Tôi từng muốn nhảy lầu khi nghe tiếng con khóc

24/12/2023 - 06:56

PNO - Đến bây giờ, khi con gái chúng tôi đã 4 tuổi, anh vẫn luôn là người phụ trách chính mọi sinh hoạt hằng ngày của con, mà như anh nói, để tránh “thần kinh yếu” của tôi quá tải thêm lần nữa.

Thực sự tới thời điểm này, tôi không còn nhớ rõ về giây phút mộng mị ấy, chỉ biết rằng tôi đã cố hét lên, vùng dậy, toan nhảy từ lầu 2 xuống đất. May mắn, những người trong gia đình đều có mặt ở đó và kịp ngăn cản. 

Lần đầu tiên mang thai, lại ở xứ người xa xôi, tôi mong ước từng ngày để gặp gỡ cô con gái bé nhỏ của mình biết nhường nào. Trước ngày sinh, vợ chồng tôi đã tự tay sửa soạn lại căn phòng với những món đồ trang trí xinh xắn. Tủ quần áo xếp gọn gàng, thơm tho. Tôi hình dung sẽ được vuốt ve làn da mịn màng của con, được ôm ấp, hít hà “cục bông” nhỏ bện mùi sữa mỗi ngày…

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Thế nhưng, cái ngày tôi đợi chờ lại như một giấc mộng kinh hoàng. Tuần thai thứ 39, tôi bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ và được đưa vào bệnh viện. Bụng dù đã có cơn đau song cổ tử cung của tôi mở chậm. Bác sĩ không có chỉ định mổ đẻ mà cố gắng để tôi sinh thường. 2 tiếng trôi qua, rồi 5 tiếng, rồi 1 ngày… Người ta nói, không gì đau bằng đau đẻ. Giờ thì tôi mới thực sự hiểu. Tôi không thể ăn uống được gì, đầu óc quay cuồng với những cơn đau điên dại.

Đến ngày thứ hai, cơ thể tôi gần như kiệt sức. Lúc này, vì lo ngại sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, các bác sĩ đã phải dùng biện pháp cơ học, tác động để giúp tôi sinh con. Thân thể yếu ớt của tôi thêm một lần đau, đã trở nên rã rời. 

Sau khi được đưa về nhà, tôi vẫn còn yếu nên 2 mẹ con được chồng và một người cô họ chăm sóc. Thế nhưng, mỗi lần nhìn thấy con, tôi vô cùng sợ hãi. Hình ảnh những cơn đau ùa về khiến tôi rùng mình. Tôi bất giác khóc lóc, thu rụt đôi tay lại mặc cho đứa trẻ đang tìm sữa mẹ. Như phản xạ tự nhiên, con bé khóc rất lớn. Âm thanh chói tai của tiếng khóc khiến đầu óc tôi rối loạn, hoảng sợ.

1 tuần kể từ ngày đón con về nhà, cuộc sống chẳng những không trở lại bình thường mà còn tồi tệ hơn. Tôi đứng giữa 2 luồng ý nghĩ tấn công nhau. Một là cảm thấy mệt mỏi, chán chường vì những cơn khóc bất kể ngày đêm, rồi cảnh nôn trớ, thay tã… Một là tự trách mình tại sao lại không thể yêu thương con hết mình như những phụ nữ khác.

Đau khổ, dằn vặt khiến tôi không thể có nổi một giấc ngủ ngon. Dần dần, mỗi lần nghe con khóc, tôi như phát điên, đầu óc như muốn nổ tung. Cảm giác chỉ có thể lao vào tường mới giải thoát khỏi nỗi ám ảnh. 

Tôi biết mình thực sự có vấn đề và gắng tâm sự với mọi người về sự bất ổn của mình. Cô họ của tôi vô cùng lo lắng nên đã đưa 2 mẹ con về nhà riêng với mong muốn thay đổi không khí. Nhưng không ngờ, đây chính là giai đoạn bệnh đạt tới đỉnh điểm. Sau tràng khóc không ngớt của con, trong tôi cảm giác như có một ngọn lửa rực lên, muốn thiêu đốt tất cả.

Dường như có tiếng nói thôi thúc: “Phải kết liễu cuộc đời mới có thể giải thoát”. Thực sự tới thời điểm này, tôi không còn nhớ rõ về giây phút mộng mị ấy, chỉ biết rằng tôi đã cố hét lên, vùng dậy, toan nhảy từ lầu 2 xuống đất. May mắn, những người trong gia đình đều có mặt ở đó và kịp ngăn cản. 

Ngày hôm sau, tôi được đưa tới bệnh viện tâm thần và nằm điều trị hơn 3 tháng. Nhờ việc tách khỏi con, uống thuốc, tập vật lý trị liệu, tôi dần tỉnh táo hơn, không còn nghĩ tới cái chết. Chồng tôi cũng quyết định nghỉ làm để ở nhà chăm con. Sau khi về nhà, tôi hầu như chỉ tiếp xúc với con lúc vui chơi.

Những công việc chăm con thường xuyên, chồng tôi đều cố gắng không để tôi phải chạm tới, như lời khuyên của bác sĩ. Tôi cũng sớm đi làm trở lại, hằng ngày đạp xe, vận động để cải thiện sức khỏe tinh thần. Nhìn lại giai đoạn đó, tôi nhận thấy điều may mắn giúp tôi vượt qua chính là gia đình, là người chồng thấu hiểu và chia sẻ với căn bệnh của vợ.

Đến bây giờ, khi con gái chúng tôi đã 4 tuổi, anh vẫn luôn là người phụ trách chính mọi sinh hoạt hằng ngày của con, mà như anh nói, để tránh “thần kinh yếu” của tôi quá tải thêm lần nữa. 

Ruby Trần (từ Đức)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI