Một buổi sáng cuối tuần, vừa đút cháo cho con trai, tôi vừa tranh thủ lướt Facebook. Một bài đăng của em gái hàng xóm chúc mừng sinh nhật chồng hiện ra. Tôi định nhanh tay gửi đi lời chúc mừng sinh nhật của mình ở đó. “Hai mẹ con dậy đi, bố nấu cháo xong rồi!”, ngay lập tức, tin nhắn của cậu chồng phía dưới dòng bình luận đập vào mắt tôi. Như phản xạ không điều kiện, tôi nhanh chóng tường thuật lại nội dung đó với chồng mình, không quên kèm cái thở dài thườn thượt: “Đúng chuẩn ông chồng quốc dân”.
Vợ chồng H. là hàng xóm nhà tôi. Ngày ấy, tôi thường hay xuýt xoa: “Sao số con bé đến là sướng, gặp được ông chồng đảm đang, chu đáo thế không biết!”. Vợ chồng đều đi làm. H. về nhà chắc có mỗi nhiệm vụ trông thằng con hơn một tuổi, còn lại chợ búa, cơm nước, chồng một tay quán xuyến hết. Nghĩ đến cái cảnh mình, đi làm vừa về đến nhà chẳng kịp thay quần áo là lại lao ngay vào bếp, nấu nấu nướng nướng, tôi thấy sao mà số mình vất vả thế không biết! Cứ loay hoay thế ngày qua ngày mà hết tháng hết năm.
Vậy nên, tôi hâm mộ câu này lắm: “Đàn bà mà gặp đúng người thì mãi mãi không cần phải trưởng thành”. Có lẽ vì tôi đã từng nghĩ, trưởng thành là một cái tội, cái nợ, là sự lam lũ, vất vả mà người phụ nữ phải gánh. Tôi thèm thuồng, ghen tị với những cô vợ “không cần phải trưởng thành”. Họ chẳng cần phải đầu tắt mặt tối như tôi, có phúc lấy được anh chồng biết sẻ chia, đỡ đần vợ mọi việc trong nhà. H. kể với tôi: “Anh T. nhà em chịu khó lắm. Ngày trước ở với ông bà cũng thế. Sáng dậy sớm, nấu cơm cho cả nhà chị ạ. Giờ khoản chợ búa, cơm nước, anh ấy phụ trách là chính. Cũng một phần vì công việc giáo viên của anh ấy căn bản không bị gò bó về mặt thời gian”.
“Chắc chú T. nấu ăn ngon lắm”, tôi được dịp trầm trồ. Nghe vậy, H. bụm miệng cười, hồn nhiên trả lời tôi: “Em thuộc diện dễ tính mà chị. Chồng cho ăn gì ăn nấy. Hôm nào vợ chồng không muốn nấu cơm thì lại gọi đồ ăn ngoài về. Cu Tít nhà em, em mua cháo ngoài hàng cho ăn là chính thôi. Nấu nướng lỉnh kỉnh, lách ca lách cách mà con cũng có ăn được mấy đâu”.
Nghe H. nói vậy, tôi thấy mình sao thuộc hàng “khó tính, khó chiều”. Thứ nhất, tôn chỉ của tôi là tuyệt đối không bao giờ mua cháo ngoài hàng cho con ăn vì cho rằng đồ ăn ở ngoài người ta nấu không đảm bảo vệ sinh và chất lượng. Thứ hai, có dạo chồng tôi bảo bận quá thì thuê người nấu cơm, dọn dẹp. Nhưng được vài ba buổi, tôi chê nọ chê kia người ta làm không hợp ý mình rồi chẳng thuê nữa. Thứ ba, tôi nhớ thuở xa xưa cũng có lần chồng tôi vào bếp nấu nướng gì đấy, nấu xong để lại một bãi chiến trường tan hoang cho tôi dọn, tôi có bảo anh rằng: “Từ nay, anh đừng bày gì nữa!”.
Thì ra người đàn bà ghê gớm là tôi ấy đâu chịu làm cô vợ hiền hòa, vô tư. Ai làm gì cũng không vừa ý, chưa kể, còn vừa làm vừa than, số mình vất vả. Không biết người đàn ông nào sẽ có thể đủ tiêu chuẩn trở thành sự lựa chọn đúng đắn của người đàn bà như thế cơ chứ? Mà sau này nghĩ lại, chẳng bàn đến chuyện chọn đúng, chọn sai, chỉ riêng khái niệm “trưởng thành”, tôi cũng đã thấy mình tự suy diễn một cách lệch lạc, ấu trĩ lắm rồi.
Giờ đây ngẫm ra thì có vẻ như H. mới thực sự là người trưởng thành theo đúng nghĩa của nó. H. biết rõ cái mình muốn - không quá cầu toàn, không quá kỳ vọng. Trong ánh mắt của em luôn rạng rỡ niềm hạnh phúc, hài lòng với những gì mình đang có. Còn tôi thật chẳng khác gì một đứa trẻ, muốn cái A., muốn cái B. mà không biết lựa cái gì mới là cần thiết nhất. Thêm nữa, tôi cũng y hệt đứa trẻ ở cái khoản không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình khi có điều không vừa ý xảy ra.
Tại sao lại không muốn bản thân được trưởng thành chứ? Thứ lý luận sai lầm ấy, tôi không hiểu đã xuất hiện trong đầu mình từ khi nào nữa? “Những bài học cuộc sống dạy cho bạn sẽ giúp bạn dần đạt tới được ngưỡng của sự trưởng thành. Bạn không thể đột nhiên trở nên hạnh phúc hơn, giàu có hơn hay mạnh mẽ hơn nhưng bạn sẽ hiểu hơn về thế giới xung quanh mình và bạn tìm được cảm giác bình yên trong chính bản thân mình”. Đó là một câu nói của nhà tâm lý học người Mỹ Elisabeth Kubler-Ross mà tôi rất đồng cảm.
Điều quan trọng của sự trưởng thành là khi tôi cảm thấy bình yên trong chính tâm hồn mình, khi tôi rũ bỏ bớt đi những cái muốn, khi tôi học cách thỏa hiệp và khi tôi có thể bình thản nói rằng: “Ce’est la vie” (đó là cuộc sống).
Tôi quyết định tìm một người mới phụ trách việc nấu cơm và dọn dẹp nhà cửa buổi tối, quyết định mua đồ ăn ngoài cho bọn trẻ nếu cần, quyết định khen ngợi chồng tôi để có dịp anh trổ tài vào bếp và quyết định dọn dẹp bãi chiến trường sau đó của anh trong âm thầm vui vẻ.
Cứ thế ngày qua ngày mà hết tháng hết năm, tôi quyết tâm có một cuộc sống “hoàn hảo” của một người trưởng thành đúng nghĩa.