Kính gửi chị Hạnh Dung,
Đã hơn một tháng, vợ chồng em không nói chuyện với nhau. Bắt đầu là cự cãi như rất nhiều lần khác về chuyện chi tiêu. Anh ấy bảo em: “Hễ mở miệng là đòi tiền”, em nói: “Vậy từ nay em không thèm mở miệng nữa”. Chồng em thách: “Để rồi coi”, vậy là em im lặng luôn.
Bình thường em vốn nói nhiều, cũng là chuyện chồng con, nhà cửa thôi. Bây giờ, em vẫn nói chuyện với con nhưng không nói chuyện với chồng nữa. Nhiều khi cũng muốn nói lắm nhưng em cắn răng im lặng hoặc bỏ đi chỗ khác.
Sau một thời gian, hai con cũng nhận ra. Lúc có mặt anh ấy, cả nhà im lặng rất ngột ngạt, vì em có nói gì, hai con cũng nói lại vài tiếng cho qua chuyện. Đi làm về đến nhà là em bật ti vi lên rồi nấu ăn. Lúc dọn cơm, em kêu hai đứa nhỏ, hai đứa nhỏ kêu ba, cả nhà ngồi ăn trong im lặng.
Gần đây, hai con ăn xong là vọt lẹ lên phòng, không phụ em dọn dẹp nữa. Một mình em loay hoay việc nhà đến gần nửa đêm mới xong, rất mệt mỏi. Chồng em cũng không vì vậy mà đưa thêm tiền chi tiêu trong nhà. Kỳ lương tháng rồi anh chỉ đem tiền về để giữa bàn bếp, nói: “Tiền lương đó” rồi thôi.
Có vẻ biện pháp của em đã sai. Em muốn chồng chia sẻ việc chi tiêu, muốn tìm cách tăng thu nhập để lo cho hai con, mà bây giờ nhà cửa thì nặng nề, tiền thậm chí còn ít hơn (vì em không hỏi, chồng em cũng không đưa thêm). Tuy nhiên, em không muốn vợ chồng lại cự cãi như trước, rồi người ta kêu mình mở miệng ra chỉ đòi tiền.
Bích Giang (TP.HCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Em Bích Giang thân mến,
Em im lặng như một “biện pháp trừng phạt”, nhưng giờ thì chính em cũng bị “tự trừng phạt”. Im lặng không phải lúc nào cũng là vàng, chắc bây giờ em đã thấy. Sự im lặng tiêu cực làm đứt gãy nhịp cầu giao tiếp giữa con người với con người, khiến con người bị hạn chế, dần dần dẫn đến không thể giao tiếp, chia sẻ; hiểu lầm xuất hiện và ngày càng lớn.
Giao tiếp gia đình củng cố tình cảm, sự thấu hiểu giữa các thành viên. Khi không thể giao tiếp được với nhau, cha mẹ cũng không thể giáo dục con cái. Buổi tối, các con em rời khỏi bàn ăn trong im lặng nặng nề là do vậy. Bởi chưa đủ bản lĩnh để thay đổi tình trạng đó, bọn trẻ chỉ có thể chui vào ốc đảo riêng như một cách lảng tránh. Lâu dần, chúng sẽ coi việc vào phòng, khép mình lại, không nói chuyện… là bình thường.
Em đã đi từ cực đoan này sang cực đoan khác: lúc thì nói quá nhiều, cãi cọ căng thẳng; lúc lại không nói tiếng nào khiến tình trạng còn căng thẳng hơn.
Giờ là lúc cần lên tiếng, nhưng không phải cằn nhằn hay cự cãi. Em hãy trò chuyện lại với chồng. Hãy từ tốn, chọn lọc từ ngữ kỹ càng hơn trong khung cảnh yên tĩnh, riêng tư. Nếu cần thiết phải nói lời xin lỗi, em cứ xin lỗi. Sau đó, hãy chọn một chủ đề thân thiện và dễ đồng thuận hơn, đừng chọn tiền bạc. Ví dụ về chuyện học hành của con, chuyện sửa xe vì lo lắng đường đi làm về trời mưa ngập nước…
Em hãy nối lại nhịp cầu giao tiếp, bắt đầu từ giữa hai người, khi thành công rồi dần tiến đến đông người hơn, cho các con cùng tham gia. Những chủ đề nào có thể gây tranh cãi thì nên hạn chế bớt. Mục tiêu là lấy lại bầu không khí hòa thuận, ấm áp, vui vẻ trong gia đình. Khi gia đình đã có thể nói chuyện, bàn bạc, trao đổi với nhau, những vấn đề khác mới có thể giải quyết được.
Chúc em thành công.
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Lộc Mai (TP.Thủ Đức, TP.HCM): Chuyện vợ chồng là chuyện của hai con người
Thật mệt mỏi khi cuộc sống bị đè nặng bởi những căng thẳng về tiền bạc, vợ chồng nặng nề với nhau, con cái lặng lẽ. Vậy rốt cuộc mục đích sống của chúng ta là gì?
Chuyện vợ chồng thật ra là chuyện của hai con người, nghĩa là điều gì cũng cùng nhau. Tôi không rõ thu nhập của chồng bạn, của bạn, bạn đóng góp vào quỹ chi tiêu chung thế nào, chồng bạn gánh vác toàn bộ hay gia đình bạn có sự phân chia về tài chính… nên cũng chưa rõ lý do bạn yêu cầu chồng đưa thêm tiền.
Nếu chồng bạn chỉ có một nguồn thu nhập cố định và đã đưa bạn toàn bộ, thì anh ấy đâu còn gì để đưa thêm. Vả lại, với tình hình vật giá hiện tại, bạn nên là một người vợ hiểu chuyện thay vì cứ nằng nặc đòi đưa thêm khiến chồng khó xử.
Bạn muốn im lặng đến khi nào? Sắp tới, bạn dự định sẽ làm gì? Bạn có nghĩ đến cách nào khác để hạn chế nhắc đến tiền? Bạn có tính làm thêm việc nào đó để kiếm tiền thêm không?… Theo tôi, bạn nên nói chuyện với chồng để phá tan không khí nặng nề trong nhà, trước khi cùng chồng tìm cách giải bài toán thu nhập cho gia đình.
Mong bạn suy nghĩ thêm.
Lan Ngô (TP.Huế): Đừng để sự im lặng đẩy mọi chuyện đi quá xa
Tôi nghĩ bạn nên nói chuyện lại với chồng càng sớm càng tốt, đừng để sự im lặng đẩy mọi chuyện đi quá xa.
Trước hết, bạn hãy nghiêm túc nói chuyện với chồng, từ chuyện gần đây sinh hoạt phí trở nên đắt đỏ. Bạn có thể hẹn chồng ra quán cà phê hay trưa nào đó ghé cơ quan chồng rủ anh ấy đi ăn. Sau khi vợ chồng bạn nói chuyện bình thường trở lại, bạn có thể cho con biết hoặc tổ chức một “sự kiện” nho nhỏ để cả nhà cùng tham gia.
Không khí trong nhà phải bình thường rồi mới tính tiếp được, chứ căng như hiện tại thì bế tắc là đúng rồi. Bạn đang biến mọi thứ trở nên nặng nề, biến việc tiền nong gia đình trở thành gánh nặng tâm lý cho chồng.
Vợ chồng tôi cũng rất hay nói với nhau về chuyện tiền bạc, có hôm cũng giận dỗi, thậm chí lớn tiếng nhưng rồi đều sớm tìm cách hóa giải. Tôi nghĩ đó là điều bình thường trong đời sống gia đình. Quan trọng là cách dùng từ ngữ trong các cuộc nói chuyện đó. Tôi rút kinh nghiệm, chỉ nói về tiền bạc những lúc chồng tôi vui vẻ, hào hứng.
Hãy giảng hòa với chồng bạn đã, mọi thứ tính sau. Tôi tin khi đã bình tĩnh và bỏ qua cho nhau, vợ chồng bạn sẽ tìm được cách giải quyết vấn đề thu nhập trong gia đình.