Nhiều người khẳng định ngay tôi mắc hai lỗi, thiếu bản lĩnh và đổ thừa. Thì tôi không cãi, nhưng ngẫm lại cả quá trình yêu, cưới và giờ làm được việc như thiên hạ đã làm "có chồng", tôi còn đang giật mình thảng thốt, sao mình có thể chọn món ăn nhanh ngay tắp lự một cách tỉnh rụi như vậy được.
Tôi sinh ra và lớn lên ở quê, rồi tốt nghiệp phổ thông lên thành phố học đại học. Điểm xuất thân này quan trọng lắm, vì người trong cuộc sống trong một loạt những mối quan hệ họ hàng, bạn bè đông đúc, nhiều khi sẽ chẳng biết được mình đang ở đâu, nói điều gì. Hầu như người trong cuộc nghe thiên hạ nói.
|
Tôi rối bời vì sức ép lấy chồng từ bố mẹ và họ hàng. (Ảnh minh họa) |
Trong khi bạn bè cùng trang lứa đồng loạt đã có gia đình thì tôi vẫn thảnh thơi một mình. Tôi thích cuộc sống độc thân và đang trong thời gian tận hưởng nó. Nhưng khi tôi chạm ngưỡng 24, về quê ăn tết, bài ca than thở bắt đầu xuất phát từ mẹ tôi mà ra: "Liệu mà lo chồng con đi, con gái có thì."
Còn đang nũng nịu mẹ và vừa mới làm xong công tác tư tưởng với cụ, thì một loạt những lời khuyên bảo, so sánh đến từ những người bác, người dì, từ họ hàng gần đến bà con xa ập tới tôi. "Lấy ai cũng được nhưng đàn bà con gái phải có tấm chồng. Đừng như cô A chị B giờ về già bệnh tật chống chọi một mình, ngoảnh tới ngoảnh lui không có chồng con bên cạnh nâng đỡ."
Tôi cười cười cho qua. Nhưng dịp khác, trong một lần về quê tôi đang đi trên đường thì mẹ của Ngọc - mẹ cô bạn thân từ hồi phổ thông túm lấy tôi hốt hoảng: "Cái Thư đã 24 rồi nhỉ. Nhanh nhanh lên cháu, đàn ông sắp tuyệt chủng đến nơi rồi. Cái Ngọc bạn mày đã kịp có chồng và hai con rồi đấy. Sao giờ mày vẫn ung dung ngồi đây."
Tôi đáp tỉnh rụi: "Vậy là tốt quá rồi. Nhất cô đấy. Mừng cho gia đình cô vậy."
Tôi đã bắt đầu lười đến chỗ đông người, còn những đám giỗ chạp hay họp họ thì tuyệt nhiên không dám bén mảng tới. Vì ở đó tôi chỉ đóng vai trò nạn nhân, chỉ được nghe mà không có cơ hội nói lại. Rốt cuộc những người trẻ như chúng tôi đang ở đâu và đang phải đón nhận những điều gì? Khi chúng tôi chỉ cần làm khác người khác một chút, dù trong giới hạn cho phép, không liên quan đến pháp luật hay phạm trù đạo đức - thì đã bị sự ồn ào và nhiệt tình thái quá của phạm trù "họ hàng", "người quen" dồn ép đến nghẹt thở. Chưa lấy chồng thì bị hỏi riết tới khi nào lấy chồng? Đến khi thở phào vì lấy được chồng rồi thì bị hỏi khi nào có con? Thời gian ngắn sau kết hôn chưa kịp có tin vui thì "không khéo tịt rồi cũng nên."
Chưa kịp vui mừng vì sinh con gái đầu lòng thì người trong cuộc ngay tắc lự nhận được lời khuyên bảo chân thành từ phía đám đông đó: "Cố gắng săn được thằng cu để giữ chồng cháu ạ." Có nhiều gia đình trẻ tự nhủ dừng lại ở một con cũng tốt, Một con nhưng sau này nó có hiếu vẫn là có hiếu. Thế nhưng suy nghĩ đó chưa kịp có chỗ đứng vững chắc nơi họ thì lập tức người trong cuộc nhận được lời khuyên chí tình chí lý: "Bao giờ sinh đứa thứ hai để thằng Long nó có anh có em? Nhìn thằng bé lủi thủi một mình thấy tội."
Tôi sinh tâm lý ngại về quê. Vì về quê chẳng còn bạn bè để chơi. Chúng nó đùm đề con cái hết rồi, lo cho thằng lớn thằng nhỏ đã mệt bở hơi tai, còn đâu thảnh thơi đàn đúm với bạn thân thời cởi truồng tắm mưa. Nhưng ở thành phố riết những dịp lễ tết cũng buồn, và thấy mình bất nhẫn với các cụ. Lò dò vừa mới đặt ba lô đến cửa, là các cụ ra "tối hậu thư": trong năm tới phải lấy chồng, không lý gio lý trấu gì hết.
Tôi cười mếu mó. Thấy tôi giãi bày khổ sở, rằng chưa tìm được người phù hợp, là ngay tắp lự các bác các cô xúm vào "tìm hiểu giùm". Thằng Chính con ông Thụ ấp trên cũng tròn 28, rất hợp với tuổi mày. Thấy nó ngoan ngoãn chịu khó lắm con ạ. Hay thằng Huy họ hàng xa bên chồng bác cũng là mối ngon. 30 rồi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nghe nói bố mẹ nó vừa đầu tư cho con trai căn hộ thành phố rồi đấy. Mày về làm dâu nhà nó như "chuột sa chĩnh gạo".
Tôi bắt đầu lùng bùng vì lời giới thiệu loạn xạ của những ông mai bà mối đó. Rồi một tối thứ bảy nằm khoèo ở nhà, tôi giật mình nghĩ sao cuộc đời mình lại có lúc buồn tẻ tăm tối như vậy. Hình như các bà các cô nói đúng, nếu bản thân không nhanh nhanh làm được cái việc "dễ người khó mình" là đi lấy chồng, thì rốt cuộc lý tưởng của người phụ nữ có còn là gì khác.
Tôi nhắm mắt gật đại việc đi uống cà phê tìm hiểu mối nọ mối kia. Anh Chính con ông Thụ lần đầu đi uống nước xem phim với tôi đã lơ đễnh quên ví ở nhà. Anh chàng Huy "chĩnh gạo" kia lần đầu gặp gỡ bạn gái chỉ thao thao bất tuyệt vỗ ngực kể về bản thân và sự danh giá giàu có của gia đình. Rốt cuộc cả buổi tối tôi chỉ đóng vai trò cô gai ngoan hiền "dạ", "vậy thì tốt quá", "anh nói đúng lắm."
|
Thấy con người Lâm cơ bản, tôi gật đầu "cưới đại cho xong". Hệ quả kéo theo chỉ có người trong cuộc hiểu rõ. (Ảnh minh họa) |
Rồi trong một lần đi xe máy dọc đường quê thì con xe của tôi dở chứng, máy chạy rè rè một lúc rồi làm cái "khực". Thời điểm đó trời mưa tầm tã nên đường sá trơn trượt. Lâm xuất hiện và làm "mạnh thường quân" ra tay giúp đỡ tôi. Vừa mới hoảng hồn tấp vào quán nước bên lề đường, hai bên mới qua màn chào hỏi bắt buộc thì tình cờ một nhóm người quen của cả hai đi qua. Vậy là không đầy một ngày sau, cái tin tôi và Lâm đang hẹn hò và yêu đương mặn nồng lan ra.
Trong khi người trong cuộc còn chưa định thần chuyện gì xảy ra thì bố mẹ hai bên đã vui mừng gặp gỡ và đưa ra dự định sáng ngời cho chúng tôi. Hóa ra các cụ phía bên kia cũng đang sốt ruột về việc cậu con trai chuẩn bị đến tuổi "băm" mà vẫn bình chân như vại. Khi biết con trai "có mối này" các cụ thậm chí đã dò hỏi tuổi tôi và...bí mật đi xem bói.
Mọi sự hanh thông cả. Hai bên họ hàng liên quan gặp nhau mừng mừng tủi tủi vì tương lai gần sắp trở thành người trong một nhà. Chỉ có tôi và Lâm là còn ngơ ngác chưa kịp định thần.
Với diễn biến tức thì mau lẹ theo chiều hướng trên, hai tháng sau kể từ lần đầu gặp gỡ, tôi và Lâm...đồng ý cưới. Một bên muốn lấy vợ còn bên kia phải đi lấy chồng, vậy là chúng tôi chơi"nhạc ráp". Xét thấy lý lịch hai bên đều đẹp, con người anh cơ bản, bố mẹ họ hàng vui mừng tác thành cả, tôi tặc lưỡi cứ lấy về rồi yêu sau. Tình cảm xuất phát từ tình nghĩa vợ chồng và cái duyên con cái gắn bó sẽ đến một cách tự nguyện và kết nối cả hai ở lại với nhau lâu dài.
Thế nhưng những vấn đề kéo theo sau một cuôc hôn nhân vội vã giờ đây tôi mới thấm thía. Tôi và Lâm đã bỏ qua một nghi thức rất cơ bản, đó là dành thời gian thực sự tìm hiểu, qua đó đi đến quyết định chấp nhận hay không chấp nhận đối phương. Cưới nhau về rồi, tôi phát hiện Lâm là tuýp đàn ông cực kỳ sòng phẳng chuyện chi tiêu. Tiền anh anh giữ tiền tôi tôi chủ động. Khi nào có con chung, cả hai sẽ có trách nhiệm gộp vào "quỹ phúc lợi chung". Chưa kể trong thói quen ăn uống, Lâm dị ứng với đồ biển nói chung. Vậy là thực phẩm tôm cá và hàng loạt món ăn hấp dẫn khác liên quan đến biển mà trước đó là món khoái khẩu, tôi đành tạm thời gác lại. Nhiều lúc đứng giữa chợ với bạt ngàn thực phẩm, tôi băn khoăn với câu hỏi: "Hôm nay nấu gì?"
Trong khi tôi đang nỗ lực sửa sai và lựa chiều để chèo lái cuộc hôn nhân với Lâm, thì mỗi lần về quê các bà các cô tấm tắc: "Xem cái Thư kìa, tốt duyên quá đi. 30 mới lấy chồng mà vớ được cậu Lâm vừa hiền lành tốt nết vừa chăm chỉ lo sự nghiệp. Nhất cô đấy."
Ngọc Thư