Cho đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được cảm giác của mình khi nhận điện thoại của cô ấy, là người thứ ba nhưng cô thản nhiên: “Chị làm gì thì nhanh lên để anh ấy về đưa tôi đi chợ nấu cơm, hết ngày rồi!”. Như thể, tôi là người đang vay mượn chồng của cô ấy, chứ không phải là vợ chính thức có cưới hỏi đàng hoàng và là mẹ của hai đứa con anh.
Khi con gái tròn tuổi, tôi phát hiện chồng “lem nhem” bên ngoài, đáng sợ hơn là chuyện này anh gần như công khai vì không riêng gì bố mẹ mà cả các anh chị em anh đều biết, họ khuyên can anh dứt bỏ mà lo cho vợ con, nhưng anh làm ngơ, ai nói gì cũng bỏ ngoài tai nên cô nàng kia được nước làm tới, công khai gọi điện nhắn tin khiêu khích và thách thức tôi. Đáng giận là kẻ làm chồng lại làm ngơ, còn bảo: “Mọi thứ anh đều đưa về nhà, cô ấy có được cái gì đâu?”.
Ôm con nhỏ trong tay, tôi không khóc được, chỉ cười. Hóa ra, anh ngoại tình với người đàn bà khác và tự an ủi rằng mình đang rất công bằng khi chỉ cho nhân tình tình cảm, còn vật chất anh dành hết cho vợ con. Sao anh không hiểu, không riêng gì đàn bà mà bất cứ ai cũng mong cầu sự vẹn nguyên chung thủy. Nửa cái bánh mì có thể lót dạ nhưng nửa tâm hồn, nửa tình cảm thì chẳng là gì, còn là con dao cứa tim phổi người bị phản bội.
|
Ảnh minh họa |
Tôi gần như phát điên khi nhận ra cái ipad anh mang về cho con trai là đồ cô ấy chê không dùng. Anh còn mua xe tay ga cho cô ấy, mua điện thoại mới. Lời nói mang hết về cho mẹ con tôi cũng đến lúc anh không giữ được, sau đó là xin việc cho anh em bà con, anh còn đớn hèn đến độ nhờ cả bác tôi.
Tôi cũng không hiểu mình đã nghĩ gì khi ấy, tôi liên tục mua váy áo, son phấn, kéo anh đi chụp hình và tung lên trang cá nhân, khoe vợ chồng hạnh phúc, con cái nếp tẻ đủ đầy. Trang cá nhân của tôi cô ấy cũng biết, những buổi anh vắng nhà đột xuất khiến tôi hiểu, cô ấy đang lồng lộn ghen tức. Có sao đâu, dù giả tạo thì cũng là của tôi, tôi không vứt thì cô ấy đừng mong nhặt về.
Con gái tôi ốm, nhìn con bé hai tuổi mà bé như cây kẹo do không được chăm sóc chu đáo, tôi mới giật mình ân hận. Tôi đã làm gì, đua chen hơn thua với ả đàn bà không có chỗ đứng trong nhà, để làm gì? Để tranh giành gã đàn ông không xứng?
Cô ấy điên cuồng thì tôi vui vẻ, và sau đó tôi lại lồng lộn ghen tuông khi chồng đến chỗ cô ấy đền bù. Tôi chợt nhận ra, kẻ đáng khinh và đáng xử nhất là gã chồng tôi, không phải người đàn bà kia.
|
Ảnh minh họa |
Tôi nói chuyện thẳng thắn, yêu cầu chồng chấm dứt với ả đàn bà kia, hoặc ra đi. Đúng lúc ấy, cô ấy báo tin có thai, và tôi là người dứt khoát. Nói không đau khổ là nói dối, nói không nhớ là nói dối, nói tôi không cần chồng là nói dối, nhất là khi hai đứa trẻ tối đến lại hỏi “mẹ ơi bố đâu, sao bố không về ngủ?”. Nhưng tôi không chấp nhận sự chung chạ. Tôi cần sống cho bản thân và hai đứa con, tôi quá mệt mỏi và nhìn thấy hậu quả của trò giành giật hơn thua.
Đứa con được sáu tháng, cô ấy biến mất, và chồng tôi, lúc này đã là chồng cũ, một mình cưu mang, nuôi nấng đứa trẻ. Hai đứa con tôi chẳng mấy khi được bố ẵm bồng chăm sóc, nhưng đứa trẻ đó lại được, nhất là nó lại chẳng phải máu mủ của anh.
Là của người đàn bà kia với ai đó. Chồng tôi thành cái tổ cho tu hú đẻ nhờ. Khi nghe tin tôi đã bật cười rũ rượi, cười muốn đau ngực, cười đến chảy nước mắt, tôi những tưởng quả báo lâu đến lắm, tôi những tưởng ông trời không có mắt…
|
Ảnh minh họa: Internet |
Anh vẫn đến thăm hai con, mua cho chúng sữa, bánh, thường thì anh đi một mình, thi thoảng có mang theo đứa trẻ kia. Con tôi về kể: “Em bé gầy lắm, mũi dãi lòng thòng, tóc cứ rối mù lên, hôi lắm!”. Tôi hừ, con gái tôi cũng có thời gian suy dinh dưỡng đó thôi, khi ấy có ai xót thương con tôi? Tôi yêu cầu anh ta không được mang đứa trẻ kia theo mỗi lần gặp con tôi. Những gì mẹ nó làm với mẹ con tôi, tôi vẫn còn nhớ rất rõ.
Ba năm trôi qua, anh về thăm con thường hơn, hầu như mỗi ngày, anh ghé chợ mua gì đó về nấu cơm, còn lau nhà, chỉ khi tôi về anh mới ra về, hai đứa trẻ luôn xin cho bố được ở lại, nhưng tôi từ chối. Đứa trẻ kia cũng đã lớn, thi thoảng anh vẫn mang nó đến cùng, thi thoảng là vì bà ngoại nó đã đến xin đón nó về, dù gì cũng máu mủ nhà người ta, mẹ nó hư hỏng thì bà ngoại nó còn tình còn nghĩa.
Nghe nói từ ngày ấy, mẹ nó không về nhìn nó lần nào. Đứa trẻ thiếu tình cha, vắng tình mẹ nhìn co ro cúm rúm sợ sệt đến thương. Nhìn cha con anh lủi thủi ra về, tôi phải trốn vào phòng nén tiếng khóc, tôi bất chợt muốn gọi giữ anh lại, muốn bữa cơm không chỉ có ba mẹ con buồn tẻ. Chưa ngày nào tôi không nhớ và trách giận anh, đáng lẽ chúng tôi là một gia đình trọn vẹn, không phải dở dang ngượng ngùng như bây giờ.
Tôi không quên được những ngày đó, nhưng cũng đau lòng khi thấy anh lặng lẽ ra về, tin chắc anh đã và đang hối hận, nhưng có lẽ anh biết tôi không dễ nguôi quên chuyện cũ. Vết thương ngày ấy quá sâu, quá đau để có thể quên, mà có quên cũng hiện diện đó vết sẹo xấu xí. Anh có mong đợi một tiếng gọi của tôi?
Những đêm thức trắng, tôi nghĩ có lẽ mình nên quên đi quãng thời gian u ám đó, đó không phải là chuyện dễ dàng, nhưng vết thương nào rồi cũng lành, trước tự thương thân, sau thương những đứa trẻ chênh vênh bên vơi bên đầy để cho nhau thêm một cơ hội…
Bởi vì, tôi vẫn còn yêu.
Quỳnh Anh