Tội phạm mua bán người gia tăng, thủ đoạn ngày càng táo bạo

21/11/2023 - 11:12

PNO - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, tình trạng mua bán người ngày càng phức tạp với những thủ đoạn như ép làm mại dâm, cưỡng bức lao động.

 

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, hầu hết các loại tội phạm trong năm qua đều tăng, trong đó có một số loại tăng mạnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga 

Hầu hết các loại tội phạm đều tăng

Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Thẩm tra các báo cáo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật đạt được nhiều kết quả. Số vụ phạm tội có tổ chức giảm gần 64%; tổ chức, môi giới xuất nhập cảnh trái phép giảm gần 9%... Tuy nhiên, hầu hết các loại tội phạm đều tăng, trong đó có một số loại tội phạm tăng mạnh.

Cụ thể, số vụ giết người tăng 12,65%, cướp tài sản tăng 44,40%, cướp giật tăng 17,68%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 67,85%, gây rối trật tự công cộng tăng 80,75%...

“Điều này không chỉ gây bất an trong nhân dân về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện những hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực”, bà Lê Thị Nga nói.

Trong năm đã xảy ra vụ nhiều đối tượng thực hiện hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình, ngày 11/6/2023, 2 nhóm đối tượng có vũ trang đã đột nhập, tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu, Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm 9 người chết, 2 người bị thương.

Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 51,63% về số vụ, tăng 96,85% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 346,88%. Con số này, theo bà Lê Thị Nga, đã cho thấy việc xử lý tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực vẫn còn hạn chế.

“Đáng chú ý là trong các vụ việc trên, nhiều trường hợp liên quan đến người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh phải nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Tội phạm mua bán người ngày càng phức tạp

Tình trạng mua bán người gia tăng, nhiều thủ đoạn táo bạo như ép làm mại dâm, cưỡng bức lao động (ảnh minh họa)
Tình trạng mua bán người gia tăng, nhiều thủ đoạn táo bạo như ép làm mại dâm, cưỡng bức lao động (ảnh minh họa)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu, số vụ, số đối tượng mua bán người bị khởi tố tăng so với cùng kỳ (tăng 34,88% số vụ, 30,97% số đối tượng). Ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước và diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương với nhiều phương thức, thủ đoạn như: ép nạn nhân làm mại dâm hoặc cưỡng bức lao động.

Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng mua bán bào thai, mua bán nam giới, tuyển dụng làm “việc nhẹ, lương cao” tại các cơ sở lao động bất hợp pháp ở nước ngoài... Tỉ lệ các vụ án được cơ quan chức năng chủ động phát hiện chưa cao, chủ yếu do nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân bị mua bán trở về khai báo, tố giác. Số vụ án được điều tra, khởi tố về tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi tăng so với năm 2022 nhưng vẫn ít hơn so với giai đoạn trước năm 2018.

Tội phạm xâm hại trẻ em tăng so với năm 2022 là 41,88%. Mặc dù Quốc hội đã ban hành nghị quyết riêng về phòng, chống xâm hại trẻ em từ năm 2020, các cấp chính quyền đã có sự quan tâm chỉ đạo phòng ngừa, xử lý, tuy nhiên, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn ra phức tạp. Đặc biệt, xảy ra nhiều vụ việc người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng xâm hại thân thể, tính mạng, xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc dư luận.

Kê biên, phong tỏa hơn 386 ngàn tỉ đồng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, tình hình tội phạm thời gian qua gia tăng với nhiều thủ đoạn mới. Một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn.

Từ đầu năm đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tập trung công tác kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng, tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tạm dừng giao dịch... được số tiền hơn 389.219 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 82,4%).

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI