Tôi từng có một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc ở một tỉnh trung du phía Bắc. Bố tôi là thợ xây, mẹ là giáo viên, gia đình tôi không giàu có mà chỉ đủ ăn nhưng lúc nào cũng rộn tiếng cười đùa. Mẹ tôi nổi tiếng yêu con chiều chồng nhưng cũng rất nghiêm khắc, anh em tôi làm gì sai vẫn bị mẹ cho ăn đòn như thường. Với bố, mẹ chăm sóc ân cần, chu đáo từng miếng ăn giấc ngủ. Nhưng rồi đùng một cái, sóng gió ập đến cửa nhà tôi.
Một hôm tôi vừa đi học về đến cổng thì thấy mẹ đang gào thét, đập phá đồ đạc, cấu xé bố tôi, còn bố chỉ đứng im cúi đầu chịu trận. Mẹ liên tục chửi rủa bố bằng những từ ngữ kinh khủng chưa bao giờ phát ra trong nhà tôi. Tôi lờ mờ hiểu rằng, bố đã ngoại tình với ai đó và bị mẹ bắt gặp.
Hè năm đó, tôi 14 tuổi, chuẩn bị lên lớp chín, anh tôi 16. Mẹ bảo anh em tôi là nhà mình sẽ chuyển vào Nam, mẹ sẽ đến trường xin cho hai anh em nghỉ học, chuyển trường. Chúng tôi bàng hoàng ngơ ngác vì sợ không quen được với trường lớp mới, rồi bịn rịn khi phải xa bạn bè đã cùng nhau lớn lên từ nhỏ. Nhưng khi đã chuyển đến vùng đất mới rồi tôi mới biết, những nỗi lo âu ấy chẳng đáng là gì so với nỗi buồn đeo đẳng chúng tôi trong những tháng ngày tiếp theo.
|
Mọi chuyện bắt đầu từ khi bố tôi bị mẹ bắt quả tang chuyện ngoại tình (ảnh minh họa). |
Mẹ dứt khoát chuyển nhà đi thật xa là để bố cắt đứt hẳn với người kia. Nhưng đó chỉ là kiểu "điều trị triệu chứng" chứ nguyên nhân gây bệnh vẫn còn ở đó: mẹ không tài nào quên nổi những gì bố đã làm. Đêm nào tôi cũng nghe tiếng bố mẹ cãi nhau trong phòng, nhiều hôm bố bỏ sang ngủ với anh trai tôi. Sáng ra, mặt mẹ và bố đều phờ phạc, ủ rũ. Và tất nhiên anh em tôi cũng không tài nào vui nổi.
Công việc của mẹ thường về sớm hơn bố. Hôm nào cũng thế, đến sáu giờ chiều mà bố chưa về là mẹ đi đi lại lại, miệng lẩm bẩm gì đó liên tục, mặt mày cau có. Những lúc ấy, anh em tôi lỡ làm gì trái ý mẹ là sẽ bị mẹ chửi té tát ngay. Bố về trễ vài phút với lý do tắc đường mẹ cũng làm ầm lên, và thể nào bữa cơm tối hôm đó cũng diễn ra trong căng thẳng. Những ngày ấy, chúng tôi sợ mẹ vô cùng. Từng là học sinh giỏi suốt nhiều năm nhưng dạo ấy, hai anh em tôi học sút hẳn so với khi còn ở ngoài Bắc, mặc dù vậy mẹ cũng chẳng quan tâm. Tất cả những gì khiến mẹ đau đầu lúc ấy chỉ còn là việc bố đang ở đâu, với ai, làm gì.
|
Dù đã chuyển đi rất xa, mẹ tôi vẫn không thể nào tin tưởng bố trở lại. Bà luôn căng thẳng, nghi ngờ và sẵn sàng to tiếng (ảnh minh họa). |
Một ngày, gần sáu rưỡi vẫn chưa thấy bố về. Hồi ấy là năm 2000, điện thoại di động còn “xa xỉ”, nhà tôi không ai có. Mãi gần bảy giờ bố mới về đến nhà. Bố không đi một mình mà có một bác trai cùng về. Mẹ thấy tiếng xe bố, bật dậy lao ra. Bố chỉ vừa kịp cất lời "Hôm nay anh tình cờ gặp anh Bắc đồng hương nên anh em chuyện trò hơi lâu..." thì mẹ đã lôi xềnh xệch bố vào sân rồi cầm chiếc dép đập thẳng vào mặt bố trước sự sững sờ của cả khách lẫn anh em tôi. Bác Bắc luống cuống xin phép ra về vì có việc, bố tôi đứng bất động ở sân. Mẹ thì vẫn tiếp tục chửi bới, gào khóc, đổ cho bố "Mày lại đi đú đởn với con nào rồi kiếm cớ nọ kia chứ gì, đừng tưởng tao không biết!".
Đó là lần đầu tiên mẹ tôi xưng mày tao với bố. Bố vùng chạy vào nhà, đập tan hết cửa kính rồi cầm ra một con dao khiến anh em tôi tái xanh mặt. Lần đầu tiên kể từ khi mọi thứ xảy ra, tôi nghe bố quát lớn: "Cô giết chết tôi đi chứ đừng hành hạ tôi thế này nữa!". Rồi bố quăng con dao xuống sân và bỏ đi. Mẹ tôi gục xuống giữa đống kính vỡ ngổn ngang, khóc nức nở.
|
Khi không thể chịu nổi sự ghen tuông điên loạn của mẹ tôi, bố tôi đã vùng lên (ảnh minh họa). |
Tôi nhớ hôm đó cách Tết Nguyên đán khoảng hai tuần. Anh em tôi lặng lẽ dọn dẹp, mẹ thất thần bỏ vào phòng, đóng chặt cửa. Hôm sau mẹ dậy sớm, vứt hết quần áo đồ dùng của bố ra sân, bắt anh em tôi châm lửa đốt. Chúng tôi khóc xin mẹ thì mẹ bảo "chúng mày khốn nạn y như thằng cha, cút hết đi". Tôi không dám nhìn mẹ nữa bởi mẹ trở nên đáng sợ tới mức tôi chưa từng hình dung nổi.
Hai hôm sau bố vẫn chưa về. Mẹ bảo tôi đi cùng mẹ. Rồi mẹ chở tôi đi khắp nơi tìm bố. Mẹ đến nhà những người quen, họ hàng xa của bố mà mẹ biết, nhưng đều không tìm được. Đến nhà ai tôi cũng phải cúi gằm mặt vì chỉ toàn nghe mẹ nói xấu bố, than thở cuộc đời mẹ "đã vứt đi". Tết năm ấy, tôi và anh trai toàn ăn cơm với đu đủ xanh luộc chấm nước mắm và mấy miếng lạp xưởng khô bác hàng xóm cho, vì mẹ hoặc bỏ đi đâu suốt cả ngày hoặc nằm trong phòng khóc lóc không buồn chợ búa lẫn ăn uống, cũng chẳng đưa tiền cho anh em tôi đi chợ.
|
Nếu anh tôi không có ý định bỏ học, có lẽ mẹ sẽ vẫn chìm đắm trong những cơn ghen mù quáng ấy (ảnh minh họa). |
Có lẽ cuộc sống của gia đình tôi vẫn sẽ u ám như thế nếu không có một ngày cô giáo chủ nhiệm lớp anh tôi gọi về nhà hỏi vì sao anh tôi không đi học suốt mấy ngày nay. Mẹ tôi tra hỏi, anh hét lên rằng anh không tài nào học nổi với những gì đang xảy ra. Anh quyết định bỏ học, đi làm thợ xây cùng bố hoặc làm công nhân, làm bất cứ việc gì miễn là ra tiền và có thể đi khỏi nhà. Chỉ khi ấy, mẹ tôi mới như bừng tỉnh.
Đến giờ cũng đã gần hai mươi năm trôi qua, tôi và anh trai đều đã lập gia đình và ở riêng, nhà chỉ còn bố mẹ tôi sống với nhau. Mỗi dịp cả nhà tụ họp đông đủ, chồng tôi và vợ của anh trai lại xuýt xoa khen bố mẹ tôi già rồi mà vẫn hạnh phúc, quan tâm nhau chẳng khác gì đám trẻ. Những lúc ấy, tôi lại bất giác nhớ về quãng đời đáng buồn của gia đình mình. Với tôi, đó là bài học nhãn tiền cho chính mình: nếu không thể buông tay, hãy học cách tha thứ. Nếu không thể tha thứ, hãy lựa chọn ra đi sao cho ít đau đớn nhất, bởi lẽ khi đã trở thành cha mẹ của những đứa con, mỗi lời nói, hành động của mình đều có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của chúng.
Ngọc Linh (Phú Thọ)