Tổn thương cột sống, liệt chi vì bóng cười

03/10/2018 - 15:34

PNO - Tìm đến bóng cười để giải trí, hay đơn thuần là thỏa trí tò mò… nhiều người không ngờ phải đối mặt với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng như liệt chi, tổn thương não nặng nề.

Hít 20 quả bóng cười mỗi ngày, suýt liệt

Nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), N.V.T. (20 tuổi) có vóc dáng to cao, khỏe mạnh. Nhưng ít ai biết, chỉ bốn ngày trước đây, khi nhập viện, bệnh nhân này gần như không thể đi được, bởi chân tay tê bì, run rẩy. Qua kiểm tra, các bác sĩ đã chẩn đoán, bệnh nhân bị tổn thương tủy sống dẫn tới tình trạng có thể liệt chi do sử dụng khí N2O - hay vẫn thường được gọi là bóng cười.

Hiện đang là sinh viên, nhưng bệnh nhân T. cho biết đã sử dụng bóng cười hai năm nay. Cho rằng, bóng cười không gây nghiện nhưng thực tế, trong vòng sáu tháng qua, gần như ngày nào cậu sinh viên này cũng sử dụng bóng cười. Có những ngày, lượng bóng cười mà T. hít lên tới 20 quả. Không chỉ hít bóng cười tại các tụ điểm vui chơi, T. còn thường xuyên mua cả bình khí N2O, loại 5kg với mức giá 1,1 triệu đồng/bình để “tìm niềm vui”.

Ton thuong cot song, liet chi vi bong cuoi
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích: bóng cười gây tổn thương thần kinh từ não xuống tủy sống, dẫn đến liệt chi

Trường hợp sinh viên T. không phải là bệnh nhân duy nhất tại trung tâm chống độc phải đối diện với nguy cơ liệt chi do hít bóng cười. Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc - cho biết gần đây, trung tâm liên tục tiếp nhận các trường hợp cấp cứu do ngộ độc khí N2O. Hiện tại, đơn vị này cũng đang tiếp nhận và điều trị hai bệnh nhân sử dụng bóng cười.

Hầu hết người bệnh khi đến bệnh viện đều do sử dụng bóng cười kết hợp với các loại ma túy khác hoặc sử dụng bóng cười trong thời gian dài. “Giống như heroin, cơ chế tác dụng của N2O là gây tổn thương hệ thần kinh, từ não xuống tủy sống, đặc biệt tủy sống cổ và ngực. Bệnh nhân nhẹ thì có thể có biểu hiện tay chân buồn bực như bị kiến bò, nặng hơn là mất cảm giác, yếu, thậm chí liệt chi và dẫn tới tử vong”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích.

Bên cạnh tổn thương cột sống, theo các chuyên gia, việc sử dụng bóng cười còn có khả năng gây ra hàng loạt biến chứng, hậu quả nghiêm trọng như mất trí nhớ, gây thiếu máu cơ thể, giảm khả năng sản sinh tinh trùng, nguy cơ sẩy thai… Đặc biệt, sau khi sử dụng các chất kích thích như N2O, bệnh nhân thường đối diện với tình trạng trầm cảm, cảm giác từ chán nản, bỏ ăn tới những biểu hiện nặng nề hơn là muốn tự sát... Để gia tăng “độ phê”, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, có nhiều bệnh nhân dùng túi ni-lông trùm lên đầu để hít được khí N2O lâu hơn, nhiều hơn. Cách sử dụng này đầy nguy hiểm, bởi khí N2O sẽ chiếm ô-xy trong não, có thể gây tử vong.

Kiến nghị cấm N2O

Nổi lên như một thú vui của các “tay chơi” trong vài năm gần đây, bóng cười đang có mặt nhan nhản tại nhiều quán bar, vũ trường, thậm chí là các quán cà phê, karaoke, mua về nhà… Chỉ cần gõ tìm kiếm “bóng cười” trên Google hay mạng xã hội, dễ dàng tìm thấy “nhan nhản” địa chỉ bán bóng cười công khai tại TP.Hà Nội, TP.HCM… với cam kết “chuyển hàng ngay, ship tận nhà”. Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi quả bóng cười bán lẻ có mức giá từ 45.000-50.000 đồng. Mỗi bình khí N2O loại 5kg, có giá từ 1-1,2 triệu đồng, nhưng trong nhiều “chương trình khuyến mãi”, giá của mỗi bình này thậm chí chỉ còn 199.000 đồng.

Ton thuong cot song, liet chi vi bong cuoi
 

Khi hỏi về việc mua bán bóng cười, bệnh nhân T. thản nhiên chia sẻ, N2O không phải chất cấm nên một số sinh viên vẫn thường xuyên đặt mua trên mạng và chuyển tới tận nhà. T. và hầu hết bạn bè của mình đều suy nghĩ đơn giản, bóng cười chỉ là một phương tiện giải trí, dùng cho vui chứ không phải là chất gây nghiện. Do đó, những thanh niên này không hình dung được hậu quả nặng nề mà chúng để lại. 

Dù đã chứng kiến từ nhiều năm qua, nhưng tới nay bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên vẫn bất ngờ trước diễn biến phức tạp của ma túy thế hệ mới, trong đó có bóng cười. Bác sĩ Nguyên cho rằng, việc xử lý của cơ quan chức năng hiện nay mới dừng lại ở phần ngọn mà chưa triệt tiêu được gốc rễ của vấn đề. Trong khi đó, tại Mỹ và Anh, khí N2O đã được đưa vào danh mục cấm sử dụng và kinh doanh vì mục đích giải trí, cấm sử dụng trên người cho các mục đích không phải y tế. “Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có quy định cấm N2O. Chất này vẫn đang được sử dụng rộng rãi và dễ dàng”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh. 

Ngoài việc sử dụng trong công nghiệp, N2O cũng là chất được sử dụng trong y tế, làm thuốc gây mê ở dạng hít. Thực tế ở Việt Nam rất hãn hữu sử dụng loại khí này. Bác sĩ Nguyên cũng cho biết, vừa qua, TP.Hà Nội đã rà soát các bệnh viện công và bệnh viện lớn trên địa bàn, kết quả là hầu hết không sử dụng N2O. Chỉ có một đơn vị sử dụng nhưng nhập khẩu số lượng rất ít và được quản lý chặt chẽ. 

Bác sĩ Nguyên kiến nghị: cần thiết phải có quy định cấm sử dụng N2O vì mục đích giải trí và cấm sử dụng trên người khi không có chỉ định của bác sĩ vì mục đích y tế. Chỉ có vậy mới có thể kiểm soát chặt chẽ loại ma túy mới nổi đang được sử dụng tràn lan gây nhiều hậu quả này. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI