Tổn thương, nhiễm trùng nặng vì chủ quan với bệnh viêm da

18/07/2023 - 06:09

PNO - Mỗi ngày, có đến 400-500 bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM. Đa số bị viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, mề đay, chốc, nhiễm trùng, viêm nang lông… Có không ít người chủ quan, không đi khám bệnh, tự mua thuốc bôi, uống không đúng cách hoặc tự đắp thuốc theo truyền miệng dẫn đến nhiễm trùng nặng nề.

 

Bệnh nhân đến khám viêm da tiếp xúc tại Bệnh viện Da liễu TPHCM - Ảnh: L.A.
Bệnh nhân đến khám viêm da tiếp xúc tại Bệnh viện Da liễu TPHCM - Ảnh: L.A.

Tự ra tiệm mua thuốc uống, bôi 

Ngồi đợi khám bệnh tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, chị N.T.L. (32 tuổi, ở TP Thủ Đức) cho biết 2 bàn tay và cẳng, bàn chân của chị đang ngứa ngáy, khó chịu nhưng không dám gãi vì sợ các mụn nước sẽ lây lan ra.

Theo chị L., da chị dễ bị dị ứng thời tiết. Cứ đầu mùa mưa hoặc khi nắng gắt, da chị đều bị tổn thương. Thường thì chị ít đi khám bệnh, chủ yếu để vài ngày sẽ khỏi. “Nhưng lần này, trên mu bàn tay, bắp chân rất ngứa. Ngày thứ tư, bắp chân tôi sưng tấy, đau rát, có kèm mụn nước li ti. Tôi tự uống thuốc 2 ngày, chân đỡ đau, mụn nước khô lại. Không ngờ vài ngày sau tay, chân và cả mặt của tôi lại sưng đau nên phải đi bệnh viện”, chị L. kể. Sau khi khám bệnh, bác sĩ cho biết chị L. bị viêm da kích ứng, dị ứng thuốc, bắp chân bị nhiễm trùng nhẹ.

Anh P.V.T. (34 tuổi, ở quận Tân Phú) đến Bệnh viện Da liễu TPHCM tái khám nấm, nhiễm trùng bàn chân phải. Do làm phụ hồ, anh T. thường phải mang ủng dài, ẩm thấp, bức bí. Mỗi lần mưa xuống, nước mưa đọng trong ủng càng làm cho anh thêm khó chịu. Khi về nhà, anh hay ngâm chân vào nước muối ấm để vệ sinh và làm dịu cơn ngứa. Anh T. không biết chân mình bị nhiễm nấm. Ban đầu, ở kẽ chân có vết loét nhỏ. Chỉ 2 ngày sau, vết loét to lên, các vị trí gần đó cũng bị loét sâu, có mủ, sưng và gây đau. Do đang làm công trình, anh T. không đi khám mà ra tiệm thuốc tây mua thuốc bôi, uống cho đỡ đau. Theo người quen hướng dẫn, anh T. mua lá thuốc về ngâm chân, rồi lấy xác đắp lên vết thương cho mát và mau lành. 

“Ngày đầu vết thương của tôi bớt đỏ, hầu như không ngứa, nhưng hơi nhầy. Nghĩ do ngâm nước nên tôi không ngâm chân nữa mà nấu thuốc để ráo rồi đắp lên chân. Không ngờ chân tôi bị mưng mủ, sưng to nên phải đến bệnh viện khám. Bác sĩ nói chân tôi bị nấm, nhiễm trùng do đắp lá, nếu không đi khám sớm sẽ có nguy cơ hoại tử”, anh T. chia sẻ. Điều trị hơn 1 tuần, tình trạng nhiễm trùng của anh đã được kiểm soát, vết thương đang khô lại nhưng phải theo dõi thêm.

Không nên đắp lá thuốc 

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Hồng Phượng - Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết, giai đoạn chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật trên da phát triển, làn da cũng trở nên nhạy cảm hơn. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh, kèm theo độ ẩm thay đổi ảnh hướng đến sự phát triển của dị nguyên nấm mốc, tăng nồng độ phấn hoa trong không khí… tác động đến hệ miễn dịch của cơ thể, dễ làm các bệnh da xuất hiện hoặc nặng hơn các bệnh da sẵn có.

Ngoài ra, rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể là nguyên nhân chính dẫn đến dị ứng thời tiết. Từ đó xuất hiện các phản ứng dị ứng, sản sinh ra hàng loạt kháng thể, chất hóa học trong cơ thể nhằm chống lại các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài, gây hại cơ thể. Ban đầu, người bệnh chỉ ngứa ngáy, da nổi mẩn đỏ hoặc mụn nước… Nếu không được chăm sóc kỹ, các nốt sần nổi lên nhiều, lan rộng. Nặng hơn, người bệnh nổi mề đay, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, sưng mặt, môi… Lúc này, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám để có hướng điều trị phù hợp. 

Còn đắp lá thuốc cũng như bôi thuốc không rõ nguồn gốc lên vùng da đang bị tổn thương tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Điều này không chỉ khiến tình trạng viêm da nặng hơn, mà còn có khả năng bội nhiễm, loét da, hoại tử… 

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh ngoài da là người dân nên hạn chế tiếp xúc với dị nguyên như khói bụi, phấn hoa… Dọn dẹp, giữ cho nhà thông thoáng, tránh ẩm thấp; tắm rửa sạch sẽ, quần áo sau khi giặt phải được phơi thật khô. Nếu bị mắc mưa, nước bẩn bắn lên người, cần tắm sạch, mặc đồ khô thoáng.

Ngoài ra, có thể tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất, ăn nhiều rau xanh. Tùy vào thể trạng có thể chọn môn thể thao thích hợp như đi bộ, bơi, đạp xe, chạy… hay các hoạt động ngoài trời giúp tăng cường trao đổi chất, tăng khả năng thích ứng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết. 

Cẩn thận với viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang vào mùa mưa

Mùa mưa thường xuất hiện kiến ba khoang gây viêm da tiếp xúc. Gần đây, Bệnh viện Da liễu TPHCM điều trị một số trường hợp khá nặng. Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Đoan Phượng - Trưởng khoa Lâm sàng 1 của bệnh viện - cho biết, khi người bệnh bị sang thương, thay vì đến bệnh viện lại ra tiệm thuốc tây mua thuốc. Tại đây, nhân viên nhà thuốc tự khám và chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh zona thần kinh. Nhân viên bán thuốc uống, thoa không đúng càng khiến bệnh nặng hơn. Đã có người bị bội nhiễm, nhiễm trùng cả vùng da rộng.

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường gây thương tổn hồng ban, da hơi phù nề, nổi mụn nước li ti, mụn mủ. Thường bị ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân. Các tổn thương có dạng từng vệt, đường, do dịch của kiến ba khoang. Người bệnh có thể bị thương tổn đối xứng ở vùng nếp gấp như nách, bẹn, nếp gấp khuỷu tay hoặc chân. Khi người bệnh ngứa ngáy hay có thói quen gãi, chà xát càng làm tổn thương lan sang các vị trí khác.

Còn zona thần kinh là bệnh gây ra bởi vi rút, ảnh hưởng đến da và thần kinh. gây triệu chứng ở một vùng cơ thể nhất định. Những khu vực thường gặp gồm mặt, thắt lưng, lưng, ngực, bụng… Biểu hiện ban đầu là những nốt sẩn hồng ban, sau đó xuất hiện những mụn nước mọc thành chùm chứa dịch trong, căng. Vị trí thường ở một bên cơ thể, dọc theo đường đi của dây thần kinh. Bệnh nhân có thể sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức…

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và bệnh zona là 2 bệnh lý khác nhau. Việc chẩn đoán nhầm, sử dụng thuốc sai có thể khiến bệnh nặng và quá trình phục hồi lâu hơn. Vì vậy, khi mắc bệnh, người dân không nên tự điều trị mà hãy đến cơ sở y tế để được xử trí thích hợp.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI