Cứ khoảng 11g trưa mỗi ngày, quán chay Tùy Tâm nằm trên đường Ngô Gia Tự (quận 10, TPHCM) lại tấp nập, đông nghẹt người tới ăn với mọi thành phần trong xã hội như: bán vé số, giao hàng, người thăm nuôi bệnh, sinh viên... Không gian quán không có nhiều chỗ trống nhưng chị chủ quán Vương Kim Long (36 tuổi) luôn niềm nở, cố gắng sắp xếp chỗ ngồi để đảm bảo không ai phải chịu nắng.
Sống là rèn luyện sự tử tế
Mỗi ngày, chị Long cùng các nhân viên của quán bắt đầu công việc từ 6g sáng với các khâu cắt rửa, sơ chế cho đến chế biến các món ăn để kịp mở cửa đón bà con lao động tới ăn từ sớm nhất là 10g30 cho đến khi hết món là 13g. Cứ như thế, trong một ngày, cùng với 2 chi nhánh khác, các quán ăn từ thiện mang tên Tuỳ Tâm cung cấp khoảng 800 suất ăn đến người lao động.
|
Quán của chị Long mỗi ngày đón hàng trăm người đến ăn |
Thực đơn của quán chỉ đơn giản mỗi món cơm chay bao gồm thêm rau xào, sườn chay, đậu hũ chiên sả. Chị Long chia sẻ, trước đây mỗi ngày quán phục vụ mỗi món khác nhau, nhưng sau một thời gian, chị nhận ra, đối với những người lao động, cơm vẫn là món dễ phục vụ, dễ ăn và chắc bụng nhất.
Mỗi món ăn trước khi phục vụ cho khách luôn được chị Long nhắc nhở nhân viên đảm bảo đủ. Vừa quán xuyến công việc trong bếp, vừa đón tiếp, sắp xếp chỗ ngồi cho khách sao cho hợp lý, nhưng nguồn năng lượng trong chị Long chưa khi nào sụt giảm. “Hôm nay ăn ngon không chú?’, “Cô ăn đầy đủ hay sao, đợi chút con bưng đồ ăn ra liền”, chị Long chốc lát lại hỏi vài thực khách với nụ cười tươi trên môi.
Quan điểm của chị là không đặt nặng vấn đề ai sẽ là thực khách mà quán hướng tới, bất cứ ai cần có một bữa cơm thì chị luôn sẵn sàng tiếp đón. Với mức giá 5.000 đồng cho một bữa ăn, chị Long mong muốn những người lao động đến với quán trong tâm thế là người đi mua, họ trả tiền, không mắc nợ ai và được phục vụ như khách bình thường. “Tùy Tâm là tùy ở khách hàng, ở quán mọi người sẽ bỏ tiền vào thùng, chỉ có khách biết mình bỏ bao nhiêu, bỏ ít hơn 5.000 đồng hay không trả tiền cũng được, nếu trả nhiều hơn thì coi như giúp quán có thêm kinh phí lâu dài” - chị Long chia sẻ thêm.
Đầu năm 2020, sau khi đã tích cóp đủ số vốn, cuộc sống ổn định, chị Long nghỉ công việc bảo mẫu trước đây để cùng chồng mở quán chay từ thiện đầu tiên với mặt bằng chỉ rộng tầm 10m2. Sau đó vài tháng, dịch COVID-19 bùng phát, chị quyết định mỗi ngày sẽ phát miễn phí 200 phần cơm chay miễn phí cho bà con nghèo. Cho đến nay, sau gần 4 năm, quán chay Tùy Tâm đã phát triển lên 3 chi nhánh. Nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào chính số tiền mà vợ chồng chị Long đã xoay xở, tích cóp và dự trù sẵn, chị chưa mong cầu nhận được sự hỗ trợ nào từ mạnh thường quân. Chị Long nói thêm: “May mắn là khi mình làm việc ý nghĩa, có người họ thương, cho thêm gạo, đường, mắm, có khi cho tiền nữa, chị rất là biết ơn, nhưng chung quy cái đó là tùy duyên, chứ không nhận tài trợ”.
|
Chị Long luôn tươi cười đón khách |
Các nhân viên của quán chay Tùy Tâm đều là những người xa lạ đối với chị Kim Long, họ tìm đến quán chỉ mong được góp chút sức để làm những việc có ý nghĩa, mỗi người phụ trách một công đoạn từ: lặt rau, cắt đồ ăn, rửa chén... Anh Nguyễn Thanh Sang (nhân viên quán được 3 năm) kể: “Trước đây mọi người đến quán đều góp công miễn phí, sau này, chị Long muốn mở rộng mô hình này lên để giúp được nhiều người hơn nên cũng hỗ trợ mỗi người một khoản lương, tuy không cao nhưng cũng đủ sống”. Bên cạnh đó, trong quá trình phục vụ giờ trưa, chị Long vẫn không quên nhắc các nhân viên nếu có đói thì cứ ăn liền, bởi chị cũng từng trải qua những ngày tháng đi làm mướn cực khổ để kiếm tiền mưu sinh.
