Câu chuyện tình yêu

Tôi sẽ luôn đi cùng bà

09/04/2024 - 06:00

PNO - “Nhờ có ông ấy mà cuộc đời tôi đến nay vẫn chưa dừng lại. Ông ấy là thang thuốc bổ quý báu của tôi”. Những lúc tỉnh táo, bà Phan Thị Huynh (phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) vẫn âu yếm nhận xét như thế về chồng mình.

Căn nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi của bà Phan Thị Huynh và ông Lê Xuân Thiện được phủ đầy hoa giấy. Tôi theo tiếng động đi ra căn bếp phía sau nhà. Ông Thiện đang sơ chế nguyên liệu, chuẩn bị cho vợ món thịt vịt hầm khoai môn. Ông tếu táo kể: “Bà nhà tôi bây giờ ngoài bệnh lẫn còn có thêm bệnh không răng. Bà ấy chỉ ăn được những món mềm như cháo, phở, gà tần thuốc bắc, vịt hầm rau củ”.

Bà Huynh và ông Thiện mỗi ngày dành rất nhiều thời gian để trò chuyện cùng nhau
Bà Huynh và ông Thiện mỗi ngày dành rất nhiều thời gian để trò chuyện cùng nhau

Gần 2 năm trước, bà Huynh bị đột quỵ. Sau những ngày thập tử nhất sinh, bà dần hồi phục nhưng sức khỏe không còn như trước. Đầu óc bà bây giờ lú lẫn, lúc nhớ lúc quên, hệ thần kinh vận động suy giảm khiến bà khó đi lại, sinh hoạt bình thường.

Ông Thiện kể: “Nếu trước đây chưa bệnh, sức khỏe của bà ấy 10 phần thì bây giờ chỉ còn 2, 3. Đặc biệt, bà ấy giờ như cái máy dự báo thời tiết, chỉ cần ngày mai trở trời là đêm nay bà ấy đã trằn trọc, khó ngủ”.

Ông Lê Xuân Thiện năm nay bước sang tuổi 83, bà Huynh kém ông 1 tuổi. Trải qua hơn nửa thế kỷ chung sống, có với nhau 4 người con, ông bà luôn dành cho nhau niềm tin, sự khiêm nhường và chia sẻ. Sau này, lối sống quân bình, nhường nhịn ấy vẫn được duy trì khi 1 trong 2 rơi vào cảnh ốm đau.

“Bà bệnh, chắc ông chiều bà lắm phải không?” - tôi hỏi. Bà Huynh đáp: “Ông ấy rất chiều tôi, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Vốn dĩ, những việc bếp núc, chợ búa, dọn dẹp nhà cửa là việc của phụ nữ, nhưng bây giờ tôi đổ bệnh nên ông ấy phải bất đắc dĩ đổi vai. Dù ông không to tiếng, không nói ra bằng lời, tôi nhìn vào ánh mắt, sắc mặt cũng biết ông ấy cũng có lúc mệt mỏi, bực bội. Lúc đó, nếu đủ khỏe, tôi sẽ nắm tay động viên, nói những lời ngọt dịu với ông”.

Nghe bà Huynh tâm sự, tôi hiểu 2 từ chia sẻ và nhường nhịn là không đủ để nói về mối tình già. Giữa họ còn có sự thấu hiểu, luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người kia. Bây giờ, ngoài dọn dẹp, giặt giũ, chăm sóc cây cối, nhà cửa, ông Huynh còn xoay tròn với việc chợ búa, lo cho vợ giấc ngủ, miếng ăn.

Ông kể: “Tôi chăm bà nhà tôi còn kỹ hơn người ta chăm con mọn. Tôi nấu bồ kết, hoa bưởi gội đầu, tắm rửa cho bà 2 ngày 1 lần. Khẩu phần ăn của bà thì phải chia nhỏ thành 5 bữa mỗi ngày. Mỗi bữa có khi chỉ vài muỗng nhỏ, nhưng để bà ăn hết, tôi phải đổi vị, đổi món thường xuyên. Còn ban đêm, tôi vẫn nằm chung giường để trực bà chẳng khác gì lính canh. Cả đêm tôi để chân bà lên bụng mình rồi xoa, bóp, bấm huyệt liên tục. Những khi trái gió trở trời, bà ấy sẽ lên cơn đau đầu rồi gào khóc, la hét. Tôi lúc đó 1 tay vừa giữ lưng, 1 tay vừa xoa đầu để cơn đau của bà dịu lại”.

Ngoài những ngón nghề vật lý trị liệu như kéo nhẹ chân tóc, xoa bóp, bấm huyệt giúp bà Huynh thêm linh hoạt cơ khớp và các dây thần kinh, ông Thiện còn vào vai chiếc “radio sống” để vợ đòi bật, tắt, chuyển kênh liên tục. Những câu chuyện ông kể cho bà rất đa dạng và phong phú, xoay quanh mọi chủ đề.

Ông cho biết: “Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện người già, lớp trẻ, chuyện chợ búa, phố phường, chuyện con cái hay đơn giản là ngày mai ăn món gì, hôm nay khóm hoa trên tầng thượng ra sao… miễn bà ấy muốn nghe thì tôi sẽ kể. Tôi kể chuyện, gợi chuyện bàn luận rôm rả cũng là để bà ấy thoải mái, khuây khỏa trí óc. Tôi lo nếu không nghe chuyện từ tôi thì bà ấy sẽ trống trải rồi nghĩ ngợi linh tinh những chuyện buồn phiền”.

Việc đi bộ giúp bà Huynh khuây khỏa, linh hoạt hơn
Việc đi bộ giúp bà Huynh khuây khỏa, linh hoạt hơn

Nhờ sự yêu thương, đồng hành của người bạn đời chịu thương chịu khó, sức khỏe của bà Huynh dạo gần đây tiến triển rất tốt. Bà đã có thể tự chủ phần nào việc ăn uống, vệ sinh cá nhân. Mỗi ngày, bà cùng ông đi dạo quanh khu dân cư 2 lần vào chiều hôm và lúc sáng sớm. Tay phải bà nắm gậy, tay trái nắm tay ông, đôi bạn già song hành, tin cậy dựa vào nhau. Bà Huynh bộc bạch: “Ước mơ bây giờ của tôi là được khỏe hơn, có thể tự do đi đứng, trí nhớ trở lại bình thường để được ông ấy chở sau xe, đưa đi chơi đây đó”.

Khi nghe bà tâm sự, ông Thiện ngồi bên ấp đôi tay của vợ vào lòng, dịu dàng nhìn bà rồi nói: “Bà có biết, hạnh phúc trên cuộc đời này là gì không? Hạnh phúc luôn bao hàm trong đó sự chấp nhận. Nếu không chấp nhận, ta sẽ không còn hạnh phúc. Bà với tôi như hiện tại là vui rồi, là trời thương rồi. Bà nói tôi là thang thuốc bổ của bà thì bà cũng chính là một củ sâm của tôi đó.

Giả sử nếu không có bà, con cái đứa ở xa, đứa gần thì suốt ngày theo công việc, còn mỗi mình tôi đi ra đi vào lủi thủi rất cô đơn. Bà ráng tươi tỉnh lên. Mình có ông có bà với nhau cho vui. Chỉ cần tôi còn sức khỏe thì dù đi xa, đi gần gì tôi cũng sẽ luôn đi cùng bà”.

Nghe ông nói, bà im lặng gật gù, tôi mơ hồ cảm nhận cái nắm tay giữa ông bà đang được siết chặt hơn.

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI