Tôi ủng hộ tiếp tục "siết" nồng độ cồn 0%

23/02/2024 - 12:35

PNO - Việc cần thiết hiện nay là duy trì mức độ nghiêm minh khi xử phạt người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông để thay đổi thói quen tùy tiện lái xe khi đã uống rượu, bia.

Theo báo cáo của Bộ Y tế trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn số ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông giảm đáng kể. Cụ thể là 23.000 trường hợp nhập viện vì tai nạn nạn giao thông (giảm 12,1% so với cùng kỳ Tết 2023). Riêng những nạn nhân có nồng độ cồn mà các bệnh viện lớn ghi nhận được không đáng kể, gần như bằng 0. Điều đó chứng tỏ việc kiên quyết xử phạt những người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông có hiệu quả rõ rệt.

TPHCM nghiêm cấm đảng viên, cán bộ can thiệp vào việc xử lý người vi phạm nồng độ cồn - Ảnh: Sơn Vinh
TPHCM nghiêm cấm đảng viên, cán bộ can thiệp vào việc xử lý người vi phạm nồng độ cồn - Ảnh: Sơn Vinh

Trong thực tế, hiện nay trên bàn tiệc luôn có nhiều người từ chối uống bia, rượu vì lý do phải lái xe. Đó là sự chuyển biến ý thức rất tốt của người dân. Hiện nay, người ta cũng không ai níu kéo, mời mọc, nài ép như xưa nữa với lý do "Đã lái xe thì không uống rượu bia".

Rất nhiều người không đồng ý với cách xử phạt khi nồng độ cồn khác 0% này mà đề xuất phải có ngưỡng. Lý lẽ xem ra cũng hợp lý vì uống 1, 2 chai bia thì không ảnh hưởng gì đến khả năng kiểm soát tay lái. Và thậm chí uống bia, rượu hôm nay, sáng sớm ngày mai cũng có thể còn nồng độ cồn trong máu. 

Khoan nói về ngưỡng bao nhiêu là hợp lý, chỉ cần biết tửu lượng mỗi người mỗi khác cũng có thể thấy dù có đặt ra ngưỡng cũng khó có thể hợp tình, hợp lý cho tất cả. Người ta cũng dẫn ra thí dụ cảnh sát giao thông sau khi đo nồng độ cồn có thể xác định người vi phạm còn đủ năng lực điều khiển an toàn phương tiện giao thông hay không bằng cách cho người đó đi theo đường thẳng. Nếu không đi được thì bị phạt. Những giải pháp này chỉ nhằm bao biện cho hành vi uống rượu bia mà vẫn lái xe. Bởi không có gì đảm bảo lúc kiểm tra người lái xe vẫn làm chủ hành vi, nhưng đến đoạn đường khác khi rượu bia "đã thấm" thì đã mất khả năng làm chủ bản thân. Lại có ý kiến độ chính xác của máy đo nồng độ cồn có thể gây tranh cãi. Trong khi có nồng độ cồn hay không, có vi phạm hay không người bị kiểm tra có thể tự xác định. Chắc chắn rằng nếu không uống rượu, bia mà khi đo có nồng độ cồn người ta đâu dễ chấp nhận.

Thực tế là trong thời gian qua rất hiếm có phản ánh về trường hợp không có rượu, bia mà có nồng độ cồn như vậy. Trường hợp có thì vẫn có giải pháp khác xử lý triệt để, thuyết phục đó là thử máu ở cơ sở y tế. 

Cấm tuyệt đối không cho phép lái xe khi có nồng độ cồn như hiện nay rõ ràng đã mang lại hiệu quả tích cực và ngày càng tốt hơn. Bất kỳ quy định nào khi ban hành sẽ có ý kiến trái chiều. Nhưng quy định "đã lái xe thì không uống rượu bia" đang nhận được sự đồng tình của xã hội rất lớn. Chúng ta cũng thấy quy định này ngoài đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, còn giúp thay đổi tập quán "ăn nhậu" của người Việt Nam lâu nay luôn nằm trong "top" cao trên thế giới.

Một quy định mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như vậy không lý do gì chúng ta không quyết liệt thực thi. 

Nguyễn Huỳnh Đạt 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI