Tôn tạo di tích đặc biệt khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán

29/05/2023 - 07:35

PNO - Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán là công trình có giá trị lớn về mặt kiến trúc, lịch sử xã hội thời kỳ thuộc địa cũng như giá trị lịch sử nghề nghiệp (ngành y tế). Di tích sẽ được tôn tạo trong thời gian tới để trở thành điểm du lịch phục vụ công chúng.

Trại giam trong lòng bệnh viện 

Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán đã trải qua khoảng 150 năm tồn tại. Đây là nơi đồng chí Trần Phú - Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam - bị giam giữ và hy sinh. Di tích tọa lạc trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Quán, nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (số 764 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5, TPHCM), là di tích lịch sử quốc gia không chỉ độc đáo tại Việt Nam mà còn rất hiếm có trên thế giới. 

Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tham quan di tích lịch sử khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - ẢNH: THIÊN ÂN
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tham quan di tích lịch sử khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - ẢNH: THIÊN ÂN

Qua một số tài liệu mà Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thu thập được, tiến sĩ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng - Phó giám đốc bệnh viện - cho biết: “Sau khi đánh chiếm thành Gia Định năm 1859, với ý đồ thiết lập một trạm cứu thương nhằm chuẩn bị cho việc tiếp nhận thương binh trong chiến dịch đánh đại đồn Kỳ Hòa, tiến tới xâm chiếm toàn bộ Nam Kỳ, năm 1860, quân đội viễn chinh Pháp đã chiếm khu đất rộng hơn 5ha tại ngôi làng Chợ Quán, nằm giữa Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ các ngôi nhà của những người giàu Việt Nam bỏ lại do chiến sự trên khu đất này, quân đội Pháp đã cải tạo và xây dựng thêm các khu bệnh phòng, tăng số giường bệnh để hình thành một bệnh viện với khoảng 250 giường, lấy tên là Nhà thương Chợ Quán (Hôpital de Cho Quan) thay vì lập một trạm cứu thương như ý định ban đầu. Tháng 2/1861, bệnh viện bắt đầu mở cửa nhận bệnh nhân”. Ông cũng nói thêm: “Thời điểm khu trại giam bắt đầu hoạt động vẫn chưa xác định rõ, nhiều khả năng là từ năm 1874-1875”.

Tu bổ, tôn tạo di tích với kinh phí 100 tỉ đồng
Ngày 25/4, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM có Kết luận số 559-KL/TU về chủ trương thực hiện đề án “Tu bổ, tôn tạo khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - nơi đồng chí Trần Phú hy sinh (6/9/1931)”. 
Khu trại giam sẽ được đầu tư các hạng mục: tu bổ nhà giam nguyên trạng quy mô 822m2; tôn tạo sân vườn cảnh quan tổng thể, hạ tầng kỹ thuật, quy mô 4.178,5m2; tu bổ chốt canh; tôn tạo, xây dựng cổng; xây mới nhà trưng bày quản lý, nhà đón tiếp và hội thảo, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, hệ tường trát giả đá gắn tranh. Tượng đồng chí Trần Phú sẽ được di chuyển vào khu trung tâm di tích sau khi mở rộng. Thực hiện các hạng mục tái hiện, trưng bày bổ sung trong di tích và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư 100 tỉ đồng.

Đề án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: tu bổ, tôn tạo nhà giam, chốt canh theo nguyên trạng khu đất di tích với diện tích 2.211,5m2; giai đoạn 2: mở rộng diện tích là 1.967m2 gồm: xây dựng nhà mới tiếp đón, nhà trưng bày, cổng ngoài, cổng trong, cổng phụ, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, hạ tầng kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy và nội dung trưng bày. 

Khu trại giam đến nay vẫn còn in đậm dấu vết của gông cùm, xiềng xích. Khách tham quan vẫn có thể cảm nhận, nhìn thấy dấu tích của cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Từ cổng bệnh viện đi vào, khu trại giam nằm bên phải. Đây là một dãy nhà trệt, màu vàng và tách biệt với không gian bệnh viện bằng hàng rào sắt cố định. Toàn khu trại giam xây như hình chữ U.

Là người làm việc và gắn bó nhiều năm ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM - nhấn mạnh: “Chúng tôi tự hào có Bệnh viện Chợ Quán gắn liền với nhà tù - di tích lịch sử cách mạng. Cả 2 là một thể thống nhất thiêng liêng”. Theo tài liệu ghi lại, thời chống Pháp, tù nhân là bệnh nhân nằm trên sàn gỗ. Thời chống Mỹ, bệnh nhân nằm trên bục xi măng, tay chân vẫn bị cùm xích. Trong mỗi phòng giam có xây thêm bục xi măng, lát gạch bông màu xanh nhạt. 2 dãy nhà theo 2 cạnh của hình chữ U có tường xây kín. Quanh tường dãy ngang có cửa sổ lưới sắt. Từ cửa trại giam đi vào, bên phải là phòng y tá, phòng giam lớn - giam khoảng 20 người - có cửa sổ lưới sắt. Kế đến là 2 phòng giam lớn và 2 phòng giam nhỏ. Giữa lối đi có xây thêm 1 bức tường từ cửa ra vào đến cuối dãy nhà, ngăn cách các phòng giam bên trái và bên phải. Ngoài ra, có 2 phòng giam nhỏ dùng để giam riêng tù nhân, cuối dãy có 3 phòng vệ sinh nhỏ. Khu cách ly với 4 phòng cá nhân kế tiếp nhau ở đầu dãy, 2 phòng lớn ở cuối dãy. Tại đây, căn phòng cá nhân - nơi đặt thi hài đồng chí Trần Phú - là phòng 3A (có kích thước 2,1m x 3,6m), trong phòng có bục xi măng (1,15m x 2m). Cửa sổ phòng giam có lưới sắt cao. 

Khuôn viên bên trong di tích lịch sử cấp quốc gia  khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - ẢNH: THIÊN ÂN
Khuôn viên bên trong di tích lịch sử cấp quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - ẢNH: THIÊN ÂN

Tu bổ, tôn tạo nhưng phải giữ nguyên giá trị lịch sử 

Tại hội thảo khoa học tầm quan trọng, giá trị lịch sử khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán (do UBND quận 5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bảo tàng TPHCM phối hợp tổ chức ngày 26/5), Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định: “Việc tu bổ, tôn tạo di tích theo nguyên trạng, đảm bảo các hạng mục phù hợp về thiết kế kiến trúc cảnh quan, yếu tố lịch sử, chất lượng công trình, độ bền vật liệu, đúng tiến độ. Tôi tin tưởng rằng, sau khi tu bổ, tôn tạo, tổ chức trưng bày lại và thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, khu di tích lịch sử cấp quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán là công trình xứng tầm di tích quốc gia, đáp ứng được nhu cầu về tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử cách mạng của người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung”. Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức hy vọng dự án sẽ hoàn thành vào ngày 1/5/2024, đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Trần Phú.

Tiến sĩ Huỳnh Bá Lộc chia sẻ: “Một di tích sẽ kể cho chúng ta nghe câu chuyện về lịch sử và đời sống cộng đồng. Cùng đó là những ký ức lịch sử đan xen, chồng lên nhau qua những lớp trầm tích lịch sử, văn hóa”. Theo ông, khách tham quan luôn có nhiều nhu cầu khác nhau. Người có nhu cầu tìm hiểu di tích, di sản nhưng có khách lại muốn khám phá một địa chỉ lịch sử, văn hóa. Chính vì vậy, di tích khu trại giam cần được bảo tồn nguyên trạng gắn với các giá trị lịch sử, tích hợp với các giá trị về mặt kiến trúc, đương đại, lịch sử đô thị, ngành nghề… Cần tạo không gian có tính trải nghiệm tốt hơn vì thực tế khi nghe tham quan trong khuôn viên bệnh viện nhiều người vẫn còn cảm giác e ngại. Chúng ta có thể vận dụng công nghệ để xây dựng điểm đến với các hoạt động nghe nhìn đa dạng, có tính trải nghiệm cao. Mời gọi cộng đồng tham gia thông qua việc xây dựng khu di tích thành một điểm đến trong chuỗi di tích, di sản của thành phố, trong các chương trình “city tour” hay “cách mạng tour”. 

Di tích lịch sử cấp quốc gia

Ngày 16/11/1988, khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong suốt thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, khu trại giam đã từng giam giữ nhiều đồng chí cách mạng như: Hà Huy Tập, Trần Não, Nguyễn Văn Trỗi… Đặc biệt, đồng chí Trần Phú cũng bị giam giữ, tra tấn và hy sinh tại đây vào ngày 6/9/1931.

Sau khi tìm hiểu và tham quan thực tế di tích, thạc sĩ Nguyễn Thị Hà - giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - nhận định: “Sau gần 150 năm, khu trại giam dần xuống cấp. Các mảng tường bị bong tróc, rêu phong, song sắt hoen gỉ, hệ thống mái có nguy cơ sập đã được kè chống tạm thời. Nhiều hạng mục của di tích đã xuống cấp trầm trọng, các phòng giam đóng cửa ngừng phục vụ”.

Theo bà, điều cấp thiết bây giờ là tôn tạo những nơi có dấu hiệu hư hỏng, phá hủy nhưng không được làm mất đi sự đồng bộ của di tích. Sau đó, có thể đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác sưu tầm, hoàn thiện tư liệu lịch sử và hiện vật, nâng chất nguồn nhân lực. Cũng có thể thiết lập một khu dùng để trưng bày riêng biệt, còn khu trại giam chỉ dùng để tham quan và đặt một số chỉ dẫn. Tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok… để tạo sự lan tỏa, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. 

Thiên Ân

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI