Dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng thời gian qua, tại TP.HCM nhiều chị em phụ nữ vẫn rơi vào cái “bẫy” lừa đảo của bọn tội phạm công nghệ cao. Công an TP.HCM cho biết, loại tội phạm này đang diễn biến rất phức tạp.
Trắng tay vì cả tin
Mới đây, bà Trần Thị An (63 tuổi, ngụ Q.12) đã đến Báo Phụ Nữ TP.HCM kêu cứu sau khi bị các đối tượng lừa lấy sạch số tiền tương đương gần chục tháng lương hưu.
Tháng 9/2019, bà An lên mạng thấy người ta bán hàng giá rẻ qua Facebook nên đặt mua một bộ chăn gối. Sau khi đặt hàng, một cô gái gọi điện tự xưng là nhân viên bán hàng hỏi bà địa chỉ nhận hàng và yêu cầu thanh toán tiền qua thẻ. Ngoài ra, cô còn yêu cầu bà đọc ba số cuối của thẻ.
Lát sau, cô này gọi lại nói là không thực hiện được giao dịch và bảo bà An đọc hết số tài khoản, rồi xin bà số chứng minh nhân dân và nhiều thông tin khác. “Trong lúc đang rối trí, cô gái hỏi mật khẩu thẻ ngân hàng thì tôi cung cấp luôn” - bà An nhớ lại.
Hai ngày sau bà An nhận được hàng đã đặt và chẳng mảy may nghi ngờ gì.
|
Tang vật của một nhóm đối tượng lừa đảo công nghệ cao bị công an triệt phá tại Q.9 |
Nhưng khoảng 20 ngày sau, đến ngày lĩnh lương hưu, bà nhờ con gái đi rút 20 triệu đồng về cho cháu nội đóng học phí mới tá hỏa khi trong thẻ chỉ có 5 triệu đồng tiền lương hưu vừa chuyển vào một ngày trước. Số tiền đã mất lên đến hơn 45 triệu đồng. “Tôi không ngờ chỉ vì mua bộ chăn gối mà tôi mất gần chục tháng lương hưu. Xấu hổ quá nên tôi cũng chưa ra công an tố cáo” - bà An cho biết.
Một nạn nhân khác bị lừa mất hàng chục tỷ đồng là bà N.V.Q., 46 tuổi, ngụ Q.Bình Tân. Theo đơn trình báo, chiều 3/10, bà Q. nhận điện thoại từ một người đàn ông tự xưng là nhân viên của một ngân hàng có chi nhánh ở Hà Nội. Người này thông báo bà có liên quan đến một vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 36 triệu đồng mà cơ quan công an đang khởi tố vụ án, tiến tới bắt tạm giam nghi can để điều tra, xử lý.
Bà Q. hoang mang với thông tin trên nhưng vẫn khẳng định không liên quan thì người đàn ông nói sẽ nối máy đến cán bộ điều tra tên Đạt để bà nói chuyện. “Cán bộ điều tra” tên Đạt tiếp tục khẳng định bà Q. có liên quan đến vụ án rồi yêu cầu bà Q. cung cấp thông tin về số tài khoản ngân hàng, mật khẩu để… phục vụ công tác điều tra.
Nghĩ mình không liên quan đến vụ chiếm đoạt nên cũng không lý do gì tài khoản bị ảnh hưởng, bà Q. đã cung cấp đầy đủ thông tin về hai tài khoản của mình tại ngân hàng Sacombank và Techcombank cùng với mật khẩu. Bốn ngày sau, ngày 7/10, bà Q. đến ngân hàng kiểm tra thì phát hiện mình đã bị đánh cắp 11 tỷ đồng nên đã đến Công an Q.Bình Tân trình báo.
Theo Công an TP.HCM, thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc điện thoại mạo danh cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát… để lừa đảo chiếm đoạt tiền diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân bị lừa. Đối tượng mà bọn lừa đảo thường nhắm đến là phụ nữ và người lớn tuổi. Có trường hợp bị lừa, bị mất tiền nhưng vì ngại kiện tụng lẫn tâm lý xấu hổ nên cả tháng sau mới đến công an tố cáo, khiến việc điều tra gặp không ít khó khăn.
