LTS - Bạn còn nhớ cô giáo đầu tiên dạy mình chữ i tờ thời thơ ấu? Bạn luôn nhớ người thầy giáo đặc biệt trong cuộc đời mình? Có người tuy không dạy bạn chữ nào nhưng vẫn là người thầy đúng nghĩa đối với bạn? Ai trong chúng ta cũng có người thầy không thể quên của riêng mình.
Chuyên mục “Thầy tôi” dành để bạn chia sẻ câu chuyện về những thầy cô giáo đáng kính, đã, đang và mãi mãi vun đắp cho bạn, cho chúng ta, cho cộng đồng biết bao điều tốt đẹp.
Mời bạn chia sẻ câu chuyện hay, đẹp về thầy cô giáo của mình kèm hình ảnh đến hộp thư: online@baophunu.org.vn.
|
Kính dâng hương hồn thầy Lê Sỹ Tiến – nguyên Hiệu trưởng trường PTCS Hồng Bàng, TP.HCM
Song cửa nhà ai chợt vọng sang giọng hát của ca sĩ Tuấn Ngọc “Tôi yêu thầy tôi lắm, nhớ tiếng nói vang vang”. Tay tôi đang mở album hình lưu giữ trong thư viện ảnh trên điện thoại, bất giác run run. Những tấm hình vẫn còn đây. Chúng tôi đấy, những đứa học trò cấp II thuở nào, giờ đầu đã hai thứ tóc, 22 năm mới tìm gặp lại được thầy cô, bạn bè.
Thế hệ 7X, ra trường, cúi đầu chào thầy, chào cô, vẫy tay chào bạn bè – một lần là mất hút! Thời ấy làm gì có điện thoại, internet, Facebook để lưu giữ tin nhau. Những đứa trẻ thơ mới 15 tuổi đầu, mỗi người một phương. Cấp III, rồi đại học, ra trường, lập gia đình, sinh con đẻ cái. Chúng tôi lạc mất nhau.
Thầy trò cùng về thăm lại mái trường xưa
|
Nhưng, dù cho tôi có cố biện minh cho mình một lý do nào, cũng không thể nào thứ tha được việc một lần xa trường là xa mãi mãi. Những người đưa đò vẫn ở bến xưa, chỉ có kẻ lữ hành đi một lần là đi mãi…
Vì sao tôi đã không về trường? Vì sao tôi đã không còn giữ liên lạc với thầy cô? Tôi đã hàng ngàn lần chất vấn mình không khoan nhượng, để ngày gặp lại, tôi vòng tay cúi đầu thật sâu chào thầy, là một vòng thời gian 22 năm!
Thầy trò tìm lại nhau là nhờ Facebook. Đứa học trò nhỏ nhít ngày xưa giờ mới biết “quyền lực” đáng sợ của thời gian. Hối hả xin thầy địa chỉ. Hối hả sắp xếp cái hẹn chung nhất cho các bạn, vì ai ai cũng tất bật công việc, gia đình. Hối hả chạy đi đặt mua cái khánh. “Lương sư hưng quốc”. Mãi 22 năm chúng tôi mới có được chút kỷ niệm bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với thầy.
“Thầy ơi…”. Tôi chỉ kịp kêu lên hai tiếng rồi òa khóc. Thầy tôi đó. Giờ tóc bạc, da mồi, run run đứng tận cửa nhà đón từng đứa học trò. Thầy tôi đó. Giờ mang trong người chứng bệnh nan y!
Tôi cuống cuồng trước thời gian. Mỗi tuần một ngày đến thăm thầy. Có ai ngờ thầy hiệu trưởng nghiêm nghị ngày xưa, giờ cầm đàn guitar hát cho tôi nghe: “Trường làng tôi, cây xanh lá vây quanh, muôn chim hót vang lên êm đềm…”.
Ngồi bên thầy, cuộn phim quá khứ tua lại thật chậm. Này là con bé tôi mới tròn 11 tuổi, rụt rè bước vào ngôi trường cấp II. Này là những tháng ngày thầy dạy tôi lớp chuyên toán. Rồi những tháng ngày được chọn học bồi dưỡng để đi thi chuyên văn. Giờ sinh hoạt dưới cờ…
Tất cả đều in đậm bóng dáng người – thầy hiệu trưởng yêu học sinh như con. Tôi làm sao quên được, giờ ra chơi đứng trên hành lang lớp nhìn xuống sân thường thấy dáng thầy đi lững thững. Hỏi thăm em học trò này. Ngồi trên ghế đá trò chuyện cùng em học trò kia…
Tôi ngày đó, đã vô cùng ấn tượng về thầy. Dạy chuyên toán nhưng thầy rất yêu văn học, thơ phú. Có lẽ cũng nhờ thầy mà tôi dần được hun đúc, truyền trao niềm đam mê văn chương. Dù ngày ấy sở thích chưa rõ nét. Nhưng tôi biết, nếu mình cố gắng học tốt, đi thi đạt giải, sẽ khiến thầy vui, nở nụ cười thật hiền.
Rồi tình yêu văn chương len lỏi vào tôi lúc nào chẳng rõ. Và, trong hành trình dằng dặc gắn mình với con đường liên quan đến chữ nghĩa, tôi luôn nhớ về thầy – một trong những thầy cô đã truyền cho tôi tình yêu mạnh mẽ đối với môn văn.
Ngày ấy, thầy nghiêm nghị xiết bao. Dẫu có nhiều dịp gặp gỡ thầy, nhưng đối với tôi dường như vẫn có một khoảng cách. Vì thầy là thầy hiệu trưởng. Còn thầy lúc này thật hiền lành, như người cha, người chú.
Những ngày tôi đến thăm thầy, là những lúc kỷ niệm của cả hai thầy trò về mái trường xưa bừng tỉnh giấc. Miên man chuyện vui chuyện buồn. Và thầy của hiện tại, còn quan tâm chuyện công việc, cuộc sống của tôi. Đề nghị dạy bồi dưỡng toán cho con tôi trước kỳ thi chuyển cấp.
Thầy tất tả ngồi xe ôm đến trường, tìm tài liệu sách vở liên quan còn lưu giữ trong thư viện. Thầy say sưa dạy, dù không ít lần phải nghỉ mệt rất lâu vì căn bệnh nặng vẫn đang hoành hành. Vậy đó.
Chúng tôi đã kịp lưu giữ thêm vài kỷ niệm. Thầy, tôi và con tôi – mỗi người kịp một lần được chúc mừng sinh nhật của nhau. Tôi kịp một lần được mua tặng thầy chiếc áo sơ mi bằng chính tiền của mình, như con dâng tặng cha mẹ món quà trong tháng lương đầu tiên.
Dịp ấy là ngày Hiến chương nhà giáo. Mẹ con tôi cũng kịp đến chúc tết thầy hôm mùng 3. Rồi thôi. Tất cả với chúng tôi chỉ ngắn ngủi có vậy!
Ngày thầy mất, dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng tôi không khỏi bàng hoàng, thảng thốt, đau đớn. Đoạn đường mà một năm nay tôi đều đặn mỗi tuần mỗi đến thoắt nhòe mờ trong nước mắt. Tay lái chênh chao.
Chúng tôi – những học trò cũ, chỉ kịp một lần chở thầy về thăm lại trường xưa. Nắm tay thầy, đi dạo trong sân trường, kỷ niệm ùa về chật lối. Những ngày tháng cuối cùng, tôi chỉ kịp xin phép thầy được gọi hai tiếng “Bố ơi!”…
Nên hôm ấy, chạy theo sau chiếc xe tang, tôi vẫn tự hỏi lòng: Mình đã làm gì suốt 22 năm qua, để những ngày tháng gặp lại chẳng kịp làm được bất cứ điều gì. Kẻ qua sông đi mải miết, đã không một lần quay lại tìm gặp người đưa đò năm nao…
Xe tang đã dừng lại trước cổng trường PTCS Hồng Bàng (Q.5). Từng hàng dài học sinh đứng cúi đầu trước linh cữu thầy hiệu trưởng kính yêu, một người đã cống hiến cho nền giáo dục những thành tựu vô giá. Tôi cúi đầu trước Người. Thầy ơi! Bố ơi!...
Đồng Lâm Khánh Thủy