Tôi sẽ ngược chiều bão tố được bao lâu nữa?

10/03/2018 - 09:02

PNO - Khi cha mẹ không có ý thức gieo vào con lòng trắc ẩn, chia sẻ yêu thương, thì chúng tôi dạy trẻ yêu thương như thế nào đây?

“Trăm sự nhờ cô, ở nhà tui không nói được con!”. Lớp có 40 học sinh (HS), gần 30 phụ huynh nói với giáo chủ nhiệm cấp III chúng tôi câu này. Những điều các bậc cha mẹ than vãn về con, nào là cái phòng hệt như bãi rác, kêu dọn rát họng nhưng con không dọn; chén bát ăn xong để cao qua đầu con mới rửa; cả ngày cắm mặt vào điện thoại đến 1-2g sáng.

Rồi thì chuyện nói hỗn, cộc cằn, ăn mặc kỳ quặc. Đàn đúm bạn bè, yêu đương, đi chơi mải miết, nhưng mẹ bệnh nhờ nấu tô cháo thì con lừng khừng…

Toi se nguoc chieu bao to duoc bao lau nua?
Ảnh minh họa

Thoáng qua, cứ ngỡ là những lời cằn nhằn vụn vặt muôn thuở của những bậc làm cha làm mẹ. Nhưng nếu ngẫm nghĩ kỹ lại cảm thấy thon thót giật mình. 17-18 tuổi, cái tuổi gần như đã định hình tính cách để trưởng thành, có thể chịu trách nhiệm về đời mình, có thể bước những bước vào đời bằng đôi chân của chính mình, nhưng các em được chuẩn bị những gì?

Khi không có ý thức và kỹ năng tự lo những việc thuộc về cá nhân; khi không biết quan sát chia sẻ, yêu thương, nâng đỡ những người xung quanh; khi không có bản lĩnh nhận ra cái cần và không cần; không nhận ra lời nói, trang phục, là biểu hiện của chiều sâu văn hóa… thì nỗi lo đâu chỉ gói gọn trong ngôi nhà nhỏ của các ông bố bà mẹ nữa. Nó chính là vấn đề của xã hội. 

Ở lứa tuổi THCS, trong cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM mới đây, các em HS lớp Chín đã thú thật là những công việc nhỏ nhặt trong gia đình như quét nhà, rửa chén, nấu cơm… các em cũng không biết. Các em mong muốn đưa vào chương trình chính khóa những tiết dạy về những kỹ năng này hoặc có giờ sinh hoạt để HS có thể hướng dẫn cho nhau.

Dư luận xã hội từ lâu vẫn kêu do chương trình học quá nặng, quá nhiều môn, HS phải học cả ngày ở trường, tối về vẫn phải học thêm, nên không còn thời gian để các cháu tham gia vào công việc gia đình, thậm chí không có cả thời gian chơi. Về phía phụ huynh, có thể thấy rằng, do ít con, điều kiện kinh tế lại ngày càng đi lên, sự quan tâm chăm sóc con ở không ít gia đình trở nên thái quá, đã tạo ra tác dụng ngược.

Khi phụ huynh yêu thương, chăm sóc cho con “đến tận răng” theo kiểu “muốn gì được nấy” thì trẻ không việc gì phải “động não” trước các tình huống; thầy cô chúng tôi làm sao có thể dạy trẻ về sự tự lập, biết tự chăm sóc cho bản thân - những kỹ năng tối thiểu nhất?

Khi cha mẹ không có ý thức gieo vào con lòng trắc ẩn, chia sẻ yêu thương, thì chúng tôi dạy trẻ yêu thương như thế nào đây? Khi ngoài xã hội bạo lực, lừa gạt nhau ngày càng nhiều, chúng tôi phải dạy trẻ về sự lạc quan và lòng tin yêu con người như thế nào? Khi cả xã hội “tôn vinh” và chạy theo những thứ vật chất phù phiếm tầm thường thì chúng tôi khó mà dạy trẻ về tâm hồn cao quý.

Với từng ấy tuổi đời, các con chưa đủ trải nghiệm để kiểm chứng mọi điều, thì những gì mắt thấy tai nghe, cái gì mà người ta hay làm, sẽ khiến trẻ học theo, làm theo. Ngược chiều bão tố như vậy, thầy cô dùng gì để chống đỡ nếu không bằng tình yêu thương trẻ và lòng trắc ẩn?

Đồng nghiệp tôi không ít người bỏ cuộc. Không phải vì không chịu nổi những nhọc nhằn của nghề mà họ rời bục giảng vì bất lực. “Dạy người không được, dạy chữ làm chi hả cậu!”. Câu nói ngày cuối cùng vào trường của bạn đồng nghiệp không thôi ám ảnh tôi.

Tôi thoáng nghĩ đến ánh mắt kỳ vọng của phụ huynh trong buổi họp sáng nay, nghĩ đến những cái buông tay, bất giác lo lắng. Và tôi cũng tự hỏi, tôi sẽ đi ngược chiều bão tố được bao lâu nữa?

Gần 20 năm đứng lớp, số lần họp phụ huynh HS không phải là ít, nhưng lần nào cảm xúc cũng nhiều như lần nào. Có khi họp xong, cả tuần nghe như mình ôm một khối gì đó trong lòng không thể quẳng đi được.

Cái nghề giáo nói riêng và tất cả các nghề khác nói chung, kể cả là sống trên đời cũng vậy, phải chăng nhọc nhằn chính là ở chỗ mình không thể thờ ơ được với người khác? 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI