Mùa dịch COVID-19 năm 2021, tôi đã tự cho phép mình và gia đình nhận là người Sài Gòn, người của TPHCM. Đó là một quyết định riêng tư sau rất nhiều ngày cân nhắc, vì rất nhiều lẽ…
1. Bởi trong mùa dịch chao đảo, khốc liệt suốt nhiều tháng trời ấy, có khá nhiều bài viết “nhận diện” lại dáng hình của TPHCM, bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Cách nhận diện rất dễ thương và mỗi người nhìn ở mỗi góc độ tùy theo suy nghĩ của mình. Nhưng tựu trung, chưa bao giờ, tôi thấy hình ảnh của một Sài Gòn - TPHCM gắn bó, thân thiết đến vậy.
Hình ảnh ấy đã đặt tâm thức của tôi vào một điểm đích mà trước đó dù có nhiều đêm nghĩ đến, tôi vẫn chưa xác định được chắc chắn bởi e ngại rằng mình “bắt quàng” với thành phố này. Nhưng, bối cảnh đại dịch “sống nay chết mai” ai đâu biết. Nên những ngày ấy, ngồi ở căn nhà đóng kín cổng trong con hẻm nhỏ, tôi đã viết mấy dòng sau đây, như trả ân nghĩa nơi tôi và gia đình đã sống 21 năm và từ nơi đây, con cái tôi lớn lên:
“Nhìn lại đời mình, thấy rằng như bao người, tôi cũng có một quê hương. Đó là nơi phát ra tiếng trọ trẹ kêu ba kêu mạ đầu tiên ở miền bán sơn địa huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Rồi 2 tuổi rời nơi chôn nhau cắt rốn đêm đêm đì đùng tiếng súng để vào ở thị xã tỉnh lỵ nằm bên dòng Thạch Hãn, ở được 7 năm.
Năm 1972 vào Huế, Đà Nẵng, Bình Tuy, Vũng Tàu, luân lạc 3 năm với chiến tranh bom đạn cho đến năm 1975. Lúc ấy 12 tuổi, tôi quay trở về quê ở được 8 năm rồi vào Huế học sư phạm 4 năm, lên Đắk Lắk 5 năm và về Đồng Nai 3 năm để dạy học.
Từ đó (1995), lên thuê nhà ở trọ Sài Gòn đi làm báo, cuối tuần về lại ngã ba Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai), cho đến năm 2000. Chỉ có khoảng thời gian dài nhất - 21 năm - là ở cái xứ Làng Hoa Gò Vấp, TPHCM này. Vậy đây có được xem là quê hương thứ hai hay không?”.
|
Trải qua gần 1/4 thế kỷ, con hẻm 439 Nguyễn Văn Khối, khu phố 12, phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM không chỉ khang trang, đẹp đẽ hơn mà còn luôn giữ được sự gắn kết, sẻ chia giữa bà con hàng xóm với nhau |
Vì tự cho mình một chút quyền là “người Sài Gòn” ấy nên trong 4 tháng trời mùa dịch ròng rã, tôi đã hối thúc mình viết mỗi ngày. Để ghi lại một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng bộc lộ hết tính cách bao dung, nghĩa tình và rất hào sảng của người dân TPHCM giữa những ngày nước sôi lửa bỏng. Để khi vừa qua dịch, tôi quyết định xuất bản cuốn sách Sài Gòn - Nhật ký cách ly dày 323 trang, vào tháng 12/2021. Để suốt 3 năm qua, thỉnh thoảng tôi lần giở lại, nâng niu như một kỷ niệm yêu thương lẫn đắng đót đã trải trong đời.
2. Nhưng dù có viết gì đi nữa, sống ra sao đi nữa thì cũng không ra khỏi cái không gian ấp ủ ngôi nhà mình suốt gần 1/4 thế kỷ qua. Không gian đó là con hẻm nhỏ mà gia đình tôi cư ngụ, nơi một thuở được gọi là Làng Hoa Gò Vấp, nơi mà mọi cư dân đều nhắc nhủ nhau hướng đến một chủ đích sống đẹp và sống hòa nhập.
Vì vậy, ngay từ khi bước chân đến đây mua miếng đất nho nhỏ, cất ngôi nhà gác gỗ cấp 4 gọn gàng, tôi và bà con trong hẻm tự đặt một cái tên Xóm Mới cho mấy chục hộ đang lơ thơ cất nhà giữa đồng rau xen lẫn cỏ.
Xóm Mới ấy bây giờ có tên hành chính là hẻm 439, khu phố 12, phường 8, quận Gò Vấp. Vào năm 2000, khoảng gần 30 hộ dân lục tục dọn đến một hẻm nhánh rộng khoảng 5m, được một chủ đầu tư phân ra khoảng hơn 60 lô (trong số 5 con hẻm được chia ra hơn 300 lô đất). Do phân lô dạng thô nên ngoài mấy trụ điện chơ vơ chĩa lên trời, vẫn chưa có đường nhựa và đường dây điện.
Lúc đầu, Xóm Mới của tôi vẫn trong tình trạng 1 lô có nhà, 2 lô đất trống. Thế nhưng, ngay từ tết Nguyên đán đầu tiên của xóm, chúng tôi đã cùng nhau kêu gọi tổ chức cúng tất niên, có cây mùa xuân cho trẻ nhỏ vui chơi, quà xuân biếu cho mấy vị cao niên. Xóm Mới của tôi lúc ấy từ từ gầy dựng một nếp sống chan hòa, khởi đi từ việc quây quần bên mâm cỗ cầu an giáp tết và bàn nhau chuyện làm đường, câu điện.
Ban vận động gồm 13 người vật vã họp hành, kêu gọi các hộ đóng tiền, mời thầu, lên thiết kế, thi công và giám sát thi công rất kỹ. Rốt cuộc, qua hơn 1 năm, xóm chúng tôi có một con hẻm khang trang, đường nhựa thẳng thớm, cống thoát nước hòa chung ra con đường Cây Trâm (nay là đường Nguyễn Văn Khối), không còn cảnh ứ đọng bùn lầy. Đường đã thoáng, ban vận động lại đi xin cấp điện từ Công ty Điện lực Gia Định.
Khỏi phải nói người dân Xóm Mới vui đến thế nào khi được cầm trên tay quyết định cấp điện và nhìn thấy bóng dáng của những chú công nhân ngành điện về khảo sát, lắp đặt, kéo dây.
Vậy là từ đó đường thoáng, điện sáng. Hơn 1 năm sau, cả xóm cũng “vĩnh biệt” những chiếc giếng khoan nhiễm phèn bởi đã được cấp nước sạch. Bấy giờ, mỗi nhà chỉ còn cố gắng vượt qua khó khăn, cày bừa để sống, nuôi dạy con lớn lên và tiếp tục sinh con đẻ cái. Trải qua như vậy đã 24 năm, cũng là qua 24 cuộc lễ cúng tất niên Xóm Mới xôn xao đoàn tụ.
3. Có rất nhiều thứ để người ta nhớ về, song với tôi và những người bà con cư ngụ ở hẻm 439 từ ngày đầu, đó là hình ảnh bao lúc khó khăn, những khi thuận lợi. Từ chuyện đau ốm, sinh nở hoặc thất nghiệp hay khởi phát chuyện làm ăn, tất tần tật đều có sự chia sẻ chân thành.
Ví như tôi vẫn nhớ, có 2 lần vợ tôi đưa 2 phụ nữ hàng xóm đi sinh, bởi trước đó, khi con gái út tôi chào đời, họ cho rằng chúng tôi nuôi con mát tay. Lục đục đêm khuya, tay xách nách mang rồi nâng niu từng đứa trẻ mới lọt lòng, mỗi lúc như vậy, vợ tôi trở về nhà hân hoan kể chuyện như thể tự mình vượt cạn suôn sẻ. Để rồi bây giờ, những đứa trẻ ấy đã lớn lên thành học sinh cấp II.
Mà không chỉ vài đứa trẻ. Có những lần tổ chức vui Trung thu hoặc bày biện cỗ cúng tất niên, bầy trẻ ở hẻm tôi xôn xao, tíu tít. Chúng là chứng nhân tươi mới cho một hành trình gần 1/4 thế kỷ, kể từ dạo mấy chục hộ đến ở nơi đây. Có đứa nay đã ra trường, đi làm, lấy vợ, lấy chồng, sinh con. Có đứa nay vẫn đang học phổ thông.
Đôi khi nhìn hình ảnh sớm chiều chúng đến trường hoặc tan học trở về, tôi lại thấy sự sinh sôi của đời sống như một dòng sông đời chảy mãi, từ một con hẻm khiêm tốn gần xứ ngoại thành.
|
Xóm Mới ấy bây giờ là hẻm 439, như một mạch máu li ti hòa chung với nhịp đập của hàng ngàn con hẻm trong thành phố rộng lớn và đầy ân nghĩa này |
***
Khi ngồi viết bài này, tôi lại liên tưởng đến mấy hôm trước, lúc trà dư tửu hậu với vài người trong xóm, lại nảy ra ý tưởng làm một cuốn kỷ yếu Xóm Mới để ra mắt dịp 25 năm đến nơi này cư ngụ. Bởi tôi còn lưu giữ hầu như tất cả tư liệu, hình ảnh về quá trình hình thành và phát triển của con hẻm, kể cả cái bản quy hoạch phân lô được vẽ nguệch ngoạc 1/4 thế kỷ trước.
Tôi hình dung lúc ấy, mỗi nhà sẽ vui vẻ đón nhận một cuốn kỷ yếu để lưu niệm, trong đó sẽ thấy bóng dáng thân yêu của ngôi nhà mình và tên tuổi, năm sinh xen lẫn kỷ niệm của những đứa trẻ ra đời, lớn lên ở đây.
Có lẽ, đó là khoảnh khắc đậm dấu ấn nhất để mỗi người nghĩ về nơi mình đang sống, như một mạch máu li ti hòa chung với nhịp đập của hàng ngàn con hẻm trong thành phố rộng lớn và đầy ân nghĩa này.
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html. |
Trần Thanh Bình - ẢNH: Phùng Huy