Tôi thèm cảnh họ hàng sum vầy

24/03/2024 - 14:44

PNO - Ai cũng có ông bà nội, ngoại, nhưng không phải gia đình nào cũng tổ chức đám giỗ trang trọng và anh chị em trong nhà cũng đoàn kết.

Sau nhiều chuyện xảy ra, mẹ tôi từ mặt người em trai duy nhất của mình. Mẹ cấm chúng tôi không được gặp cậu.

Không gặp cậu, chẳng sao cả. Từ nhỏ, tôi cũng đã chứng kiến bao cảnh gây ám ảnh từ hành động vũ phu của cậu với ông ngoại, dì, trước khi họ qua đời. Vậy nên việc mẹ cấm gặp cậu cũng là mong muốn của anh em tôi, muốn giũ bỏ những ký ức gây ám ảnh ấy khỏi cuộc đời mình.

Hồi đi học cấp II, tôi chứng kiến một cảnh như trong phim xã hội đen. Một tên con trai với khuôn mặt non choẹt, nhưng là đại ca của lũ trẻ trong xóm. Một lần, có trận đánh nhau tơi tả ở ngay trước cổng trường tôi. Tên đại ca, thay vì chỉ đứng hô hào đàn em như mọi khi, lần này hắn lao vào giữa cuộc chiến. Vẻ mặt thất thần khi nhận ra nạn nhân là người quen, hắn gào lên: “Nó là em họ tao, đừng đánh”. Cả đám trẻ nít im bặt. Tên đại ca nhìn mặt từng đứa đàn em, giọng vẫn rất đại ca: “Em họ tao đó, từ nay đứa nào động vào nó, đừng trách tao”.

Chứng kiến cảnh đó, tôi bị cảm động với danh xưng “em họ”. Tôi nghĩ, có họ hàng thật tốt. Thật trẻ con, tôi đã ước ao có ai đó đến cạnh bên và nói với tôi rằng, tôi là em họ, chị họ của người ấy.

Khi ấy, tôi nhớ đến mấy đứa em con cậu, chẳng biết giờ mặt mũi tụi nó ra sao. Có khi gặp nhau ngoài đường cũng chẳng thể biết là anh chị em họ. Cái ý nghĩ ấy khiến tôi như kẻ bước hụt chân, chơi vơi đến khó tả. Nhưng mẹ tôi vẫn quyết tâm cạch mặt cậu. Không một ai nhắc tới thông tin gì về cậu trước mặt mẹ.

Mỗi cuộc gặp gỡ chất lượng luôn mang lại nguồn năng lượng tốt (ảnh minh họa)
Mỗi cuộc gặp gỡ chất lượng luôn mang lại nguồn năng lượng tốt (ảnh minh họa)

Sau này đi làm, một lần tôi được đồng nghiệp mời về nhà ăn đám giỗ mẹ. Tôi chỉ biết rằng, bạn là con út trong gia đình nhiều anh chị em. Nhà bạn đều đặn mỗi dịp đám giỗ của ba mẹ, con cháu tụ họp đông đủ để đọc lời kinh nguyện theo nghi thức Thiên Chúa giáo, sau đó dùng bữa cơm thân mật với nhau. Người lớn, trẻ nhỏ chuyện trò rôm rả, rất vui.

Lần ấy, tôi để ý chị hai của bạn đã ngoài 60, dâu, rể, con, cháu đuề huề. Có đứa cháu ngoại vừa mới đi làm, được cử đi công tác từ Singapore cũng tranh thủ về “cho kịp đám giỗ ông cố”. Mà ông cố mất trước khi cháu ra đời.

Rồi gia đình chị Ba, anh Tư, anh Năm, chị Sáu… Nhà nào cũng đủ mặt, ai nấy đều tay bắt mặt mừng hớn hở. Nhìn tập thể hùng hậu ấy đến tham gia đám giỗ, không dưng tôi chạnh lòng.

Ai cũng có ông bà nội, ngoại, nhưng không phải gia đình nào cũng có tổ chức đám giỗ trang trọng và anh chị em trong nhà đoàn kết nhau đến như vậy.

Đám giỗ là dịp để họ hàng gặp gỡ, gắn kết với nhau hơn (ảnh minh họa)
Đám giỗ là dịp để họ hàng gặp gỡ, gắn kết với nhau hơn (ảnh minh họa)

Một lần mẹ tôi tổ chức đám giỗ, cậu đến làm ầm ĩ rằng, đàn bà trong nhà không cần làm mấy việc đó. Cậu cho rằng, có phải mẹ muốn chiếm nhà tổ cha mẹ để lại, nên đầu tư tổ chức đám giỗ? Mẹ giận tím tái mặt, thề rằng, từ nay không giỗ chạp gì cả.

Bố tôi thì cha mẹ mất từ thời chiến, lúc bố còn nhỏ nên đến cả mặt cha mẹ mình còn không biết rõ. Vậy nên tôi chẳng có bất cứ đám giỗ nào đúng nghĩa theo kiểu để tưởng nhớ người quá cố và gặp mặt họ hàng.

Cuộc sống bây giờ khác xưa, chuyện nhà ai nấy lo. Thậm chí chuyện cá nhân mình cũng tự lo để không ảnh hưởng đến người nhà. Tưởng rằng với lối sống độc lập đó, hai chữ họ hàng chẳng ảnh hưởng gì đến mình, nhưng không hẳn.

Những buổi gặp gỡ người trong gia đình, tuy không mang tính gắn kết thân mật đến độ phơi bày hết ruột gan, nhưng mối quan hệ họ hàng vẫn phần nào lấp đầy khoảng trống tinh thần, để ít ra trong những lúc cô quạnh nhất, ta vẫn tin rằng ở đâu đó còn cô Năm, dượng Tám… nào đó là người thân của mình.

Họ, có thể không gắn kết nhiều với cuộc sống hiện tại của mình, nhưng từng là những người đồng hành chí cốt của cha, mẹ mình một thời.

Tôi cũng đọc được ở đâu đó một câu tâm đắc rằng: "Ta có mặt cho nhau. Thương nhau mà hiện hữu giữa cuộc đời này".

Vậy nên, nếu trong hành trình cuộc đời, ta có được những người anh chị em họ hàng thì thật đáng quý!

An Na

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Lê Hoa 24-03-2024 17:51:35

    Ai có ở trong cảnh mới thấy nỗi đau bà con, anh em họ hàng. Chỉ 1 câu nói cũng giận rồi từ mặt nhau. Rồi trách nhiệm với cha mẹ lớn tuổi cũng đùn đẩy, tài sản cha mẹ...
    Thôi thì , mình chấp nhận khi trung niên anh chị em không phải là gia đình, dù rằng có đau ..nhưng sẽ không đau hơn khi phải tiếp xúc nhiều.

  • Vi Vinh 24-03-2024 14:50:11

    Rất đồng cảm với bài viết của bạn vì mình cũng có hoàn cảnh tương tự, có lẽ sự yêu thương, bao dung là điều cần có từ các thành viên đã là người thân, những người có những người thân yêu thương bao dung với nhau, cuộc sống sẽ nhiều niềm vui hơn những gia đình thiếu sự yêu thương gắn bó từ người thân. Cái chính là cần có nhiều sự hợp tác và nếp nhà....Mong là yêu thương nhiều hơn, bao dung nhiều hơn, tình thân mới được vững bền....

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI