Chuyện đi đường
Từ Sài Gòn, cách đi tiện, rẻ nhất là các chuyến xe khởi hành lúc 4-5g sáng, đến Pakse lúc 5-6g chiều, giá vé khoảng 800.000 đồng, có bao ăn uống hai bữa sáng, trưa, hỗ trợ làm thị thực... Thường các bạn trẻ đi theo chuyến xe này sẽ dừng ở ngã ba, vào khu vực 4.000 đảo Siphandon nổi tiếng để tham quan, rồi mấy hôm sau mới đi tiếp đến Pakse.
|
Những xanh ngời rêu phong Tomo gợi bao suy ngẫm chuyện hưng phế cuộc đời |
Ở Pakse, có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ thượng vàng hạ cám đều có đủ, cũng như tấp nập khách du lịch quốc tế. Nhiều chủ khách sạn, nhà hàng là người Việt, hoặc có nhân viên người Việt, nên giao tiếp khá dễ dàng. Rất nhiều tour đi tham quan nếu không muốn tự đi. Nếu bạn thuê xe máy để tự đi cũng chỉ chừng 120.000-150.000đ/ngày. Bên cạnh các món ăn quốc tế hóa đa dạng, du khách quen món Việt rất dễ tìm thấy phở, hủ tíu, cơm tấm… khắp nơi.
Tỉnh Champasak, miền Nam nước Lào, với thủ phủ là thành phố Pakse không quá xa lạ với dân Việt, người làm ăn lẫn khách du lịch. Từ các tỉnh Tây Nguyên mỗi ngày đều có nhiều chuyến xe xuôi ngược đi về.
Ở Sài Gòn, có những chuyến xe đò đi lúc sáng sớm, chiều muộn đã có mặt ở phố. Đi loanh quanh không khó lắm để nghe tiếng quê hương, cũng như nhìn thấy những bảng biểu chữ Việt của bà con mình từ hồi lâu lắc cuối thế kỷ XIX đầu XX lưu lạc sang, cũng như làn sóng mới những năm gần đây.
|
Đường đến Tomo ngang qua những xóm làng bình yên nép dưới cội cổ thụ um tùm |
Với dân lữ hành, miệt này sở hữu khu di sản danh giá được UNESCO vinh danh thế giới - những đền đài Wat Phou. Nằm ngay ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia “một con gà gáy ba nước cùng nghe” nên rất tiện đường đất ngang qua dọc lại. Tỷ như chuyến xe đò từ Sài Gòn nói trên, phải qua bên Campuchia, đi một đoạn rồi mới sang xứ Lào. Coi như hành trình chỉ một ngày được đi qua ba nước càng góp thêm phần thú vị.
Chưa kể là miệt này ngoài Wat Phou còn kha khá những địa danh du lịch nổi tiếng như Thiên đường Tây Balô Siphandon, thác Khone Phapheng lớn nhất Đông Nam Á, cá heo nước ngọt (mình gọi là ông nược) tung tăng giỡn sóng Mekong… nên cũng là đích đến khá phổ biến. Nhưng ít ai nghe nhắc đến những đền chùa Wat Tomo. Cũng như cả buổi sáng rị mọ trong đó, chỉ mình tôi lang bang giữa những huy hoàng ngày nao giờ chỉ còn là đá xưa xanh ngời rêu phong.
|
Khoảnh khắc mạo hiểm vượt Mekong mùa lũ ngày mưa trên hành trình tìm đến Tomo - Wat Phou không dành cho những ai yếu tim. Bao người, xe giao hết sinh mạng cho hai em ‘’tài công’’ chừng mới hơn 10 tuổi và con phà tự chế mong manh. |
Những đền đài Wat Tomo, còn gọi là Um Muang hay Uo Moung, dành để thờ phụng nữ thần Rudrani, vợ của vị thần hủy diệt Shiva, Hindu giáo. Nằm ngay bên nhánh sông nhỏ cùng tên rồi sẽ đổ ra sông mẹ Mekong.
Wat Tomo đã có từ thế kỷ thứ VII-IX, lúc đó cũng chẳng kém cạnh mấy với Wat Phu lừng danh chưa được xây dựng lại hoành tráng. Đến thế kỷ XII-XIII, thời kỳ đế quốc Khmer hùng cứ tận đây, vua Yasovarman I đã cho xây dựng lại Wat Tomo với 102 chùa tháp lớn nhỏ, theo bia ký thời đó ghi lại.
Rơi vào hoang phế từ ngày triều đại Khmer thu nhỏ dần sau những chiến bại, miền phù sa màu mỡ ven Mekong cũng đã góp phần khá lớn để đưa Wat Tomo về miền quên lãng. Những cội cổ thụ to mấy người ôm giờ đây bời bời vây quanh, mọc trên những đống đá xám - dấu tích của đền đài xưa.
Rõ ràng, rất khác với những cuộc chiến còn chưa phân thắng bại giữa mẹ thiên nhiên với những ngôi đền đá ở miền Siem Reap, Sambor Prei Kuk… ở đây sự thua cuộc đã rất rõ. Đám cây già thi nhau xô ngã kiến trúc xưa, lừng lững che rậm rịt tầng không, bên dưới lũ rêu xanh chẳng bỏ lỡ cơ hội phủ miệt mài đá cũ. Tạo nét kỳ bí, có phần hơi rợn rợn nhất là không khí ẩm ướt, lại vắng vẻ khách tham quan lẫn người bảo vệ.
|
Những nét xưa trên đá ngàn năm tuổi vẫn khá tinh tế, duyên dáng ở Tomo |
May mắn thay, vẫn còn sót đây đó vài góc Tomo sừng sững cho thấy dấu xưa huy hoàng. Vài vạt tường đá xám, mấy cây cột cao to với các thanh đà giằng rộng lớn chỉ dấu đền xưa từng to lớn nhường nào.
Dù nhiều mảnh vỡ điêu khắc có giá trị của Tomo đã được đưa về trưng bày trong bảo tàng Wat Phu, nhiều mảng miếng tường đá pho tượng sót lại vẫn tỏ nét tinh xảo, linh động rờ rỡ…
Dấu vết Khmer rõ nhất qua những tượng rắn thần Naga cũng như những phù điêu mềm mại quen thuộc, vài linga, yoni đá mà ai từng đến thăm miền Đế Thiên, Đế Thích đều rất rõ.
Không rạng ngời như bên xóm giềng Wat Phou danh giá, bên cạnh chút xót xa cho những giá trị xưa cũ giờ tàn phai, Wat Tomo như một nốt ngân xanh dịu nhẹ. Rất phù hợp cho du khách thích những miền yên vắng thanh bình, yêu mến mẹ thiên nhiên, ngay cả khi biết rất rõ rằng đó là nguyên nhân chính của những đổ vỡ, rêu phong Wat Tomo.
Trần Thái Hoãn