho đứa trẻ đang mắc kẹt trong hình hài người đã trưởng thành.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Con cái có quyền đòi hỏi nếu chúng thấy thiếu thốn tình thương của gia đình. Sự đòi hỏi ở vài đứa con có khi dừng lại ở vài món đồ chơi, chút thời gian cha mẹ bên cạnh, nhưng với vài người khác, có khi phải mất cả đời mới mong tìm được chút sự quan tâm chú ý của bậc sinh thành.

"Con không còn muốn đóng vai đứa trẻ hạnh phúc, may mắn trong gia đình tri thức giàu có nữa. Con muốn cho tất cả mọi người biết con có người bố vô tâm, vũ phu; người mẹ cam chịu với chồng và trút sự cay nghiệt lên con cái", Hà nói với bác gái - chị ruột của bố cô.

"Cháu nói gì thế? Lời nói đọi máu, chuyện trong nhà nên đóng cửa bảo nhau", người bác chỉ trích Hà.

Thực tế cuộc sống tồn tại rất nhiều hoàn cảnh như Hà. Một gia đình văn hóa mẫu mực: cha mẹ tri thức, có danh tiếng địa vị, thân ái vui vẻ mọi người ngoài xã hội. Nhưng lạ lùng thay, khi về đến nhà họ biến thành một người khác, đối xử tàn tệ đối với người thân. Và không chỉ nạn nhân, những đứa con cũng gánh trọn hậu quả của bạo hành gia đình.

Bạo hành trong gia đình, bao gồm bạo hành về tinh thần và thể xác là một vấn nạn nguy hiểm, hậu quả của nó không dừng lại ở một thế hệ mà xuyên suốt qua đời sau. Cụ thể trong gia đình Hà. Cuộc đời mẹ Hà chìm trong những trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng.

Đến đời Hà, khi phải chứng kiến cảnh bố cô thường xuyên sỉ nhục, đánh đập mẹ, Hà trở nên sợ hãi, căng thẳng. Việc buộc phải giấu diếm bi kịch gia đình suốt thời thơ ấu khiến cô càng trở nên ức chế, có những biểu hiện mất tập trung, rối loạn ngôn ngữ, phải tìm đến bác sĩ tâm lý để điều trị.

Phút cuối, Hà chọn cách nói ra sự thật như 1 cách giải thoát cho đứa trẻ đang mắc kẹt trong hình hài của 1 người con đã trưởng thành. Thế nhưng không một ai thông cảm với Hà.

"Có đứa con nào lại đi nói xấu ba mẹ ruột của mình không? Nếu ba mẹ con không yêu thương con thì sao con lại đầu tư cho con ăn học? Tại sao con lại đợi đến khi ba mẹ khó cơ hội sửa sai thì con mới lên tiếng. Con mới chính là người độc ác, tàn nhẫn". Nội dung những chỉ trích của người thân sau khi Hà chia sẻ khiến cô rơi vào cảm giác hoang mang lần nữa.

Rất nhiều người không hiểu, nhu cầu được nói ra, được chia sẻ của người con không hẳn là việc “tố cáo” ba mẹ, mà đó là quá trình tự chữa lành cho những tổn thương quá khứ. Là việc tự giải cứu chính mình.

Nhiều nghiên cứu cho biết, trẻ em độ tuổi vị thành niên dễ mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần, tuy nhiên không được nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Một nguyên nhân quan trọng gây ra chứng trầm cảm ở trẻ em và các các bệnh lý về tâm thần chính là hoàn cảnh gia đình. Các em phải sống trong gia đình không hạnh phúc, áp lực cuộc sống ngày càng cao, cộng văn hóa Á Đông buộc phải giữ thể diện gia đình khiến những đứa con rơi vào tình trạng mất thăng bằng, không kiểm soát.

Có rất nhiều người lớn cần được chữa lành đứa trẻ bên trong mình (ảnh minh họa)
Có rất nhiều người lớn cần được chữa lành đứa trẻ bên trong mình (ảnh minh họa)

Tại sao con phải im lặng chỉ vì mang phận làm con? Tại sao con phải mang tiếng bất hiếu khi nói lên sự thật? Hà luôn muốn chữa lành những tổn thương, nhưng con đường của cô còn rất khó khăn. Thật khó phán xét đúng sai trong việc con cái lên án bố mẹ. Cũng như không có lời giải nào trọn vẹn cho những sang chấn liên thế hệ.

Hà đang cố gắng sống một cuộc đời không tô vẽ và nuôi dưỡng tình yêu thương với chồng con, bạn bè... những người xung quanh cô mỗi ngày. Cô nghĩ, chỉ có tình yêu thương mới có thể chữa lành, hàn gắn tổn thương quá khứ.

M. Mây

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI