Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em năm nay 37 tuổi, có hai con. Vợ chồng em quyết định đường ai nấy đi cách đây gần tám tháng. Từ đó đến nay, em dọn ra ngoài thuê nhà sống với hai con. Đây là lần đầu em phải ở nhà thuê.
Mọi chuyện cũng rất phức tạp. Dù con em đã lớn (hai đứa đều đã học cấp II) nhưng việc ở trọ khiến em lúc nào cũng cảm thấy các con thiếu an toàn. Hầu hết thời gian của em chỉ dành để đưa đón và lo lắng cho con.
Em bắt đầu thấy mình dại khi chấp nhận bỏ lại tất cả để ra đi. Vợ chồng em lấy nhau, tài sản lớn nhất cho tới giờ chính là căn hộ chung cư, trước đây là nhà của chị chồng, sau đó chị bán lại cho vợ chồng em trả góp mấy năm trời mới xong. Khi chia tay, em không muốn đôi co, tranh giành gì với chồng và gia đình bên chồng, nên nghĩ mình bỏ hẳn.
Vợ chồng mười mấy năm, người ta từng thề thốt yêu thương với mình mà bây giờ trở mặt theo người khác, cả thời tuổi trẻ mình còn không tiếc, thì nhà cửa tài sản mình cũng không cần. Em còn sức khỏe, em có nghề nghiệp, em sẽ làm lại tất cả để người ta thấy em không cần phải sống bám vào ai.
Thực tế bao nhiêu năm nay trong gia đình, em vẫn là lao động chính, nếu không có tiệm tóc của em, thử hỏi có nuôi dạy con, có chăm lo cho gia đình bên nội đau ốm triền miên được không. Lúc dọn ra khỏi nhà, em chỉ mang theo ít tiền riêng, quần áo của con, chiếc xe máy, còn lại coi như thí bỏ.
Ban đầu cuộc sống cũng tạm ổn nhưng nay em thấy không chỉ em mà các con em cũng thiếu nhiều thứ, đơn giản nhất là không có cái ti vi, hai đứa nhỏ suốt ngày dán mắt vô điện thoại.
Chuyện nhà ở cũng vậy, hai lần chuyển trọ đã mở mắt cho em về việc dù mình bỏ tiền ra nhưng ở nhà thuê không đơn giản như mình nghĩ.
Em gái em nói em mắc gì mà bỏ nhà, phải quay lại đòi; nhưng nghĩ tới lời mình đã nói ra, em ngần ngại. Mặt khác, mối hận còn ngùn ngụt trong lòng, em nghĩ mình không thể bình tĩnh nói chuyện với chồng cũ.
Minh Lan (TP.HCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Em Minh Lan thân mến,
Phụ nữ hay sống cảm xúc, cảm tính, khi yêu thương cũng như khi hết yêu thương. Bởi suy nghĩ, quyết định mọi chuyện đều cảm tính nên nhiều khi mình đánh mất sự tỉnh táo lý trí cần thiết.
Như trong trường hợp của em: nghĩ mình không cần, không thèm đôi co với con người tệ hại ấy, sẽ chứng tỏ khả năng tự lập của mình. Trong quyết định của em có chút gì vẫn như là “giận lẫy”. Cần tỉnh táo, em ạ! Mình không cần nhưng con mình rất cần.
Một mình em lo cho bản thân thì đơn giản nhưng thêm hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học thì không còn là chuyện đơn giản. Tại sao lại bắt con chịu khổ chỉ vì sự tự ái của người làm cha làm mẹ?
Ly hôn không phải là chuyện cảm xúc một sớm một chiều. Có ai quan tâm xem em giận họ như thế nào đâu. Đừng dại dột mà giận lẫy, cũng đừng nên lấy sự giận hờn đó làm động lực để nai lưng cày cuốc một mình.
Em đang nuôi con, hãy bình tĩnh thỏa thuận với chồng cũ về việc chia tay và chia nhà, chia tài sản để đảm bảo em có thể nuôi con đầy đủ. Nếu mình không bình tĩnh được thì nhờ người thân, bạn bè thỏa thuận giúp. Nếu người thân không được thì nhờ đến luật sư.
Giận là một chuyện, nhưng giận đã đưa đến quyết định chia tay rồi, bây giờ đã đến giai đoạn tách bạch trách nhiệm của mỗi bên. Em cần phải giữ lấy điều kiện vật chất, kể cả nghĩa vụ cấp dưỡng của chồng cũ theo đúng quy định luật pháp để em nuôi con.
Im lặng cam chịu, một mình lầm lũi nuôi con không phải là mình cao thượng gì đâu, mà là mình dại, mình giận mất khôn, mình làm cho con mình khổ lây vì quyết định của mình.
Cố gắng lên em nhé, để mấy mẹ con có thể có một cuộc sống tốt hơn. Đó cũng là mục tiêu quan trọng nhất của mình, phải không em?
Hạnh Dung
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Mỹ Duyên (Q.Gò Vấp, TP.HCM): Hãy bỏ qua tự ái!
Tôi đang hình dung đến cảnh ba mẹ con bạn ở trong một căn phòng trọ bé xíu, đồ đạc tạm bợ, thiếu thốn mọi thứ. Thật sự rất xót xa! Mình có thể ở sao cũng được, nhưng mấy đứa nhỏ đâu đáng phải chịu vậy.
Có lẽ giờ đây bạn đã thấm đòn của chính mình: chỉ vì tự ái vô lý mà ra cơn cớ này. Bạn nên cố gắng tìm cách giải quyết cho trọn vẹn.
Hãy đề nghị nói chuyện lại với nhà chồng càng sớm càng tốt. Mọi thứ phải được xử theo đúng pháp luật. Nếu không, bạn có thể nhờ luật sư.
Vì tương lai các con, chúng ta không thể cứ cố chấp mà chứng tỏ bản thân. Đã can đảm giành nuôi con, bạn nên biết cương - nhu hợp lý để bảo vệ con.
Lan Phương (Q.Bình Tân, TP.HCM): Không nên làm anh hùng rơm
Trường hợp như bạn thực ra không hiếm. Nhưng dù sao, chỉ nên “chả cần gì” khi bạn có điều kiện tài chính khá giả, nhà cao cửa rộng… Trong hoàn cảnh của bạn, cách hành xử bất cần chỉ khiến ba mẹ con bạn thiệt thòi.
Đừng làm anh hùng rơm nữa mà hãy đòi công bằng trong chuyện nhà cửa, vì đó là tài sản chung. Cả trách nhiệm nuôi con cũng phải công bằng vì đâu phải con là của riêng bạn.
Người đàn ông kia dẫu không còn là chồng bạn thì vẫn là cha của các con bạn, có nghĩa vụ cùng bạn chăm lo cho các con. Khi ly hôn, mọi thứ càng rõ ràng càng tốt.
Hy vọng bạn đã nhận ra sai lầm của bản thân và biết cách khắc phục để mẹ con bạn không phải tiếp tục sống trong cảnh tạm bợ, thiếu thốn.
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn