Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em năm nay 36 tuổi, có hai con gái mười tuổi và sáu tuổi. Em mới nghỉ việc dù đó là công việc khá tốt, thu nhập tương đối cao. Lý do sức khỏe là phụ, lý do chính là… vợ chồng em trục trặc.
Chồng em làm ngành xây dựng, được tín nhiệm, lương cao. Khoảng thời gian trở lại làm việc sau dịch, cả hai vợ chồng em đều căng thẳng vì công việc dồn lại rất nhiều dù thu nhập tốt hơn. Nhiều bữa em đi làm về, ba mẹ con ăn cơm đi ngủ rồi chồng em vẫn chưa về. Lúc về, anh ngủ ngoài phòng khách để không làm vợ con thức giấc.
Sáng hôm sau thức dậy, các con chỉ kịp chào ba, em đã phải vội vàng đưa con đến trường rồi đi làm. Chuyện vợ chồng gần gũi cũng hiếm hoi vì cả hai đều mệt, chủ yếu do anh ấy không hào hứng.
Một lần, bất chợt nghe anh nói chuyện điện thoại với đồng nghiệp ở công ty, em nhận ra đã lâu lắm chồng mình không nói chuyện với mình theo cách như vậy. Em lo nếu cứ theo đà này, vợ chồng em sẽ ngày càng xa nhau.
Em quyết định trong hai người phải có một người dừng lại để lo cho gia đình, chăm sóc người kia, để gia đình còn sự gắn bó. Tất nhiên người dừng lại là em. Thế nhưng, nghỉ được hơn tháng, em bắt đầu dao động. Bạn bè em rất ngạc nhiên vì em chọn dừng lại, làm người phụ thuộc, trong khi em đang thăng tiến.
Chồng em tán thành việc em nghỉ ở nhà chăm lo gia đình nhưng hơn tháng nay, anh ấy còn về muộn hơn; kể cả ngày lễ, Chủ nhật cũng ở lại công ty chạy dự án. Hẳn chồng em nghĩ đã có vợ lo lắng việc nội trợ, chăm con. Em bắt đầu nghi ngờ liệu quyết định của mình có đúng không…
Thiện Minh (TP.HCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Em Thiện Minh thân mến,
Phụ nữ, với bản năng làm vợ làm mẹ, thường là người đầu tiên nhận ra những trục trặc, những chỗ cần sửa chữa trong hôn nhân. Nhưng, nếu để bản năng ấy độc chiếm, phụ nữ có xu hướng tự nhận toàn bộ phần việc sửa chữa, bù đắp về phía mình, đơn giản nhất là trở thành bà nội trợ toàn tập. Em đã làm đúng như thế. Tất nhiên, người chồng nào cũng dễ dàng đồng ý phương án này.
Tuy nhiên, bản chất của mối quan hệ gia đình là cùng xây dựng và chia sẻ. Em nhận hết gánh nặng gia đình cũng có nghĩa là chồng em sẽ ít hoặc hầu như không tham gia chia sẻ. Như vậy, hại nhiều hơn lợi.
Vấn đề không phải ở chỗ một người dừng lại hay người ta nói gì mà là chồng em coi như mình được giải phóng hoàn toàn khỏi việc gia đình. Anh ấy đang đi bằng một nhịp điệu khác, còn em chật vật vừa làm vừa nhìn chồng ngày càng xa hút khỏi tầm nhìn, không thể bắt kịp nữa. Đây mới thật sự là nguồn gốc nỗi lo lắng của em.
Cách tốt nhất là mỗi người đều tự điều chỉnh bản thân, tham gia việc nhà, chăm sóc con và cả hai đều có những mối quan hệ xã hội. Như vậy, cả gia đình mới đồng hành cùng nhau.
Tạm nghỉ một thời gian cũng tốt, nhưng khi đã chủ động được thời gian, em hãy thu xếp lại việc nhà, nói chuyện với chồng về việc học hành của các con, giờ đưa đón, phân công việc nhà hợp lý.
Sau khi tạm ổn, em nên tìm một công việc mới phù hợp với mình, có thể chấp nhận thu nhập thấp hơn nhưng có thời gian chăm lo gia đình và làm những việc em thích. Em cũng nên đề nghị chồng giảm dần lượng công việc để chia sẻ cuộc sống với gia đình.
Việc này khó nhưng nhất định phải làm; có vậy em mới có thể kéo anh ấy về với gia đình, gần gũi vợ con hơn. Mục tiêu cuối cùng trong phân công gia đình là nhằm tạo ra một tổ ấm nơi các thành viên đều hạnh phúc, chứ không chỉ đơn thuần là phân công lao động. Chúc em thành công trong việc tái cấu trúc nhà mình.
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Kim Phụng (H.Hóc Môn, TP.HCM): Cần rõ ràng với bản thân
Tôi cũng vừa nghỉ việc. Hơn mười năm đi làm, điều đọng lại trong tôi là câu hỏi: “Mình đi làm vì điều gì?”. Nhà tôi không quá căng thẳng về thời gian, tình cảm vợ chồng không quá xa cách như cảnh nhà bạn. Tôi nghỉ việc chỉ vì thấy đời mình là một chuỗi ngày cứ lặp đi lặp lại nhàm chán.
Sau khi nghỉ việc, tôi đăng ký một khóa học làm bánh cao cấp; một khóa trang điểm chuyên nghiệp, làm tóc cô dâu. Tôi sẽ sống với nghề này vì đây là công việc tôi yêu thích, đồng thời cho tôi có thêm thời gian chăm sóc con. Tôi thấy vui vì quyết định đó.
Giờ bạn cần rõ ràng với bản thân: Nếu bạn vẫn đi làm thì sao? Có giải pháp nào khác không? Có nhờ cậy được nội ngoại trong việc này không? Nhờ được tới đâu? Khi bạn nghỉ việc thì tài chính thế nào, chồng đưa tiền cho bạn như thế nào? Sao bạn lại nghi ngờ chồng? Có phải suy nghĩ “ở nhà làm nội trợ” khiến bạn cảm thấy mình ít giá trị nên bắt đầu nhìn ngó, nhận xét nọ kia?…
Tôi tin rằng sau khi thành thật trả lời những câu hỏi ấy, bạn sẽ tìm được lối ra.
Thân Phương An (Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Việc nhà đâu của riêng ai
Ở nhà là hai từ thoạt nghe rất dễ nhưng lại khó khăn vô cùng. Tôi từng có chức vụ, thu nhập tốt nhưng quyết định nghỉ ngang. Giờ đây, tôi hạnh phúc với công việc dạy yoga.
Công việc đó cho tôi thu nhập và có thời gian dành cho con. Theo tôi, có hai thứ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi: việc kiếm tiền và chồng. Thu nhập mất. Chồng thì cậy có vợ ở nhà nên đi biệt. Thật ra, dù ở nhà, bạn vẫn có thể tìm được việc làm phù hợp để có thêm thời gian cho con.
Về phần mình, tôi không xem việc ở nhà làm nội trợ hoàn toàn là trách nhiệm của riêng tôi. Tôi vẫn phân chia công việc nhà cho chồng. Bạn hãy mạnh dạn nói chuyện với chồng - nói chuyện thật sự, đừng nặng nề, đừng ấm ức, đừng so sánh thiệt hơn, đừng nói rằng bản thân đang hy sinh…
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn