Tôi xin đầu hàng, không thể cố gắng vì gia đình nữa

24/11/2022 - 06:10

PNO - Trong khung cảnh nhá nhem, tôi thấy anh ngồi trong quán nhậu, cạnh bên là em gái phục vụ chờ sẵn rót bia. Còn tôi đứng chết trân, cả người ướt mèm.

Từ bé, tôi sống trong gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly hôn, nên bao giờ tôi cũng khao khát có được một mái ấm trọn vẹn. Học xong đại học, đi làm được một thời gian ngắn thì tôi đồng ý làm vợ anh.

Cuộc sống khi đó của cả hai khá thoải mái, anh hơn tôi những 6 tuổi nên đã ổn định về mặt công việc, là sếp của một phòng. Còn tôi khi ấy đầy nhiệt huyết đi làm, được mọi người quý mến và nâng đỡ. Tôi đã vẽ ra nhiều kế hoạch cho tương lai, những dự định kinh tế, con cái, cuộc sống tinh thần của cả nhà…

Về ở chung với nhau được chưa đầy nửa năm thì mẹ anh bệnh nặng. Bà phải chuyển lên TPHCM để tiện điều trị. Anh xung phong chăm sóc mẹ, đón mẹ lên ở cùng. Dù sao thì nhà cũng chỉ có anh là ổn định nhất ở thành phố này. Trong một đêm muộn, anh thủ thỉ ngỏ ý muốn tôi hi sinh, nghỉ việc để chăm mẹ.

Tôi rơi vào thế không thể từ chối. So với anh, công việc của tôi có thu nhập ít hơn rất nhiều, lại mới đi làm chưa lâu. Suy nghĩ một lúc thì tôi cũng xuôi theo, bởi giọng nói đầy nỗi buồn của anh, bởi tôi cũng rất thương mẹ chồng và bởi tôi cho rằng sau khi mẹ khỏe, tôi sẽ đi làm lại.

Tôi nghỉ việc, bắt đầu những ngày sống vì nhà chồng dù đôi lúc tủi thân, ấm ức (Ảnh minh họa)

Tôi nghỉ việc, bắt đầu những ngày sống vì nhà chồng dù đôi lúc tủi thân, ấm ức (Ảnh minh họa)

Những ngày chăm mẹ chồng vô cùng vất vả. Bà đau yếu nên khó tính, tôi không chỉ lo chuyện ăn uống, tắm giặt mà còn là chỗ dựa tinh thần, an ủi dỗ dành bà đủ thứ.

Những lần họ hàng, người thân anh ghé lên thăm, tôi áp lực bởi những lời nói bóng gió: "Sao mẹ gầy thế, mẹ ở đây có thoải mái không?"... Phần vì nhạy cảm, phần vì là người đã chịu đủ bao khó nhọc nên những câu nói “vô tình” ấy khiến tôi tủi thân. Đêm về, tôi gục vào chồng, than thở  vài lời. Anh cũng chỉ nói tôi ráng nhịn.

Một thời gian sau thì mẹ chồng mất. Tôi không ân hận vì đã hết lòng chăm sóc bà, chỉ buồn vì bà đã ra đi trong những ngày đau đớn. Đó cũng là những ngày tôi thức trắng chăm nom, chạy hết viện này tới viện khác. Là những ngày tôi bị người khác trách móc, hỏi han, giận dỗi.

Lo đám cho mẹ xong xuôi,  tôi chuẩn bị hồ sơ xin việc với rất nhiều mong chờ, hi vọng. Ngày đi phỏng vấn, tôi bị ngất xỉu. Vào viện thì bác sĩ thông báo đã có thai. Tôi vừa vui mừng vừa bối rối vì biết sẽ không thể đi làm ngay lúc này.

Quãng thời gian ở nhà, tôi cũng cố gắng tạo niềm vui cho mình, buôn bán thêm. Chồng tôi có cản, nhưng tôi vẫn thuyết phục anh để được làm. Một thời gian sau khi sinh con, tôi tiếp tục vừa buôn bán, vừa chăm con. Vì con sinh thiếu tháng, bé kén ăn, tôi quyết định đồng hành cùng con tới tận khi con đi nhà trẻ.

Cũng tại thời điểm này, công việc của chồng bắt đầu khó khăn hơn. Anh ít về nhà, thường xuyên đi tỉnh. Con cái một tay tôi lo hết, thậm chí rất nhiều vấn đề gia đình bên chồng cũng tôi lo liệu, từ chuyện em gái anh cãi nhau với chồng lên ở tạm, cháu anh lên kiếm việc nên tá túc một thời gian, cô dì đi khám bệnh…

Nhiều lần, tôi nói với chồng rằng tôi rất mệt mỏi, tôi muốn kiếm một công việc nào đó đi làm 8 tiếng, muốn dành thời gian nhiều hơn cho bản thân, muốn được làm điều gì đó mà mình yêu thích sau rất nhiều năm tháng đã sống vì người thân, anh em, con cái…

Anh lại ngọt nhạt, bảo tôi là hậu phương của chồng, bảo tôi ráng thêm một thời gian nữa, rằng anh hiểu tôi hi sinh nhiều thế nào, vất vả thế nào…

Tôi như người trầm cảm, bởi mọi thứ đã nói nhưng không được hỗ trợ, không được giúp đỡ. Dù vậy, tôi vẫn ngoan ngoãn ở nhà, tiếp tục công việc thường ngày. Người thân của anh vẫn thường xuyên lên, nhà cửa vẫn bừa bộn, con ốm mệt, học hành đưa đón vẫn chỉ mình tôi lo.

Một chiều muộn, tôi bị sốt cao không gượng dậy nổi. Tôi điện thoại nhờ anh đón con, anh không bắt máy. Tôi dành nhờ cô giáo chở con về nhà cô trước. Khoảng 6 giờ tối, tôi mới đỡ hơn một chút sau khi đã uống thuốc, vội vàng đi đón con.

Trên đường chở con về, lúc ánh đèn nhá nhem sáng tối, mưa lất phất, tôi thấy anh ở trong quán nhậu vui cười bên bằng hữu. Bên cạnh là một cô gái trẻ đang nhiệt tình phục vụ bia, còn khoác vai anh cười nói. Vậy mà mới trước đó, anh còn nói hôm nay anh làm mệt, vẫn ở văn phòng.

Nhiều lần, tôi nói với chồng rằng tôi rất mệt mỏi nhưng không được lắng nghe (Ảnh minh họa)

Nhiều lần, tôi nói với chồng rằng tôi rất mệt mỏi nhưng không được lắng nghe (Ảnh minh họa)

Tôi chở con về nhà, người ướt mèm, nỗi chán chường trào lên. Tôi nhìn lại mình những năm qua: không có công việc yêu thích, không có thời gian cho mình, không có những phút giây thoải mái vô lo. Tất cả chỉ là những lo lắng cho gia đình, tất cả chỉ là cố gắng đến mòn mỏi.

Tôi lấy điện thoại, nhắn cho chồng một tin: “Em không còn muốn vì gia đình này nữa”. Chồng tôi nhắn lại: “Em lại có chuyện gì nữa đây?”. Chỉ một câu nói, nhưng làm tôi thất vọng vô cùng. Anh không hiểu cảm giác và mong ước của vợ. Anh chỉ muốn tung hoành vui vẻ bên ngoài, còn tôi chứ mòn dần trong những nhiệm vụ, bổn phận.

Tối anh về trễ, say khướt, trên áo có vệt son môi. Tôi chẳng muốn tra rõ ngọn ngành vì càng biết thì càng đau, càng biết càng không chịu đựng nổi. Điện thoại anh có tin nhắn, lại là đứa em gái ruột mà anh cưng chiều như trứng mỏng, nó lại cãi nhau với chồng, muốn lên thành phố vài hôm giải tỏa.

Thế còn tôi, đã bao giờ tôi được giải tỏa cho mình? Hay ngày mai lại phải dẫn cô em đã lớn ngoài 30 ấy đi ăn chơi, mua sắm, lại phải vui vẻ nói cười, nghe vài lời đánh giá, chê bai.

Kể từ hôm nay, tôi sẽ sống cho mình, bởi quãng thời gian qua là quá đủ, bởi tôi cũng cần được “chữa lành” sau bao năm vì người khác.

H. Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI