Dịch COVID-19 khiến kỳ tuyển sinh lớp 10 của nhiều tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nỗi lòng các phụ huynh có con thi chuyển cấp năm nay cũng phấp phỏng theo những lịch thi dời liên tục hoặc "thi chạy dịch" của các tỉnh.
Hiện đã có một số địa phương tranh thủ lúc dịch "êm" để gấp rút tổ chức thi tuyển vào lớp 10. Trong bối cảnh nhiều vấn đề xã hội, đề thi tuyển sinh lớp 10 của các địa phương hầu hết bám sát thực tế. Tuy nhiên, không phải đề thực tế nào cũng “dễ xơi”, dù được các hội đồng chuyên môn đánh giá cao về tính thực tiễn, hấp dẫn.
|
Học sinh Hà Nội đã hoàn thành 2 môn cuối của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ngày 17/6 |
Thử xem qua một đề thi gây tranh cãi của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 dành cho học sinh chuyên văn tỉnh Đồng Nai vừa qua. Trong đó, câu số 1 của đề thi yêu cầu học sinh nêu lên suy nghĩ, quan điểm của bản thân về một vấn đề thường gặp:
“Tốn bao nhiêu tiền ăn học, tại sao điểm thi thấp thế này? Sao chỉ có ăn với học mà làm cũng không xong? Con phải cố gắng đậu trường A, bố mẹ đặt hết kì vọng vào con”. Đó là những lời bố mẹ luôn nói với tôi. Lúc ấy, tôi chỉ muốn trả lời rằng: “Con muốn sống một cuộc sống bình thường nhưng sống bình thường cũng rất khốc liệt”.
|
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ Văn của khối chuyên Văn tỉnh Đồng Nai gây xôn xao mạng xã hội. Ảnh: internet |
Thế nào là một cuộc sống “bình thường khốc liệt”? Đây không phải câu hỏi quá hóc búa. Nhưng đòi hỏi học sinh phải đặt mình vào hoàn cảnh: bị bố mẹ đặt kì vọng quá nhiều, từ đó, tạo ra nhiều áp lực buộc con phải giỏi bằng người này người kia, rồi tương lai thành đạt giỏi giang, làm ông này bà nọ, có chức cao, quyền trọng…
Cái “bình thường khốc liệt” của các em - những đứa trẻ thế hệ “gà công nghiệp”, chỉ ăn ngủ học hành, mọi nhu cầu khác đều được chăm bẵm tận răng - có thể là những giờ học miệt mài liên tu bất tận từ trường về nhà, từ nhà đến lớp học thêm, lớp năng khiếu, âm nhạc, hội họa, ngoại ngữ, tin học…
Cái bình thường khốc liệt của các em, ở việc không được tự do làm những điều mình thích, mà phải làm những điều ba mẹ thích. Có thể các em không có năng khiếu, nhưng ba mẹ buộc chúng phải có năng khiếu. Để chi, để khoe, để người khác biết con mình giỏi giang thế này này, để hãnh diện sướng vui theo từng cái "like" cái "comment" khen ngợi của bạn bè cõi mạng dành cho con mình…
Hay cái bình thường khốc liệt ấy, cũng chỉ là một ước muốn nhỏ nhoi mà con không được phép thực hiện, như là con thèm cùng bạn một lần lê la quán trà sữa trước cổng trường, ngồi túm tụm bên mấy ly trà sữa, đùa vui. Những hoạt động giản đơn ấy có bao giờ con được phép tham gia, bởi chưa tới giờ tan trường ba mẹ đã đậu sẵn xe hơi, chờ thấy con là lùa vội lên xe, về nhà có cơm ngon canh ngọt chị giúp việc nấu.
Tôi biết điều này qua bạn bè của con, những đứa trẻ nhà giàu nứt vách. Bản thân chúng rất hòa đồng, mến bạn, nhưng chính sự kỳ vọng của ba mẹ về một tương tai sáng lóa khiến chúng bị tách ra khỏi cuộc sống hồn nhiên, trong trẻo. Mới tí tuổi đầu, chúng phải bơi trong "biển mộng" của ba mẹ. Chúng đang sống giùm người khác, chẳng phải sống cuộc đời của mình.
|
Nhiều phụ huynh khen đề thi hay. Ảnh: Internet |
Với cách ra đề này, nhiều phụ huynh nức lòng. Là bởi, không phải phụ huynh nào cũng áp đặt con, nhưng rõ ràng ai cũng kỳ vọng con có một cuộc sống tươi sáng, tốt đẹp. Nhưng, có lẽ đã đến lúc cần phải nhìn lại và cân nhắc về sự kỳ vọng của mình. Kỳ vọng không có nghĩa là gây áp lực cho con, tước mất tự do, quyền định đoạt cuộc sống của chúng.
Một điều bất ngờ hơn, đây là đề thi của khối chuyên Văn. Học sinh chuyên vốn “không phải dạng vừa”. Chắc chắn, để vào trường chuyên lớp chọn, các em dồn sức rất nhiều cho việc học. Và có thể, ngay trong kỳ thi này, nhiều em thi chuyên không phải vì mong ước của chính mình, mà là vì sự kỳ vọng của ba mẹ. Đề thi sẽ giúp các em có cơ hội bày tỏ quan điểm, nguyện vọng, giải tỏa những bức bối...
Sau kỳ thi, mạng xã hội chộn rộn bởi đủ cung bậc cảm xúc. Người thì nức nở khen đề hay, vì nó đặt học sinh vào tình huống phải giải quyết bằng cách động não. Người lại lo ngại nó quá sức với lứa tuổi con em mình. Thậm chí có người cho rằng: “Cả hai câu đều khiến học sinh già đi trong 150 phút làm bài. Làm xong chắc mệt đứt hơi!”…
|
Người thì hài hước cho rằng đề thi khiến học sinh già đi trong...150 phút làm bài! Ảnh: Internet |
Các đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay có lẽ “tạo sóng” nhiều hơn các năm trước. Bên cạnh nhiều đề thi hay, phù hợp với năng lực của học sinh thì cũng có đề thi gây “nổ não”. Cách đây không lâu, một đề thi Văn gây sóng gió khắp các diễn đàn, các trang báo chí. Nó khiến những nhà giáo ưu tú không kềm nổi cơn tức giận bởi trình độ kém cỏi, thiếu chuyên nghiệp của người ra đề.
Kỳ thi tuyển sinh đại trà tỉnh Đồng Nai công bố điểm ngày 13/6. Kỳ vọng của cha mẹ về con có thoả hay không, có thể đã có đáp án dưới mỗi mái nhà. Tuy vậy, với các phụ huynh ở các tỉnh thành đang gồng sức chống dịch như TPHCM, tinh thần đa số phụ huynh vẫn căng như dây đàn khi năm học kéo dài trong sự chờ đợi, mệt mỏi. Nếu thành phố tiếp tục các đợt giãn cách liên tiếp, chưa biết khi nào kỳ thi tuyển sinh 10 mới có thể thực hiện.
Trên các group phụ huynh, nhiều cha mẹ động viên nhau: Giữa lúc dịch dã hiểm nguy thế này, tâm lý của nhiều đứa trẻ bị ảnh hưởng, không nên ép các con ôn luyện quá mức. Học hành thi cử không phải là mục tiêu lớn nhất, sống bình thường khoẻ mạnh trong an toàn mới là quan trọng...
Trần Huyền Trang