Tôi sợ rồi đây sẽ thấy toàn những gương mặt biến dạng

24/11/2017 - 10:40

PNO - Tôi khá quen với thực trạng thẩm mỹ “chui” mà báo Phụ Nữ phản ánh trong hai bài viết vừa qua. 10 năm làm trong ngành y khoa thẩm mỹ, tôi đã chứng kiến nhiều khách hàng gặp biến chứng từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ “chui”.

Toi so roi day se thay toan nhung guong mat bien dang
Cận cảnh thẩm mỹ “chui” trong nhà của “bác sĩ” Quyên

Hầu như mọi kỹ thuật trong ngành thẩm mỹ đều đã xuất hiện ở các cơ sở thẩm mỹ “chui”. Biến chứng cũng muôn hình vạn trạng. Vấn đề là, hầu hết những biến chứng của việc phẫu thuật thẩm mỹ sai kỹ thuật đều không xảy ra tức thì, và phần lớn người dân đều chọn làm “chui”, rồi chỉ biết đến những sản phẩm kém chất lượng nên không có gì để đối chiếu. 

Cung gặp cầu, những hệ lụy cứ phát sinh, không thể kiểm soát được. Bây giờ, người ta ồ ạt nhấn mí, nâng mũi ở cơ sở “chui”, tiêm filler ngay tiệm gội đầu thì một, hai, hay mười năm sau, Việt Nam sẽ toàn những gương mặt phụ nữ bị biến dạng. 

Khi lướt Facebook, tôi hay gặp những quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ với các hình ảnh chụp gương mặt khách hàng “trước và sau” khi phẫu thuật. Ngay cả những hình ảnh được đem ra quảng cáo ấy cũng thể hiện rõ cái sai căn bản về mặt kỹ thuật thẩm mỹ. Những gương mặt được cắt mũi, nhấn mí mắt, để lại những vết sẹo dài dọc khuôn mặt, tố cáo khả năng phẫu thuật không-giống-ai của người cầm dao mổ. 

Trong suốt 10 năm làm nghề với bao chuyến hội thảo, bồi dưỡng chuyên môn ở nước ngoài, tôi biết chắc chắn không có một bác sĩ nào phẫu thuật gương mặt khách hàng theo cách ấy. 

Trong giới y khoa thẩm mỹ, chúng tôi hay nói với nhau về tính thẩm mỹ trong việc phẫu thuật thẩm mỹ. Nói đơn giản là, mục tiêu của y khoa thẩm mỹ không phải là “làm ra một chiếc mũi cao”, mà phải là một chiếc mũi đẹp hài hòa. Đó là điều không chỉ đòi hỏi kỹ thuật, mà còn đòi hỏi cả óc thẩm mỹ của bác sĩ. Có điều, lúc này, việc định hướng người dân biết lựa chọn giữa “kỹ thuật đơn thuần” và “tính thẩm mỹ” vẫn còn khá xa vời. Chúng ta vẫn phải loay hoay giải quyết giữa ý thức lựa chọn “kỹ thuật” và sự lựa chọn “bất chấp kỹ thuật”. 

Đôi lúc, tôi cũng có nỗi băn khoăn là tại sao những cô gái vẫn hồn nhiên cầm dao mổ cho khách ở những cơ sở “chui” kia không hề thấy sợ. Mỗi lần dự hội thảo về filler, tôi lại chứng kiến các chuyên gia thẩm mỹ hàng đầu thế giới nghiêm túc đến mức kính cẩn khi dạy về những nguy cơ tai biến lúc thực hiện kỹ thuật này. Gương mặt con người tập trung rất nhiều những điểm nguy hiểm mà nếu trót làm tổn thương, sẽ để lại những biến chứng trầm trọng vượt khỏi phạm vi thẩm mỹ. 

Tôi chỉ biết gọi những người đang “dạy nghề cấp tốc” và cầm dao mổ sau một vài ngày hay vài tháng “học nghề” ấy là “những người liều lĩnh”. Tôi tin, khi họ hiểu biết thực sự, họ sẽ hết dám liều.                      

Cần bổ sung tội danh với “bác sĩ thẩm mỹ chui”

Hiện Bộ luật Hình sự vẫn chưa có tội danh cụ thể đối với cơ sở thẩm mỹ “chui” và người làm phẫu thuật thẩm mỹ không bằng cấp gây hậu quả nghiêm trọng. Với các vụ việc tương tự, cơ quan tố tụng vẫn thường áp dụng truy tố tội danh theo điều 242 Bộ luật Hình sự hiện hành về tội “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” với khung hình phạt tù cao nhất từ 7 - 15 năm. 

Đây là điều bất cập, bởi chủ thể của tội phạm là những người có trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Thiết nghĩ, Bộ luật Hình sự cần bổ sung tội danh này một cách cụ thể với những hình phạt thích đáng cho những đối tượng không có bằng cấp chuyên môn nhưng vẫn hành nghề “chui”, coi thường tính mạng, sức khỏe con người.

Theo điều 242 Bộ luật Hình sự hiện hành, nếu người làm dịch vụ thẩm mỹ gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của khách hàng, sẽ bị xử lý hình sự với mức phạt tù cao nhất là 15 năm; đồng thời có thể còn bị cấm hành nghề từ 1 - 5 năm. 

Ngoài ra, theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người kinh doanh lĩnh vực thẩm mỹ nếu có sai phạm, mức xử phạt hành chính cao nhất là từ 50 - 70 triệu đồng. Khách hàng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu thẩm mỹ viện gây tổn hại sức khỏe, không đảm bảo chất lượng, theo điều 608 Bộ luật Dân sự. 

Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Luật 360

Bác sĩ Tôn Nữ Phương Thảo - chuyên ngành thẩm mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI