'Tôi vẫn thường mơ thấy cảnh trẻ bị bạo hành'

27/11/2017 - 07:50

PNO - Trong quá trình điều tra về việc bạo hành trẻ ở Lớp mẫu giáo Mầm Xanh, chúng tôi đã tìm gặp chị T. - người từng làm bảo mẫu ở ngôi trường được xem là “địa ngục” này.

Giọng chị T. run run: “Tôi nghỉ làm mấy tháng rồi, nhưng giờ nhớ lại cảnh tượng ở trường Mầm Xanh, tôi vẫn còn nổi da gà. Những đứa trẻ ngây thơ như sống trong địa ngục. Tôi bị ám ảnh đến mức bây giờ, trong mơ, tôi vẫn còn thấy cảnh mấy đứa trẻ bị bạo hành”.

'Toi van thuong mo thay canh tre bi bao hanh'
Các bé bị bạo hành tại cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh

Chị T. cho biết, chị đến trường Mầm Xanh thông qua một trung tâm giới thiệu việc làm ở Q.12. Dù chỉ mới học hết lớp Chín, chị T. vẫn được bà Linh “tuyển dụng” làm bảo mẫu kiêm giáo viên. Bà Linh thường xuyên dán biển tuyển dụng ở trụ điện, tiệm cắt tóc gần các khu công nghiệp. Người đến xin việc chỉ được phỏng vấn qua loa, không cần hồ sơ cũng được nhận vào làm bảo mẫu.

Bà Linh quy định, các bảo mẫu mới đến không được sử dụng điện thoại thông minh trong lúc làm việc, không được nhận trẻ hoặc trả trẻ vì sợ tiết lộ việc trẻ bị bạo hành. Tuy được “tuyển dụng” để làm bảo mẫu nhưng những người làm việc tại đây phải làm luôn công việc của giáo viên, bảo mẫu, tạp vụ với mức lương 3-3,5 triệu đồng/tháng.

Theo chị T., bà Linh là người bạo hành trẻ nhiều nhất. Chị T. nhiều lần chứng kiến cảnh bà Linh dùng sách đập vào đầu hoặc dùng tay xách trẻ lên, đá vào mông. Có hôm, bà Linh đá trẻ ngã nhào vào thau nước.

“Khi tôi làm ở trường, có một đứa trẻ 3 tuổi được bà Linh đặt biệt danh là Ba Phi. Đứa trẻ này hơi hiếu động nên thường xuyên bị đánh. Có hôm, nhìn thấy cảnh bà đánh cháu nhiều quá tôi góp ý thì bà Linh nói: “Em dạy trẻ mà hiền quá, tụi nó qua mặt em đó”. Thấy bà ấy đánh trẻ, tôi xót lắm, nhưng không thể ngăn được” - chị T. bật khóc.

Trò chuyện với chúng tôi, chị T. cho biết, mỗi lần cho trẻ ăn, chị đều bật khóc vì khẩu phần ăn như “cơm tù”. Không chỉ vậy, khi trẻ làm đổ cơm, bà Linh thường ép bảo mẫu hốt lên cho trẻ ăn lại. “Khi bà Linh cho ăn, trẻ ngậm cơm, bà ấy sẽ đẩy mạnh cái chén vào mặt để trẻ nuốt nhanh. Khi tôi cho trẻ ăn đổ cơm, tôi xin phần cơm mới, bà Linh mắng: “Đổ thì hốt lại cho nó ăn, ai có của dư đâu mà cho phần nữa”. Nhiều lúc, tôi vừa xúc cơm lên cho trẻ ăn mà vừa khóc. Bà ấy đối xử với trẻ tệ quá” - chị T. kể.

Chị T. làm việc tại trường Mầm Xanh đến giữa tháng 3/2017, do không chịu nổi cảnh bà Linh bạo hành trẻ nên chị đã xin nghỉ. 

Đủ căn cứ khởi tố hình sự

Với những việc làm, hành xử nói trên của bà Phạm Thị Mỹ Linh và cô giáo Quỳnh, tôi cho rằng đây là hành vi có dấu hiệu phạm tội “hành hạ người khác”, căn cứ theo điều 110 Bộ luật Hình sự. 

Theo đó, hành hạ người khác là hành vi của một người đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình như đánh đập, giam hãm, đối xử tệ bạc... Ngoài ra, những hành vi như đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc cũng là một trong những hình thức hành hạ người khác. Về khung hình phạt, tội “hành hạ người khác” có mức từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 

Trường hợp hành hạ người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ một năm đến ba năm. Nếu hành hạ mà gây thương tích cho người bị hành hạ thì người phạm tội ngoài việc bị xử phạt theo điều 110 Bộ luật Hình sự, còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích” hoặc “gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” được quy định tại điều 104 Bộ luật Hình sự. 

Cụ thể, thương tích từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; thương tích 31% đến 60% thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm; thương tích từ  61% trở lên hoặc dẫn đến chết người thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm…

Mặc dù tỷ lệ thương tích tương ứng với các khoản trên nhưng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì người phạm tội bị xử lý ở khung hình phạt liền kề cao hơn: phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.

Như vậy, với các hành vi của các cô giáo như trên, tôi cho rằng có đủ căn cứ khởi tố vụ án. Trẻ em là đối tượng đặc biệt, được pháp luật bảo vệ riêng biệt. Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em. Các hành vi này cần được xử lý nghiêm về mặt hình sự nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình

Nhóm Phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI