Hoang mang tưởng mình mắc bệnh ác tính về da
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết khoảng hai tháng nay, số người đến điều trị da do bị tổn thương sau khi du lịch trở về tăng cao (một buổi khám ghi nhận cả chục trường hợp).
|
Mọi người cần che chắn, bôi kem chống nắng để bảo vệ làn da trước ánh nắng mặt trời khi đi du lịch (ảnh minh họa từ internet) |
Ngày 10/8, nữ bệnh nhân P.T.K.D. (37 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) đến bệnh viện vì bỗng nhiên ở hai cánh tay nổi lên những chấm đen to bằng đầu đũa. Chị D. vô cùng hoảng sợ, tưởng mình mắc bệnh ác tính về da. Sau vài ngày, những nốt đen trên tay càng sậm thêm khiến chị mặc cảm, chẳng dám mặc áo hở tay bởi đi đâu cũng bị người khác nhìn chằm chằm.
Khi khai thác bệnh sử, bác sĩ Vân Thanh biết được bệnh nhân mới đi du lịch biển với gia đình. Bệnh nhân kể do trời chỉ nắng hanh, không quá gắt nên chị và các thành viên chơi ngoài biển cả buổi sáng. Chị còn tự tin vì có bôi kem chống nắng nên không thấy rát da. Hai ngày sau, cánh tay của chị đột nhiên bị nổi các nốt đen như vậy.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm da ánh sáng. Có thể da của bệnh nhân tiếp xúc với côn trùng hoặc rong rêu trong nước biển dẫn tới kích ứng. Những vị trí bị viêm ban đầu đỏ và ngứa nhưng bệnh nhân không để ý. Sau đó, vùng da này có xu hướng bắt nắng, tăng sắc tố và đen lại. Nếu không điều trị, những nốt đen rất lâu phai, có khi cả năm mới nhạt màu, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh.
Một trường hợp khác là chị N.T.T. (32 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng đến khám vì tổn thương da sau chuyến du lịch hè. Trước đây, vùng hai bên gò má của chị T. có những chấm như đầu kim, màu nâu nhạt, phải nhìn kỹ lắm mới thấy. Tuy nhiên, sau khi đi biển cùng cơ quan về, những nốt tàn nhang trên trở nên đậm màu, thâm đen và lan rộng hết hai bên má. Không những thế, làn da của bệnh nhân còn trở nên thô ráp và xỉn màu rõ rệt khiến chị mất tự tin khi giao tiếp, lúc nào cũng phải đeo khẩu trang kín mít.
Chị T.T.T.H. (28 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) tới khám trong tình trạng vùng da sau gáy và lưng phồng rộp các bóng nước. Bệnh nhân có cảm giác đau rát, gặp khó khăn khi mặc áo. Chị H. kể mình phải tháo hết dây chuyền, mặc áo không có cổ để khỏi bị chà xát vào phần da đang bị tổn thương. Chị H. mới đi biển về trước đó hai ngày và cho biết mình mặc đồ bơi dài tay nhưng lại khoét hở sâu phần lưng và gáy. Dù chị có bôi kem chống nắng, sau khi du lịch về, phần da không được che chắn vẫn bị đỏ rát, phồng rộp vô cùng đau đớn.
Theo bác sĩ Thanh, chị H. bị phỏng nắng. Cách thức điều trị tương tự một ca bị tổn thương do phỏng nhiệt ở mức độ trung bình. Bệnh nhân được chỉ định uống thuốc kháng viêm toàn thân và thuốc bôi.
3 nhóm tổn thương da thường gặp sau chuyến du lịch
Theo bác sĩ Vân Thanh, do TPHCM không chia thành bốn mùa rõ ràng như các tỉnh, thành phía Bắc, số ca bệnh liên quan đến da do đi du lịch không tăng theo mùa mà tăng theo hành vi và trào lưu. Cụ thể, hiện nhiều trường hợp bị tổn thương da là sau khi đi du lịch trở về bởi mọi người đang mang tâm lý đi chơi để “trả thù COVID-19”. Đa số chúng ta sống gấp hơn, hưởng thụ nhiều hơn, cố gắng ra ngoài được nhiều nhất có thể cho bõ những tháng ngày bị giãn cách vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Thanh lưu ý mọi người cần trang bị những kiến thức cơ bản để bảo vệ làn da trước tác động của ánh nắng và môi trường. Có ba vấn đề về da sau khi du lịch trở về mà chúng ta hay gặp.
Thứ nhất là viêm da ánh sáng. Những tổn thương trên da do viêm da ánh sáng không phải ở các vị trí ưu thế của tình trạng sạm nám. Vùng tổn thương có thể ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể (vị trí tiếp xúc với dịch tiết của côn trùng, cây lá hoặc rong rêu trong nước biển). Đầu tiên, vùng da đó sẽ bị kích ứng và đỏ lên, cảm giác ngứa. Sau phản ứng này, nếu bạn ra nắng không che chắn, vùng da trên sẽ bắt nắng khiến tăng sắc tố, làm da chuyển sang màu đen.
Điều trị viêm da ánh sáng tương tự với trường hợp bị tăng sắc tố sau viêm và không quá phức tạp bởi vùng da bị tổn thương không phải vị trí mẫn cảm nên ít bị tái phát. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc bôi có tác dụng tẩy sắc tố hoặc can thiệp laser để thu được kết quả nhanh hơn.
Lời khuyên cho bệnh nhân bị viêm da ánh sáng là cần tránh nắng, không được chà xát và tì đè lên vị trí da đang bị tổn thương. Bệnh nhân cần uống nhiều nước và vitamin C để góp phần thúc đẩy cơ thể đào thải những chất chuyển hóa do phản ứng viêm da gây ra. Thông thường, nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, làn da của bệnh nhân sẽ hồi phục sau vài tháng.
|
Cần chườm lạnh, làm dịu da bằng các sản phẩm dưỡng ẩm, uống thật nhiều nước |
Thứ hai là tình trạng sạm nám da nghiêm trọng hơn sau khi tắm biển. Những bệnh nhân này đã bị rối loạn sắc tố từ trước nhưng ở thể nhẹ.
Nám da là hiện tượng rối loạn sắc tố da do hắc tố melanin phát triển quá mức ở lớp đáy và trung bì tạo thành hiện tượng hội tụ không đều màu. Điều này gây ra các đốm tròn nhỏ, sậm màu trên da. Nám da được chia thành ba loại: nám mảng, nám đốm và nám hỗn hợp.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nám da: tia UV trong ánh nắng mặt trời, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, mỹ phẩm, suy giảm nội tiết tố… Sau khi tiếp xúc ánh nắng với cường độ gay gắt, tình trạng sạm nám trở nên nặng hơn, điều trị cũng phức tạp hơn bởi vùng da bị nám rất mẫn cảm nên dễ dàng tái phát.
Thứ ba là tình trạng da bị phỏng nắng. Khi da tiếp xúc quá mức với tia UV sẽ dẫn tới sự thay đổi từ đỏ nhẹ, bong vảy da, tiếp theo là đau, sưng tấy và hình thành bọng nước. Không được chủ quan với phỏng nắng bởi bệnh nhân sẽ phải đối diện với nguy cơ bị nhiễm trùng thứ phát, sạm nám da vĩnh viễn. Vùng da bị bong tróc do phỏng nắng trở nên rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
Tóm lại, bác sĩ Vân Thanh khuyến cáo mọi người cần có ý thức bảo vệ làn da dù thời tiết mát mẻ, không thấy nắng, bởi thực tế chỉ cần có ánh sáng đồng nghĩa có tia UV. Sau khi đi nắng về, nếu da bị rát, nên lập tức bôi kem dưỡng ẩm, đừng để tình trạng viêm da bùng lên sẽ làm da bị tăng sắc tố. Nếu lỡ ham tắm biển khiến da bị phỏng nắng thì cần chườm lạnh, làm dịu da bằng các sản phẩm dưỡng ẩm, uống thật nhiều nước. Trường hợp bị mất nước tới mức giảm thể tích tuần hoàn thì phải đến cơ sở y tế để truyền dịch bù nước.
Da bị tăng sắc tố do tác động của ánh nắng mặt trời phải mất từ nhiều tháng đến cả năm mới có thể hồi phục. Mỗi lần da bị tổn thương như vậy sẽ thúc đẩy quá trình lão hóa nhanh hơn. Vì thế, phòng tránh và bảo vệ da vẫn là giải pháp tốt nhất.
Thanh Huyền