Làm việc thiện để trả ơn cuộc đời
Chị Vương Kim Long cho biết, dù chỉ còn 2.000 đồng nhưng khi thấy người khác khổ, chị sẵn sàng cho người ta hết số tiền đó còn mình thì nhịn. Từ quê miền Tây lên thành phố lập nghiệp, chị đã làm qua biết bao công việc nặng nhọc như: bảo mẫu, chà toilet, dọn vệ sinh, phục vụ quán ăn… Khi mẹ chồng bị ung thư, cuộc sống khó khăn, chị Long từng phải xếp hàng để nhận cơm từ thiện, khi ấy chị nghĩ rằng, "sao trên đời này nhiều người tốt quá!” Từ những việc đó, chị mở quán cơm này, như cách trả ơn cuộc đời.
|
Thực khách sau khi ăn xong sẽ tùy tâm bỏ tiền vào thùng |
Khi cuộc sống ổn định, chị Long bày tỏ nguyện vọng muốn mở quán chay, và nhận được sự ủng hộ từ cả hai bên gia đình nội ngoại. Đặc biệt, chị nhận được sự ủng hộ của chồng là anh Đặng Hoàng Nhân (34 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM). Tuy nhiên, sau 1 năm quán hoạt động với nhiều khó khăn, tốn nhiều công sức, đồng thời gặp không ít những lời tiêu cực, gièm pha như “hai vợ chồng ở không đi lo cho thiên hạ, đồ khùng!”, có lúc anh Nhân khuyên chị Long nên dừng lại. Khi thấy chị quyết đi đến cùng, anh lại tiếp tục đồng hành cùng vợ.
Khi được hỏi tại sao lại chọn quán chay, chị Long chia sẻ rằng chị không ăn chay, cũng chẳng theo tôn giáo nào cả. “Khi mở quán cho người lao động khó khăn, các cô chú chỉ cần có đồ để ăn, không lựa chọn nhiều. Quan trọng là nấu chất lượng, đảm bảo, đàng hoàng thì cô chú vẫn ăn, mình đỡ phải sát sanh nhiều sinh linh” - chị nói.
Chị quan niệm “Tôn giáo của tôi là sự tử tế”. Trong đó, tử tế là không tranh giành quyền lợi, không tổn thương người khác, biết chia sẻ và đôi khi là tổn thương chính mình để người khác được hạnh phúc. Vì thế, chị luôn cố gắng, động viên bản thân mỗi ngày theo đuổi, rèn luyện sự tử tế. Chị chia sẻ thêm: “Khi mở quán, tiếp xúc đủ mọi thành phần trong xã hội, người hiền, người khó tính, tất cả họ là những người không bình thường, chính vì thế họ cần sự giúp đỡ và chia sẻ yêu thương. Bởi vậy nhiều khi nói vui, hạnh phúc của tôi bây giờ có khi chỉ là được tiếp xúc với những người không bình thường”.
Mỗi thực khách đến quán Tùy Tâm sau khi ăn xong đều tự dọn dẹp ngay ngắn chén dĩa vào một góc rồi bỏ tiền vào thùng ngay cửa ra vào. “Tui biết quán chay này lâu rồi, cô chủ tốt bụng mà thương người nghèo lắm, đồ ăn lại ngon nữa. Có hôm bán được, tui cũng bỏ dư thêm chút đỉnh ủng hộ quán” - bà Nguyễn Minh Nhâm (56 tuổi, bán vé số, ngụ quận 10, TPHCM) xúc động nói.
Em Phạm Huy Lâm (19 tuổi, sinh viên, ngụ quận 5, TPHCM) cho biết: “Từ ngày biết đến quán chị Long, mỗi ngày em tiết kiệm được phần nào tiền ăn, phần còn dư cộng với tiền đi làm thêm, em để dành đóng học phí”.
Khi được hỏi mong ước điều gì, chị Long nói, chị chỉ mong có sức khỏe để duy trì công việc này, giúp đỡ thêm nhiều người khác, và cố gắng cải thiện chất lượng món ăn tốt hơn nữa.
Ngoài công việc vận hành quán chay Tùy Tâm, chị Long cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện khác. Mỗi tháng, chị cùng chồng đều dành 2 ngày để nấu cơm tại một mái ấm ở quận Gò Vấp. Anh chị cũng thường xuyên nấu cơm đem vào bệnh viện tặng cho các bệnh nhân khó khăn. Chị còn tặng quan tài cho những trường hợp qua đời nhưng không có quan tài để mai táng. |
Minh Triết