Nhận diện thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao
Công an TP.HCM cho biết, qua các vụ việc trên, cơ quan chức năng nhận thấy các đối tượng tội phạm công nghệ cao thường sử dụng một số thủ đoạn như: giả danh cán bộ, công an (cơ quan điều tra), viện kiểm sát, tòa án, nhân viên bưu điện, ngân hàng… để thông báo với nạn nhân là họ có liên quan đến một vụ án nào đó và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra, hoặc cung cấp thông tin liên quan đến thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập.
Chúng cũng giả mạo người cho vay trực tuyến để lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn; thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn rồi yêu cầu cung cấp số OTP (mã xác thực) khách hàng; giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, mua thẻ điện thoại…
|
Một buổi tuyên truyền về phòng chống tội phạm công nghệ cao cho chị em phụ nữ |
Một thủ đoạn tinh vi khác cũng đã được phát hiện là đánh cắp thông tin bảo mật từ khách hàng; giả mạo cán bộ ngân hàng để yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ; yêu cầu gửi email/tin nhắn có chứa link truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản internet banking, hoặc thông tin thẻ để nhận tiền.
Thực chất đây là các website giả mạo để lừa khách hàng, cài đặt các phần mềm/ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc từ thông tin đăng nhập website của ngân hàng; sử dụng phương tiện điện tử để đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng, kích hoạt máy ATM, đánh cắp tiền đang được lưu giữ tại các trụ ATM.
Công an TP.HCM cảnh báo, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP) thực hiện các cuộc gọi đến các số điện thoại hiển thị trên màn hình số điện thoại người nhận từ các số giống với số trực ban công an rồi tự xưng cán bộ công an để đe dọa, yêu cầu “hợp tác điều tra” mà thực chất là tống tiền người dân. Số điện thoại lừa đảo thường xuất hiện thêm các đầu số 1080, +084028 hoặc +028… phía trước số máy giả mạo hiển thị khi gọi đến.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền cho chị em phụ nữ Thời gian qua, Hội LHPN TP.HCM đã chủ động triển khai nhiều hoạt động, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng - chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có chú trọng đến việc tuyên truyền, phòng chống tội phạm công nghệ cao, lừa tiền, tình của chị em. Bằng nhiều hình thức, chúng tôi đã cảnh báo chị em các thủ đoạn lừa gạt của loại tội phạm này. Nhiều buổi truyền thông rộng rãi với chị em được các cơ sở Hội phối hợp công an đưa về tận các khu phố, xóm ấp. Tuy nhiên, do nhẹ dạ, cả tin và thiếu thông tin, nên nhiều chị em vẫn bị rơi vào “bẫy” của bọn chúng. Trước thực trạng đau lòng này, chúng tôi xác định phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền, phải tổ chức bằng nhiều hình thức, đặc biệt phải ứng dụng chính công nghệ cao để tác động, hỗ trợ thông tin đến chị em, giúp các chị đủ kiến thức tự bảo vệ mình. Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM |
Làm gì để không bị lừa? Để không trở thành nạn nhân của bọn tội phạm công nghệ cao, ngành công an khuyến cáo người dân lưu ý: - Tuyệt đối không tiết lộ thông tin bảo mật đối với dịch vụ ngân hàng như mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mã xác thực OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email với người lạ, kể cả với nhân viên ngân hàng. - Xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch tài chính. - Kiểm tra thông tin của website khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Hạn chế sử dụng mạng wifi công cộng, tại quán cà phê để đăng nhập, thực hiện giao dịch trên hệ thống ngân hàng điện tử; luôn tải và cập nhật các phần mềm bảo mật, diệt vi-rút, tường lửa mới nhất cũng như phiên bản mới nhất của các ứng dụng cung cấp bởi ngân hàng. - Thoát khỏi các dịch vụ và ứng dụng của ngân hàng liên kết với dịch vụ điện tử và các website thương mại điện tử ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch. - Khi thực hiện giao dịch thẻ tại ATM, POS phải quan sát khe thẻ trên máy ATM để bảo đảm không có thiết bị lạ và che bàn phím khi nhập số PIN. - Khi phát hiện tài khoản/thẻ phát sinh những giao dịch gian lận hoặc có vướng mắc, phải liên lạc ngay số hotline của ngân hàng liên quan. - Đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản nhằm kịp thời phát hiện và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các giao dịch bất thường. - Cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng công an, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng… thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh và đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. - Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan chức năng chứng minh mục đích, nội dung làm việc cụ thể. |
Sơn Vinh - Nghi Anh